1. Bác sĩ Dolittle: Chuyến phiêu lưu thần thoại
Tác phẩm xoay quanh nhân vật được nhà văn Hugh Lofting khai sinh trong loạt tiểu thuyết ra đời 100 năm trước. Lấy bối cảnh nước Anh thế kỷ 19, phim theo chân Dolittle (Robert Downey Jr. đóng) - bác sĩ giỏi quan sát, có thể nói chuyện với muông thú. Sau khi vợ mất, anh chán nản, sống khép kín và không còn muốn giao tiếp với con người.
Một ngày nọ, cuộc sống của Dolittle bị xáo trộn khi một cô bé nhất quyết mời ông đến chữa bệnh cho nữ hoàng. Dolittle vừa phải chạy đua với thời gian, vừa phải dè chừng những kẻ xấu muốn ngăn cản anh. Hành trình này cũng buộc anh phải đối mặt với những nỗi đau cá nhân năm xưa.
Sau khi được công chiếu, “Bác sĩ Dolittle: Chuyến phiêu lưu thần thoại” đã nhận về nhiều nhận xét trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, kịch bản bộ phim không đủ kịch tính để Robert Downey Jr “bùng nổ” hết sức. Nhân vật Dolittle có sự biến chuyển tâm lý vội vàng, lúc lạc quan, khi lại chán nản với cuộc sống.
Chỉ 16% giới phê bình chấm điểm tích cực cho tác phẩm do Stephen Gaghan đạo diễn. Ra mắt vào tháng 1 năm nay, tác phẩm chỉ thu 92 triệu USD toàn cầu, trong khi kinh phí đến 175 triệu USD và được cho là trở thành “bom xịt” đầu năm.
2. Di nguyện của cha
Câu chuyện theo chân Elena Mc Mahon - phóng viên của tờ Washington Post. Cô bỏ việc để chăm lo cha sau khi mẹ mất. Sau một loạt sự kiện kỳ lạ liên tục xảy ra, McMahon phải chật vật đối đầu với những tên mật vụ, quân nhân, rồi đột nhiên được thừa hưởng vị trí buôn vũ khí cho quân đội tại Trung Mỹ.
Dựa trên tiểu thuyết của Joan Didion xuất bản năm 1996, “Di nguyện của cha” được đạo diễn bởi Dee Rees. Bộ phim được chiếu trên nền tảng của Netflix, nhưng không nhận được nhiều sự đón nhận tích cực của khán giả và giới phê bình.
Tuy có sự góp mặt của dàn sao Anne Hathaway và Ben Affleck, nhưng phim vẫn là một quả bom xịt đáng thất vọng trong năm 2020. Film Week bình luận rằng, toàn bộ câu chuyện về nhà báo giúp cha tham gia cuộc thỏa thuận vũ khí quá khó hiểu đến độ, cho dù chịu khó xem vẫn không đọng lại được điều gì vì nội dung phim nhạt nhòa.
3. Cậu bé Artemis Fowl
Phim do Kenneth Branagh đạo diễn, chuyển thể từ truyện cùng tên của Eoin Colfer. Câu chuyện xoay quanh Artemis Fowl II (Ferdia Shaw đóng) - thiên tài 12 tuổi điều hành đế chế tội phạm, muốn giải cứu cha mình nên bước vào cuộc phiêu lưu kỳ ảo.
Với ngân sách lớn, độ nổi tiếng của sách gốc và tên tuổi đạo diễn Kenneth Branagh, “cậu bé Artemis Fowl” là một dự án trọng điểm của Disney năm nay.
Tuy nhiên, tác phẩm nhận nhiều lời chê sau ngày ra mắt. Trên Rotten Tomatoes, “cậu bé Artemis Fowl” chỉ nhận 10% đánh giá tích cực từ giới phê bình. Theo trang này, phim không làm hài lòng fan của nguyên tác và khiến người chưa xem truyện cảm thấy khó hiểu. Toàn bộ câu chuyện của phim diễn ra chóng vánh, thiếu điểm nhấn và sự logic, khiến người xem cảm thấy nhàm chán.
Mặc dù liên tục nhấn mạnh rằng, Artemis Fowl vô cùng thông minh, nhưng chưa có chi tiết nào làm nổi bật điều đó. Suốt 90 phút của phim, người xem nhận xét, họ không nhận thấy điểm đáng tin và nể phục của cậu bé này ngoài vẻ mặt đơ cứng.
4. Kẻ săn mồi đáy biển
Được khởi quay vào năm 2017, “Kẻ săn mồi đáy biển” đã mất đến hai năm để đạt đến độ hoàn thiện 100% và trình làng tới khán giả yêu phim.
“Kẻ săn mồi đáy biển” mở đầu hành trình bằng một trận động đất hung tợn, khiến phòng thí nghiệm dưới mặt nước của một tổ chức khoa học bị tàn phá nghiêm trọng. Norah Price (Kristen Stewart) - một nữ kỹ sư làm việc tại giàn khoan dầu, phải cùng đồng đội tìm cách thoát ra khỏi đống đổ nát. Thế nhưng, chính trận động đất đó đã đánh thức những sinh vật kỳ quái và hung hãn ở độ sâu 7 dặm dưới mực nước biển hồi sinh.
Norah Price cùng các đồng sự không chỉ đứng trước áp lực phải thoát khỏi những quái vật kỳ lạ xung quanh mình, mà họ còn phải làm điều đó thật nhanh trước khi nguồn không khí dần cạn kiệt. Nội dung của “Kẻ săn mồi đáy biển” không quá hay, dễ đoán và có phần hơi bị hư cấu. Độ kịch tính của phim dài nhưng không cao do tính phí logic và việc chuyển cảnh khá nhanh.
Sự xuất hiện của những con quái vật được cho là nặng tính sắp đặt, vô hình chung làm phim bị giảm tính tự nhiên và chân thật. Mô tip của “Kẻ săn mồi đáy biển” đã quá quen thuộc, nên nội dung của phim không quá thú vị với những ai hay xem phim.
Đáng tiếc, “Kẻ săn mồi đáy biển” quá thiên về tuyến truyện sinh tồn và thiếu sự trau chuốt dành cho đám quái vật. Bản thân chúng chỉ thoắt ẩn thoắt hiện, không có hình thù quá rõ ràng. Lợi dụng yếu tố hù dọa, phim chủ yếu chỉ khiến người xem giật mình, thay vì đem lại cảm giác ám ảnh.
Câu chuyện trong phim cũng còn quá tuyến tính, dễ đoán, thiếu đi sự bất ngờ với những ai yêu thích dòng phim quái vật.