Những bài học kinh nghiệm đổi môn học lựa chọn

GD&TĐ - Chọn đúng tổ hợp môn khi vào lớp 10 là một trong những bước quan trọng đầu tiên trên hành trình định hướng chọn ngành, trường cho học sinh THPT.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Sơn Tây hào hứng với tiết học Vật lý theo chương trình mới.
Học sinh lớp 10 Trường THPT Đào Sơn Tây hào hứng với tiết học Vật lý theo chương trình mới.

Theo chia sẻ của các giáo viên, quá trình lựa chọn, học sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng, từ đó xác định rõ thế mạnh và những môn mình yêu thích, đam mê để đưa ra quyết định chính xác nhất.

Nhận diện năng lực

Để thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, định hướng việc lựa chọn tổ hợp môn cho học sinh vào lớp 10, trước khi bước vào năm học 2023 - 2024, Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) đã xem xét thực tế về tình hình nhân sự, sau đó xây dựng tổ hợp môn học để học sinh lựa chọn. Đồng thời, trường thành lập ban tư vấn mà thành viên chính là thầy cô bộ môn trực tiếp giảng dạy khối 10.

Cô Trần Thị Minh Đức, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày tiếp nhận hồ sơ, thầy cô căn cứ kết quả học tập ở bậc THCS, trong đó năm lớp 9 vẫn là chủ đạo cộng với điểm thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, để tư vấn, định hướng cho phụ huynh học sinh và học sinh tìm hiểu. Từ đó, cha mẹ và các em đưa ra lựa chọn tổ hợp rồi thầy cô mới xem có phù hợp hay không và tiếp tục tư vấn, định hướng.

“Nếu điểm tổng kết môn Vật lý năm lớp 9 và những năm trước đó ở mức thấp mà chọn tổ hợp có môn này là không nên. Giáo viên phải phân tích cho từng phụ huynh ở cấp THPT việc học sẽ khó khăn như thế nào nếu lựa chọn không phù hợp.

Ngược lại có những em tâm lý còn lo sợ nên chọn tổ hợp môn thấp hơn khả năng của mình, lúc đó giáo viên xem học bạ thấy các môn khác nổi trội hơn và tiếp tục tư vấn. Nhờ đó, kết thúc năm học 2022 - 2023, không có em nào trong số hơn 700 học sinh thay đổi môn học lựa chọn”, cô Đức chia sẻ.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (Quận 5, TPHCM), năm học vừa qua đã thành lập phòng tư vấn để hỗ trợ học sinh và phụ huynh về lựa chọn tổ hợp môn học trước khi bước vào lớp 10. Theo Giám đốc Trung tâm Đỗ Minh Hoàng, kinh nghiệm là xây dựng càng ít tổ hợp môn thì sự lựa chọn cho học sinh càng chính xác. Bởi học sinh giáo dục thường xuyên không có nhiều nguyện vọng thi đại học.

Tiếp đó, khi phụ huynh và học sinh đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An nộp hồ sơ, thầy cô trong ban tư vấn kiểm tra rất kỹ học bạ trong suốt 4 năm học THCS rồi mới có những định hướng để phụ huynh và học sinh lựa chọn tổ hợp môn phù hợp.

Ông Hoàng cho biết: “Nhà trường xác định, tư vấn không thể nhanh và vội vàng mà phải là một quá trình. Giáo viên xem học bạ của học sinh sẽ nhìn được thế mạnh những môn nào. Từ đó định hướng cho học sinh và phụ huynh nên chọn tổ hợp nào là hợp lý.

Trong suốt quá trình học, thầy cô giảng dạy phải làm sao cho các em phát huy đúng được sở thích để từ đó thấy sự lựa chọn của mình là chính xác. Năm học vừa qua, trung tâm có 550 học sinh khối 10, nhờ làm tốt công tác tư vấn từ đầu nên đến cuối năm không có em nào đề xuất nguyện vọng thay đổi tổ hợp môn”.

Giáo viên Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh học sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Giáo viên Trường THPT Phong Phú (huyện Bình Chánh, TPHCM) tư vấn lựa chọn tổ hợp môn cho phụ huynh học sinh vào lớp 10 năm học 2022 - 2023.

Học sinh, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ

Theo thầy Lưu Nguyễn Bỉnh Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3, TPHCM), cuối năm học 2022 - 2023, trường có 2 học sinh đề đạt nguyện vọng thay đổi tổ hợp môn. Trường hợp đầu nhận thấy tổ hợp này học khó. Em còn lại cho biết môn tổ hợp không đúng định hướng xét tuyển đại học. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo nhà trường gặp gỡ để trao đổi, giải thích, phụ huynh và học sinh đã hiểu rõ hơn về chương trình nên không thay đổi nữa.

“Quá trình tư vấn, nhà trường tổ chức riêng từng trường hợp, sau đó mới tiếp nhận hồ sơ đăng ký. Đặc biệt, thầy cô tư vấn không ai khác chính là người dạy môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Đối với năm học 2023 - 2024, nhà trường dự kiến tư vấn phụ huynh qua nhiều đợt. Ban giám hiệu nhà trường sẽ tư vấn chung một buổi để phụ huynh có cái nhìn tổng quan về Chương trình GDPT 2018 trước. Sau đó để phụ huynh học sinh và học sinh có một khoảng thời gian suy nghĩ rồi quay trở lại lần thứ 2, lúc này sẽ là tư vấn trực tiếp 1-1”, thầy Khoa thông tin.

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Minh Đức, kế hoạch tuyển sinh của Trường THPT Đào Sơn Tây cơ bản không khác nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, ban giám hiệu vẫn xem lại việc xây dựng các tổ hợp vì còn phụ thuộc vào nhân sự và lựa chọn của học sinh. “Mỗi học sinh có đặc thù khác nhau, vì vậy bước đầu nhà trường sẽ tổ chức một buổi sinh hoạt chung để phổ biến những điểm mới của Chương trình GDPT 2018. Sau đó, thầy cô tư vấn chuyên sâu cho từng trường hợp, giúp các em lựa chọn đúng với năng lực, sở trường của bản thân. Thực tế sau 1 năm dạy chương trình mới, giáo viên đã rút được nhiều kinh nghiệm và tới đây sẽ tư vấn cho các em sâu sát hơn”, cô Đức cho hay.

Ở góc độ chuyên gia, TS Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Song ngữ Quốc tế Canada nhấn mạnh, học sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn để tránh việc thay đổi tổ hợp môn mà mình đã đăng ký trước đó. Bởi khi thay đổi giữa chừng, các em buộc phải bổ sung kiến thức một năm vừa qua ở tổ hợp môn thay đổi. Việc này các em đã tạo cho mình nhiều áp lực. Vì vậy đây không phải là tình huống lý tưởng mà học sinh phải hạn chế đến mức tối đa.

“Lựa chọn các tổ hợp môn học liên quan đến định hướng nghề nghiệp của học sinh trong tương lai. Nếu thay đổi giữa chừng phản ánh việc các em không rõ về định hướng nghề nghiệp của mình. Do đó, học sinh nên bắt đầu quan tâm đến sự lựa chọn cũng như định hướng ngành nghề của mình từ những năm cuối THCS. Quá trình hướng nghiệp phải hiểu bản thân mình, thị trường lao động, thị trường đào tạo”, TS Thu Huyền chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Huyền, học sinh vừa tốt nghiệp THCS vẫn còn 2 tháng để đi tìm hiểu các thông tin về thế mạnh của bản thân, thị trường lao động, việc làm ở mức độ cơ bản. Học sinh có nhiều kênh khác để tham khảo, chẳng hạn tham gia bài đánh giá ở các trung tâm hoặc trang trực tuyến. Bên cạnh đó là sự tư vấn của giáo viên ở trường THCS hoặc trường THPT hoặc tham gia các diễn đàn về hướng nghiệp, chuyên đề dành cho cả phụ huynh và học sinh trước khi đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp vào lớp 10.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các nhà khoa học trong đợt thu mẫu thực địa.

Giải mã nguy cơ kháng kháng sinh

GD&TĐ - Các nhà khoa học đã xác định khả năng kháng thuốc của nhiều loài vi khuẩn phổ biến như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Aromonas spp. và Vibrio spp… ở vùng biển Nha Trang.

Thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Gia Hưng

Học sai ngành, đừng sợ!

GD&TĐ - Niềm vui trúng tuyển đại học thường đi kèm với nỗi lo: Liệu con có chọn đúng ngành, đúng nghề?

Nghi lễ công bố đặt tên đường Đỗ Mười ở TPHCM thực hiện hồi tháng 1/2025. Ảnh: HCMCPV

TPHCM: Giải 'bài toán' trùng tên đường

GD&TĐ - Nhiều tuyến đường trùng tên sau khi sáp nhập TPHCM gây khó khăn cho người dân, trong khi các chuyên gia đề xuất số hóa để giải quyết vấn đề.

Sinh viên Học viện Hàng không Việt Nam (TPHCM). Ảnh: Lâm Ngọc

Phá bỏ định kiến giới trong chọn nghề

GD&TĐ - Ẩn sâu trong những quyết định lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai là cuộc đấu tranh thầm lặng với những định kiến giới đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội.

Inter Miami được cho là chuẩn bị gia hạn hợp đồng với Messi.

Inter Miami chuẩn bị chốt tương lai Messi

GD&TĐ - Theo nhiều nguồn tin, Messi và Inter Miami đã hoàn tất các điều khoản gia hạn, với thời hạn ít nhất một năm kèm tùy chọn kéo dài thêm một mùa.