Bệnh nhân sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử, dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
Số ca có thể tiếp tục được ghi nhận
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian gần đây, một số địa phương ghi nhận rải rác trường hợp mắc bệnh Whitmore. Dự báo, số ca mắc Whitmore sẽ tiếp tục được ghi nhận thời gian tới ở nhiều địa phương, nhất là các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển.
Mới đây, báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương và hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho biết đã ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore. Bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Trong đó, có 2 trường hợp là trẻ em tại thị xã Nghi Sơn (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) và 1 trường hợp là người lớn tại huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk).
Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch. Tuy nhiên, bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những nhóm nguy cơ. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Australia và Đông Nam Á. Đây là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật.
Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn. Sau đó, xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn B. pseudomallei. Đến nay, chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 1925 tại TPHCM, sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, khi mắc Whitmore, viêm phổi là thể bệnh hay gặp nhất. Đồng thời, có biểu hiện lâm sàng giống viêm phổi mắc phải trong cộng đồng do các căn nguyên khác. Bệnh nhân sốt cao, sốt rét run, ho đờm mủ. Tổn thương có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử, dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, nhiễm khuẩn huyết cũng là thể bệnh hay gặp, có thể không xác định được đường vào, dễ diễn biến thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng gây tử vong. Người bệnh cũng có thể bị áp xe hoặc viêm mủ tuyến mang tai.
Trong khi đó, các biểu hiện lâm sàng ít gặp hơn gồm ở áp xe trong ổ bụng. Trong đó, bao gồm áp xe gan, lách, cơ thắt lưng chậu. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị tổn thương da và mô mềm. Cụ thể, tổn thương đa dạng không đặc hiệu như loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc, áp xe cơ.
Một số vấn đề khác ít gặp hơn gồm thận tiết niệu: Viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến; Xương khớp: Viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng; Thần kinh: Viêm màng não mủ, áp xe não, viêm màng não – tủy; Tim mạch: Viêm màng ngoài tim, phình mạch; Viêm hạch bạch huyết. Tại da, tổn thương là các u hạt, loét da khó lành.
Trong khi đó, với trẻ mắc Whitmore, biểu hiện lâm sàng như bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết có thể xảy ra, nhưng không thường xuyên. Ngược lại, trẻ thường gặp các tổn thương da hoặc viêm mủ, áp xe tuyến mang tai.
Bệnh hiếm và không lây từ người sang người
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM nhận định, người dân không nên quá hoảng loạn vì Whitmore khi một trường hợp trẻ tử vong do bệnh này. Bác sĩ Khanh cho biết, đây là bệnh hiếm và không lây từ người sang người.
“Bệnh có tên Whitmore (hay bệnh melioidosis) và do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh này không phải mới có mà đã được biết từ lâu. Bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da trầy xước là chính. Vi khuẩn từ vết xước đi vào máu. Sau đó, gây nhiễm trùng máu hay áp xe hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da và vùng da bị bệnh gây loét hoại tử. Bệnh không lây qua đường hô hấp”, bác sĩ Khanh cho biết.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, Whitmore là bệnh gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Bệnh không lây từ người sang người và cũng không dễ mắc nếu sinh hoạt vệ sinh sạch sẽ. Triệu chứng bệnh có thể cấp tính như: Sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm phổi, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người
“Để phòng bệnh, khi tiếp xúc với đất hay nước không sạch, phải có găng hay ủng bảo vệ. Rửa sạch tay chân ngay khi tiếp xúc với nước hay đất không sạch. Với việc điều trị, quan trọng là bác sĩ phải nghĩ đến bệnh Whitmore để làm xét nghiệm. Từ đó, điều trị đúng kháng sinh. Bởi, nếu dùng các loại kháng sinh khác dù đắt hơn, người bệnh vẫn không khỏi. Thời gian điều trị cũng rất lâu, nếu không, bệnh sẽ tái phát”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.