Những “bí ẩn” của người Xạ Phang

GD&TĐ - Xạ Phang là một trong 19 dân tộc anh em đang cư trú ở tỉnh Điện Biên. Họ là nhóm cư dân có cùng nguồn gốc với người Hoa, di cư sang Việt Nam và sinh sống trên các rẻo núi cao ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Cuộc sống của đồng bào Xạ Phang đang dần “thay da, đổi thịt”. Ảnh: Quyết Hữu.
Cuộc sống của đồng bào Xạ Phang đang dần “thay da, đổi thịt”. Ảnh: Quyết Hữu.

Trong đời sống của người Xạ Phang ẩn chứa nhiều giá trị tốt đẹp, đặc biệt là quan hệ họ hàng và luật tục khá đặc biệt.

Tộc người trên rẻo cao

Theo những kết quả nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Điện Biên, tên gọi Xạ Phang là tên được đọc chệch đi của từ “xẻo phăng” theo tiếng Hán nghĩa là “người Hoa sống trên rẻo núi cao”. Vì thế, dân tộc Xạ Phang thuộc nhóm ngôn ngữ Hoa - Hán.

Người Xạ Phang sinh sống tập trung có ngôn ngữ riêng của dân tộc mình. Tiếng Xạ Phang được sử dụng nhiều hơn trong cộng đồng và trong một số lễ nghi truyền thống của dân tộc.

Người Xạ Phang sử dụng chữ Hán để viết các câu đối trang trí ở gian thờ vào dịp lễ, Tết. Trước đây, họ sử dụng chữ Hán rất phổ biến trong giao dịch, giao tiếp, văn tự… Song ngày nay, những người biết đọc và viết được chữ Hán không còn nhiều. Vì vậy, đa phần sử dụng chữ phổ thông làm chữ viết hàng ngày.

Theo phân bố, dân tộc Xạ Phang ở tỉnh Điện Biên cư trú chủ yếu dọc theo các dòng suối và trên các triền núi. Họ sống tập trung tại 10 bản thuộc 6 xã của 4 huyện gồm: Xã Huổi Lèng, Sa Lông (huyện Mường Chà); xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); xã Phìn Hồ (huyện Nậm Pồ) và các xã: Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa). Đây là những xã, huyện có địa bàn rộng, các bản người Xạ Phang phân bố trong những vùng đặc biệt khó khăn nằm trong chương trình hỗ trợ 135 của Chính phủ.

Điều kiện kinh tế phát triển chậm, tỷ lệ đói nghèo cao, tình hình trật tự an ninh, tình trạng di cư tự do gây nên sự xáo trộn cuộc sống. An toàn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.

Dưới gầm sàn, thiếu nữ xem người lớn truyền dạy kỹ thuật may vá. Ảnh: Giáp Văn.
Dưới gầm sàn, thiếu nữ xem người lớn truyền dạy kỹ thuật may vá. Ảnh: Giáp Văn.

Quan hệ phụ hệ rõ nét

Người Xạ Phang ở Điện Biên có nhiều dòng họ (chu xủ dần) như: Lồ, Sỉ, Sần, Oài, Hồ, Giàng, Ly, Hoàng, Lưu… Họ quan niệm những người cùng dòng họ là những người cùng một ông bà, tổ tiên sinh ra. Tiếng Xạ Phang gọi là “thồng chui”, “thồng chú”.

Sự khác nhau giữa các dòng họ cũng có những khác nhau trong cách bố trí bát hương trên bàn thờ cúng tổ tiên (Sần khá), như: Họ Lồ chỉ 1 bát hương; họ Ly, họ Vàng có 3 bát hương; họ Trần có 4 bát hương…

Ngoài ra, có một số gia đình còn lập thêm một bàn thờ nhỏ và thấp hơn bàn thờ tổ tiên để thờ cúng cho những người trong họ không lấy vợ, lấy chồng khi chết đi sẽ không được ngồi ăn cùng tổ tiên trên bàn thờ lớn.

Bàn thờ của tất cả các dòng họ đều đặt ở gian giữa, vách phía trên nhà. Người Xạ Phang chỉ cúng 3 đời từ ông bà trở lại, khi con cái lớn lên tách ra ở riêng đều phải lập bàn thờ tổ tiên. Thường thì người cha, người chồng, người con trai trưởng trong gia đình được kế tục và duy trì các nghi lễ của dòng họ như thờ cúng tổ tiên, tổ chức tham gia các lễ, lễ hội theo phong tục của dòng họ.

Gia đình người Xạ Phang có truyền thống sống đoàn kết, hòa thuận từ 2 - 3 thế hệ chung một mái nhà. Chỉ có người con trai út là ở cùng đại gia đình để chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, bố mẹ. Các con cả sau khi xây dựng gia đình một thời gian, ra ở riêng thường là ở gần liền nhà bố mẹ.

Quan hệ gia đình người Xạ Phang là quan hệ phụ hệ rõ rệt. Con trai mới được thừa hưởng gia tài bố mẹ để lại và có tiếng nói quyết định trong mọi công việc của gia đình.

Trong quan hệ dòng họ, người con gái bao giờ cũng được bà, mẹ dạy dỗ cặn kẽ gia giáo về cách ứng xử trong gia đình theo tôn ti trật tự. Ngoài ra, người con dâu, em dâu, cháu dâu rất tôn trọng bề trên nhà chồng mình.

Trên trang phục của người Xạ Phang có nhiều họa tiết đặc trưng mà không dân tộc nào có được. Ảnh: Ngọc Minh.
Trên trang phục của người Xạ Phang có nhiều họa tiết đặc trưng mà không dân tộc nào có được. Ảnh: Ngọc Minh.

Bình đẳng hóa các mối quan hệ

Trước đây, người em dâu không được ngồi ăn cùng mâm với anh chồng trong các bữa ăn hàng ngày của gia đình. Nhưng những năm gần đây, tục lệ này cũng không còn khắt khe như trước nữa. Sự bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình dần cải thiện theo xu hướng chung của xã hội.

“Đồng bào Xạ Phang chúng tôi quan niệm rằng: Những người cùng một họ không được phép kết hôn. Đồng bào sớm nhận biết được những tư tưởng lạc hậu, anh em lấy nhau xây dựng hạnh phúc là cùng huyết thống sẽ trái với luân thường đạo lý và sinh ra những đứa con dị dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển dòng dõi của họ hàng. Vì thế, ở dân tộc Xạ Phang chúng tôi hầu như không có chuyện kết hôn cận huyết thống”, chị Ngải Lao Mể, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ bản Đệ Tinh 2, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ chia sẻ.

Mỗi dòng họ trong một bản làng thường bầu ra một người làm trưởng họ được gọi là “chu xuấn dần”. Người này thường là người có tuổi, có kinh nghiệm, am hiểu phong tục tập quán của dòng họ mình và được mọi người tín nhiệm.

Trưởng họ có vai trò hướng dẫn, chỉ bảo việc thực hiện các tập tục ma chay (te xủa), cưới xin (chìu thíu), dựng nhà (xíu da chiu)… và là trung tâm liên lạc, giữ gìn tôn ti trật tự, tập tục và duy trì sự đoàn kết trong dòng họ. Đồng thời giải quyết các mối bất hòa trong và ngoài dòng họ.

Trong quan hệ dòng họ luôn tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống như việc tang ma, làm nhà, cưới hỏi… cũng như công việc gieo trồng (chấu chiên tổ tỉ), thu hoạch (xấu qiau cha) mùa màng họ giúp đỡ nhau dưới hình thức đổi công giữa các gia đình.

Ngày nay, bản là đơn vị hành chính tập trung sinh sống của không chỉ người Xạ Phang mà nhiều dân tộc khác. Kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, quan hệ xã hội đã mở rộng giao lưu giữa các dân tộc. Gia đình nào có công việc gì hệ trọng, trưởng bản thông báo cả bản cùng chung sức chung lòng giúp đỡ.

Điều này khẳng định khối đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh. Tuy nhiên, đồng bào vẫn bảo lưu khá sâu sắc những mặt biểu hiện sinh hoạt, phong tục tập quán của những mối quan hệ thân tộc có tính chất huyết thống trong bản.

Thiếu nữ làm giày hoa thêu truyền thống. Ảnh: Văn Quyết.
Thiếu nữ làm giày hoa thêu truyền thống. Ảnh: Văn Quyết.

“Bí ẩn” những luật tục…

Những cán bộ thuộc Bảo tàng tỉnh Điện Biên từng nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số như Trịnh Thị Mai, Trần Văn Hoàn, Lò Văn Hoàng, Thào A Dơ, Lê Đình Hải cho biết, đồng bào Xạ Phang là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, vô cùng phong phú, đa dạng và mang sắc thái đặc trưng riêng.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, đồng bào Xạ Phang đã có nhiều tiến bộ trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, một số quy ước, luật tục vẫn còn tồn tại hoặc đã từng tồn tại trong cộng đồng người Xạ Phang. Đó là những chuẩn mực trong ứng xử giữa các thành viên trong cộng đồng, giữa cộng đồng với môi trường xung quanh.

“Nội dung những quy ước, luật tục đó thể hiện tính cộng đồng cao bảo vệ quyền lợi, duy trì đời sống của đồng bào. Nhiều qui ước, luật tục truyền thống được cộng đồng người Xạ Phang chấp hành nghiêm chỉnh. Có thể kể đến như việc chọn đất dựng nhà. Người Xạ Phang gọi là “chi du chí xi phang chu”. Khi làm nhà không đặt nền nhà lấn chiếm đường đi chung, không làm nhà chỗ đất để làm nương rẫy của bản”, ông Hồ Chử Dung - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ cho biết.

Cũng theo ông Dung, việc bảo vệ trật tự an ninh cũng vậy. Người Xạ Phang gọi là “Pâu hu xư chi”, nghĩa là không được trộm cắp. Không được gây mất đoàn kết giữa các gia đình, các dòng họ; không tham gia buôn bán và tàng trữ các chất ma túy.

Tương tự như vậy, đối với đất làm nương rẫy (pu xủ cồ chá), khi làm nương rẫy, các gia đình chỉ được làm trên khu đất thuộc địa phận của bản mình, không được canh tác nương rẫy trên đất của các thôn bản khác. Trong việc bảo vệ nguồn nước (pu xủ da lỉn), dòng suối dùng để làm nước sinh hoạt chung cho cả thôn bản.

Vì thế, cấm tuyệt đối không được chăn thả gia súc, gia cầm trên đầu nguồn. Tất cả phải cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung, không được chặt phá rừng. Việc bảo vệ rừng (chu xủ chư lỉn) quy định người dân không được chặt phá rừng bừa bãi, không tham gia buôn bán gỗ. 

Mặc dù, các luật tục đó chỉ tồn tại bằng những ý niệm nhưng có tác dụng rất lớn trong đời sống sinh hoạt buộc mọi thành viên trong gia đình và cộng đồng tuân theo. Các luật tục có nội dung dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu ai vi phạm các luật tục của bản sẽ bị trừng phạt. Ai cố tình làm trái với quy ước, luật tục chung của bản thì phải chịu hình phạt nặng nhẹ tùy theo mức độ vi phạm.

Trước đây, người Xạ Phang quan niệm, người phạm lỗi phải mổ một con lợn và mang rượu đến nhà (dần chừ thờ). Theo tục lệ mỗi gia đình có một người đàn ông đến nhà (dần chừ thờ) để nghe công bố tội trạng của người đó, người phạm lỗi đứng trước đại diện gia đình xin lỗi. Sau đó, mọi người ở lại ăn uống gọi là bữa cơm tạ lỗi để dăn đe những kẻ vi phạm. 

Ngày nay, những người vi phạm những quy ước, luật tục đó thường là phạt tiền, nhiều hay ít tùy theo mức độ vi phạm. Bởi thế, họ quan niệm việc thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các hương ước, quy ước của thôn bản còn là tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa. Đồng thời, đó là những quy định có tác dụng thiết thực đối với cuộc sống hàng ngày của bản làng nên được người dân tích cực hưởng ứng và tự giác chấp hành.

Người Xạ Phang cũng coi trọng việc bảo vệ chim, thú, cá trong tự nhiên. Họ quy ước không được săn bắt bừa bãi các loại chim, thú rừng, cá trên các sông suối. Trong cưới xin, ma chay, lễ hội… người dân phải thực hiện các nghi lễ theo đúng phong tục tập quán của dân tộc mình. Không cầu kì, tốn kém, tiếp tục truyền đặt lại cho con cháu những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.