Đây là dự án được hơn 160 HS khối 8 và 9 của trường tham gia. Qua quá trình thực hiện dự án, hầu hết các em đều cho rằng, mình đã trưởng thành lên rất nhiều.
Đi để trưởng thành
Có mặt tại Trường THCS Văn Lang vào buổi chiều thứ 2 vừa qua, khi các thành viên của dự án dạy học Chuyện đời quanh em đang thực hiện buổi ghi hình nhân vật mà nhóm chọn là cô giáo Nguyễn Thị Hường. Cô Hường có hoàn cảnh khá đặc biệt bị liệt tay phải từ bé, bị người bạn đời bỏ rơi khi trong mình đang mang thai đôi… nhưng với khát khao trở thành nhà giáo, cô đã theo học nghề sư phạm và nay là thạc sĩ Toán học, đang giảng dạy theo dạng hợp đồng ở một trường cấp 2 tại TPHCM. Các thành viên nhóm 3 của lớp 8/3 và 9/3 phỏng vấn, quay phim, chụp ảnh nhân vật rất chuyên nghiệp, khiến chúng tôi khá bất ngờ.
Khi trò chuyện, các em cho biết, chỉ mới trước đây thôi, các em chưa hề biết đến máy quay phim, máy chụp ảnh hay là dựng một đoạn phim ngắn… nhưng khi tham gia dự án được tập huấn mọi thứ đã trở nên rất thành thạo.
Câu chuyện về những hoàn cảnh đặc biệt của cô giáo Nguyễn Thị Hường, chỉ là một trong 9 câu chuyện mà 9 nhóm của dự án tham gia. Theo đó, các em phải tìm nhân vật đặc biệt nào đó, có hoàn cảnh khó khăn nhưng có nghị lực thép đã vượt lên số phận. Sau khi tìm nhân vật, các em phải tự làm phim, làm phóng sự ảnh và có thể viết nhật kí, ghi chép hay là truyện về nhân vật rồi nộp cho các giáo viên hướng dẫn.
Với việc áp dụng việc dạy học tích hợp liên môn như môn Ngữ văn, Giáo dục công dân, môn Tin học, HS đã thu nhận được rất nhiều kiến thức bộ môn, đồng thời khi đi vào trải nghiệm thực tiễn các em đã có thêm nhiều vốn sống, kĩ năng sống.
Em Lý Minh Trân (lớp 9/4) của trường chia sẻ, khi được thầy giáo phổ biến về dự án Trân cảm thấy rất hào hứng và đăng kí tham gia. Dù là năm cuối cấp nhưng em đã thuyết phục ba mẹ và được ba mẹ ủng hộ.
“Tham gia dự án, con thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Con không còn rụt rè trong giao tiếp, con kiềm chế được cái tôi của mình, vì khi làm việc nhóm, rất nhiều ý kiến bất đồng lẫn nhau, nhưng cuối cùng vì lợi ích của cả nhóm tụi con đã suy nghĩ lại và cùng nhau nỗ lực để hoàn thành công việc. Có những bạn trong nhóm con chưa bao giờ đi xe buýt nay đã được trải nghiệm hay có nhiều tình huống bất ngờ trong quá trình thực hiện mà tụi con gặp phải và học được cách xử lý. Tụi con đi và học được thật nhiều điều, con cảm nhận về nhân vật bằng cảm xúc thật của mình, khả năng làm văn của con cũng cao lên…”.
Không chỉ dừng lại ở đó, theo Minh Trân, qua quá trình làm dự án, cũng có lúc nhóm gặp sự cố, khi quay mất tiếng, khi chụp ảnh bị mất nét, nhưng không ai thấy nản, mọi người đều có trách nhiệm với công việc mà mình được phân công. Các bạn cũng được học thêm nhiều về cách sử dụng các sản phẩm công nghệ, học cách phân thời gian hợp lý.
Tương tự như Minh Trân, bạn Hồ Ngọc Gia Hân (lớp 9/3) chia sẻ, khi tham gia dự án, làm phim về những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, em mới thấy mình thật may mắn và biết trân trọng những gì mình đang có. Hồi trước thỉnh thoảng đi học em cũng hơi tự ti vì gia đình mình khác với các bạn, nhưng rồi em đã tự tin hơn, trưởng thành hơn trong suy nghĩ và em nhận ra tình cảm, tình thương luôn cao quý hơn vật chất. Bên cạnh những cảm xúc, những thay đổi trong suy nghĩ, em cũng học được nhiều kiến thức cũng như các kỹ năng, tất cả đều rất bổ ích cho bản thân em và các bạn.
Sẽ có thêm nhiều dự án dạy học hay
Thầy Hoàng Long Trọng (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Văn Lang, quận 1) chia sẻ: “Tôi luôn mong muốn sau khi tham gia dự án, các em sẽ yêu thích học tập bộ môn hơn. Và sẽ thực sự thấy thú vị với môn học này. Ngoài kiến thức liên môn các em được học thêm nhiều kỹ năng, các em trưởng thành hơn, biết quan tâm, chia sẻ, đồng cảm, yêu thương nhiều hơn trong cuộc sống. Và nhất là với các chuyện đời các em kể, sẽ có nhiều nguồn giúp đỡ họ từ tinh thần đến vật chất”.
Cho đến nay, điều mong mỏi đó của thầy Hoàng Long Trọng đã thành hiện thực khi lắng nghe những tâm sự của học trò. Bên cạnh đó, những câu chuyện của các nhóm đã có sức lan tỏa nhất định. Không ít phụ huynh của trường cùng đồng hành với con mình trong dự án đã có những hành động thiết thực như hỗ trợ một hoàn cảnh ở huyện Củ Chi 5 triệu đồng; các em vận động được nhiều HS mổ heo đất, trích số tiền ra làm từ thiện…
Theo thầy Hoàng Long Trọng, môn Ngữ văn cấp 2 chủ yếu là học về văn tự sự, từ việc đi trải nghiệm thực tế cuộc sống xung quanh, đã giúp các em có thêm kiến thức, thêm kĩ năng, thêm vốn sống để vận dụng vào bài làm văn của mình được tốt hơn, câu văn hay, tình cảm hơn, hành văn mạch lạc hơn.
Đặc biệt từ cách học này, nhiều em đã bộc lộ được khả năng, sở trường và cá tính của mình. Ví dụ như em Minh Trân lớp 9/4 đã bộc lộ khả năng viết truyện, viết báo, bài của em đã được đăng báo Nhi Đồng hay có em lại chụp ảnh rất tốt, có em lại thiên về tin học…
Nhìn thấy trò trưởng thành hơn, thầy Hoàng Long Trọng cũng như các giáo viên tham gia hướng dẫn dự án lại tiếp tục có thêm động lực lên kế hoạch cho những dự án tiếp theo. Thầy chia sẻ: “Mặc dù dạy học theo dự án khá là tốn kém, cũng mất nhiều công sức tâm huyết của thầy và trò, nhưng được sự động viên ủng hộ của Ban giám hiệu trường, sự tin tưởng của phụ huynh nên chúng tôi rất hạnh phúc, khó khăn nào cũng vượt qua được để tiếp tục sự nghiệp của mình. Chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để tiếp tục có thêm những dự án dạy học ý nghĩa, bổ ích cho trò”.