Những bài học ý nghĩa bên ngoài tiết học

GD&TĐ - Bằng sự sáng tạo trong cách tổ chức các hoạt động dạy học, nhiều nhà trường tại Bắc Cạn đạt hiệu quả tích cực về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Học sinh trường Tiểu học Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Kạn) vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ của huyện
Học sinh trường Tiểu học Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Kạn) vệ sinh Nghĩa trang liệt sĩ của huyện

Tri ân truyền thống lịch sử

Huyện Ngân Sơn có 8 di tích lịch sử với 3 di tích lịch sử cấp quốc gia, 5 di tích lịch sử cấp tỉnh, với những “địa chỉ đỏ” như di tích Bác Hồ dừng chân tại thôn Hoàng Phài (xã Cốc Đán), di tích chiến thắng Đèo Giàng (xã Hiệp Lực)…

Nằm trên vùng quê giàu truyền thống lịch sử cách mạng, các trường học trên địa bàn huyện Ngân Sơn đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tri ân, thăm hỏi tại các “địa chỉ đỏ”, dọn dẹp vệ sinh tại khu nghĩa trang của địa phương, thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ gia đình người có công, thương binh bằng các việc làm phù hợp với lứa tuổi.

Một tiết học lịch sử trực quan của thầy và trò trường THPT Phủ Thông (Bắc Kạn)
Một tiết học lịch sử trực quan của thầy và trò trường THPT Phủ Thông (Bắc Kạn)

Tại trường Tiểu học Vân Tùng (Ngân Sơn), vào những dịp kỉ niệm ngày lễ lịch sử, cô trò nhà trường thường tổ chức những hoạt động ý nghĩa như: Ngoại khóa với chủ đề “Tiếp nối truyền thống Quân đội nhân dân anh hùng”; dâng hương, kết nạp đội viên và vệ sinh tại Nghĩa trang Liệt sĩ của huyện; thăm hỏi người có công với cách mạng…

Cô giáo Đinh Ngọc Yến, Tổng phụ trách Đội của nhà trường tâm đắc: Những hoạt động thiết thực này giúp học sinh thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh cho quê hương đất nước; giáo dục các em biết học tập, vươn lên trong cuộc sống, hình thành suy nghĩ sống có trách nhiệm, ý chí.

“Em rất vui khi được tham gia hoạt động kết nạp Đội tại những địa chỉ đỏ. Tại đây chúng em không chỉ thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ, dọn dẹp vệ sinh mà còn được cô giáo ôn lại lịch sử, giáo dục truyền thống... Em sẽ cố gắng học giỏi, nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo để trở thành người có ích cho xã hội” - em Đinh Mai Anh (học sinh lớp 4A1, trường Tiểu học Vân Tùng) bày tỏ.

Trải nghiệm ngoài lớp học

Với trường THPT Phủ Thông (Bạch Thông), vấn đề rất được các thầy cô là chú trọng là giúp các em có kiến thức tổng quát bằng hoạt động trực quan, khơi gợi niềm say mê, hứng thú học tập. Hoạt động ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử địa phương luôn được nhà trường quan tâm tổ chức với các hình thức như thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, thuyết trình về sự kiện, địa danh cách mạng, trò chuyện cùng những nhân chứng lịch sử...

Mạnh dạn tìm tòi đổi mới, thầy giáo Nguyễn Thế Cường, giáo viên môn Giáo dục Quốc phòng và an ninh của nhà tường đã xây dựng nội dung, kết cấu tiết học theo phương pháp mới, đặc biệt là phần lịch sử địa phương.

Được dâng hương tại nghĩa trang, nghe thuyết trình về bối cảnh, diễn biến, nội dung và ý nghĩa của trận công đồn Phủ Thông năm xưa, được tận mắt xem tư liệu, chứng tích lịch sử, cùng nhau dọn vệ sinh trong khuôn viên Nghĩa trang Liệt sĩ Phủ Thông và Khu di tích đồn Phủ Thông, học sinh đã rất hứng thú, ấn tượng với nội dung bài học giàu tính trực quan.

Trao đổi về những tiết dạy học mới mẻ này, thầy giáo Nguyễn Thế Cường nhấn mạnh: Việc tạo niềm hứng thú về một điều các em chưa biết, về kiến thức khô khan là điều rất quan trọng; không chỉ giúp các em ghi nhớ, lĩnh hội nhanh bài học mà ngay cả giáo viên cũng có thêm động lực trong giảng dạy.

Học sinh trường THPT Ngân Sơn (Bắc Kạn) với mô hình vườn gừng tại trường
Học sinh trường THPT Ngân Sơn (Bắc Kạn) với mô hình vườn gừng tại trường

Tại trường THPT Ngân Sơn (Bắc Kạn), các thầy cô giáo đang từng bước xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn, Thông qua hoạt động trải nghiệm giúp học sinh phát triển sự sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống.

Tiêu biểu nhất, hiện nhà trường đang triển khai hiệu quả mô hình trồng gừng, được thực hiện bắt đầu từ năm học 2020 - 2021 đến nay. Bằng cách tận dụng khoảnh đất trống của trường chưa sử dụng, với sự hướng dẫn của thầy cô giáo, vườn gừng do học sinh nhà trường trồng và chăm sóc mỗi lứa thu hoạch được hơn 200kg. Số tiền thu được từ bán gừng sẽ được các em sử dụng làm quỹ, phục vụ các hoạt động học tập.

Mô hình gắn với thực tiễn, vừa giúp học sinh hiểu được giá trị của lao động, đồng thời tạo không khí học tập thoải mái, phát huy tính sáng tạo, tích cực của học sinh, nâng cao kiến thức, phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm.

“Các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, thể hiện năng lực cá nhân một cách tự nhiên, năng động, sáng tạo hơn. Với đặc thù học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới nhà trường tiếp tục xây dựng các mô hình gắn việc học với thực tiễn để giáo dục kỹ năng sống, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh” - cô giáo Tạ Thị Chung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngân Sơn (Bắc Kạn) trao đổi.

Sở GD&ĐT Bắc Cạn hướng dẫn các đơn vị, nhà trường chú trọng một số nội dung trọng tâm: Xây dựng quy tắc văn hoá ứng xử trong trường học, trang phục lên lớp, tác phong sư phạm của giáo viên, nhân viên trong trường học; Việc sử dụng bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” dành cho học sinh phổ thông; Mô hình tổ chức hoạt động Đội trong trường học; Giải pháp xây dựng trường học Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn - Thân thiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ