Những bản án lạ lùng với công thần triều Nguyễn

GD&TĐ - Dù là bậc khai quốc công thần triều Nguyễn nhưng Lê Văn Duyệt, Lê Văn Quân hay Nguyễn Văn Thànhxxx vẫn bị kết tội bởi những bản án nghiêm khắc.

Một góc kinh thành Huế. Ảnh minh họa.
Một góc kinh thành Huế. Ảnh minh họa.

Mất mạng vì thơ con

Nguyễn Văn Thành (1758 - 1817) có tổ tiên là người Quảng Điền (phủ Thừa Thiên) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Tuy nhiên, về cuối đời, Nguyễn Văn Thành và con trai ông cũng phải đón nhận những bản án oan ức.

Theo sử sách, Nguyễn Văn Thành có con trai Nguyễn Văn Thuyên, vốn hâm mộ văn chương nên đã làm một bài thơ tặng cho Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận ở Thanh Hóa. Nội dung bài thơ đó như sau:

“Ái châu nghe nói lắm người hay/Ao ước cầu hiền đã bấy nay/Ngọc phác Kim Sơn tài sẵn đó/Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay/Mùi hương hang tối xa nghìn dặm/Tiếng phượng gò cao suốt chín mây/Sơn tể phen này dù gặp gỡ/Giúp nhau xoay đổi hội cớ này”.

Do Nguyễn Văn Thành là công thần nên có một số người ghen tị với công trạng của ông. Những người có hiềm khích đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, truất ngôi vua của cha con ông. Ông đã bị tước hết chức quan và chờ xử lý.

Trước sức ép của nhiều triều thần, vua Gia Long không thể bảo vệ được công thần của mình. Cuối cùng Nguyễn Văn Thành đã phải uống thuốc độc tự tử, Nguyễn Văn Thuyên bị tội trảm quyết (chém).

Sau khi Nguyễn Văn Thành chết, quân lính mới nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành trước lúc chết ở nhà quân đem dâng lên. Vua Gia Long cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Dù bị án oan, phải đến năm 1868, triều Nguyễn mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm Chưởng trung quân Đại tướng quân Quận công cho Nguyễn Văn Thành.

Phạt đánh 100 roi sau khi chết

Lê Văn Quân (? - 1791) quê ở Định Tường thuộc Tiền Giang ngày nay. Ngay từ trẻ, ông đã đi theo Nguyễn Ánh, lúc xông trận thì rất dũng mãnh, người đương thời đặt cho ông biệt hiệu là Dũng Nam Công.

Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vốn có hiềm khích với Võ Tánh - một hổ tướng nổi tiếng khác của vua Gia Long nên Lê Văn Quân thường chủ động không phối hợp tác chiến với quân Võ Tánh trên chiến trường, khiến quân Nguyễn nhiều phen thua trận. Sau nhiều trận bị quân Tây Sơn tấn công, Lê Văn Quân bắt đầu nhụt chí và thấy thua kém hẳn mọi người.

Khi quân Xiêm La quấy nhiễu biên thùy, vua Gia Long xuống chiếu triệu Lê Văn Quân về mang quân chống đỡ. Tuy nhiên, khi nhận được chiếu Lê Văn Quân không chịu tiến quân ngay. Sau đó dâng biểu tâu lên vua Gia Long nói xấu Võ Tánh.

Sau khi bị vua Gia Long nổi giận, quở trách, Lê Văn Quân sợ bị trị tội, cáo bệnh không xuất quân, vua phải sai Cai cơ Nguyễn Văn Lợi đến thay. Sau khi dẹp xong giặc Xiêm La quấy nhiễu, năm Tân Hợi (1791), vua cùng đình thần bàn nghị tội của Lê Văn Quân.

Tất cả đều cho rằng, Lê Văn Quân phải bị xử tử, nhưng vua nghĩ ông có công lao nên không nỡ giết, bèn sai tước hết quan chức. Tuy nhiên, vì là người kém hiểu biết, không suy xét cẩn trọng nên Lê Văn Quân xấu hổ quá, uống thuốc độc tự tử.

Biết tin Lê Văn Quân tự tử, vua Gia Long vừa tiếc lại vừa tức, tới tận nhà thương khóc, sai người lấy gậy đánh vào quan tài của Lê Văn Quân 100 gậy, xong mới cấp cho tám người lính làm phu mộ, lại còn cho hai người lính khác làm phu coi mộ cho cha đẻ của Lê Văn Quân, cho con ông đang làm lính được về phụng dưỡng mẹ.

Kết án sau khi qua đời

Lê Văn Duyệt (1764 - 1832) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ngay từ nhỏ đã thông minh, nhanh nhẹn, sức khỏe phi thường. Về sau, trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn Ánh giành nhiều thắng lợi, dựng nên triều Nguyễn.

Sau này, ông hai lần được giao giữ chức Tổng trấn Gia Định cho tới khi qua đời. Vốn là người tài năng, đức độ, Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ rất tôn kính gọi ông là “ông Lớn Thượng”.

Tuy nhiên, bi kịch lại đến với Lê Văn Duyệt sau khi qua đời. Lúc này, thành Gia Định được vua Minh Mạng đổi sang thành Phiên An, các quan được đặt lại. Lê Văn Duyệt bị vua xét lại công tội lúc còn sống, bị bạc đãi với người thân. Quá bức xúc, người con nuôi Lê Văn Khôi của ông khởi binh chống lại triều đình ở Gia Định. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy nhanh chóng bị quân triều đình đánh bại.

Dẹp xong khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho Tổng đốc Gia Định đến mồ Lê Văn Duyệt san bằng, xiềng xích khóa lại, dựng bia đá sỉ nhục với tám chữ “Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội”. Ông chết vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hai tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Người thân trong gia đình đều bị xử tội theo những khung hình phạt khác nhau.

Mãi tới năm 1841, sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị mới ban lệnh tha tội cho Lê Văn Duyệt và phải đến năm 1868, triều Nguyễn mới chính thức ban lệnh truy phục chức hàm Chưởng Tả Quân Đại tướng quân cho Lê Văn Duyệt, đồng thời cho thờ trong miếu Trung hưng công thần ở kinh thành Huế.

Triều Nguyễn tồn tại 143 năm từ năm 1802 đến năm 1945, trải qua 13 đời vua trị vì. Gia Long là vị vua đầu tiên, Bảo Đại là vua cuối cùng. Đây cũng là triều đại quân chủ cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.