Bên cạnh một số học sinh chủ động tìm chỗ học thêm môn dự kiến sẽ thay đổi trong năm học tới, nhiều em khác - sau khi nhà trường giải quyết việc thay đổi môn học - mới bắt đầu tìm chỗ học để bổ sung kiến thức.
“Bơi” về đích
Kết thúc năm học 2022 - 2023, Ngọc Hân, học sinh lớp 10/7, Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) nộp đơn xin chuyển môn lựa chọn từ Hóa học sang Tin học. Chị Phan Thị Thanh Thủy, mẹ của Ngọc Hân cho biết: “Cháu có thế mạnh về môn Lịch sử - Địa lý và sau này cũng xét tuyển theo hướng các ngành khoa học xã hội - nhân văn. Đầu năm lớp 10, cháu chọn tổ hợp môn lựa chọn là Địa lý - Hóa học và Vật lý. Nhưng cháu học môn Hóa quá yếu, không thể tiếp tục theo học môn này ở các lớp trên”.
Ngọc Hân có nguyện vọng thay đổi môn Hóa học nhưng vẫn giữ nguyên các môn lựa chọn Địa lý và Vật lý. Vì vậy, Hân được hướng dẫn sẽ đổi từ môn Hóa sang môn Tin học và biên chế vào lớp 10/10 nếu bài kiểm tra chất lượng của em đạt yêu cầu. Chị Thủy kể, để thay đổi môn lựa chọn cũng kèm theo nhiều điều kiện. Trong đó, học sinh và phụ huynh phải làm bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của chương trình môn học mới ở lớp học trước đó để đủ năng lực học tiếp ở lớp 11.
“Cháu đang mượn sách, vở môn Tin học lớp 10 của bạn để xem toàn bộ kiến thức của chương trình lớp 10. Tôi thấy kiến thức khá nhiều mà con chỉ tự học, có nhiều nội dung không hiểu được nên chưa biết sẽ vượt qua bài kiểm tra đánh giá bằng cách nào. Đi học thêm bên ngoài thì hầu hết đều dạy để cấp chứng chỉ. Vì vậy, gia đình đang lúng túng trong khi thời gian nghỉ hè không nhiều”, chị Thủy lo lắng.
“Em tìm các bài giảng online và học theo chuyên đề Sinh học trên các trang dạy học trực tuyến. Dù đã xây dựng lịch tự học khá dày đặc và nghiêm túc thực hiện nhưng em thấy khối lượng kiến thức của lớp 10 phải bổ sung khá nhiều. Em mong được thầy cô giới hạn một số chuyên đề trọng tâm để tập trung ôn tập”, Quỳnh bày tỏ.
Trong khi đó, dù điểm tổng kết môn Tin học của Phan Trần Diễm Quỳnh, lớp 10/3, Trường THPT Trần Cao Vân đạt 9,4 nhưng vẫn có nguyện vọng chuyển sang môn Sinh học. Quỳnh cho biết: “Đầu năm lớp 10, em có dự định xét tuyển các trường khối ngành kinh tế - kỹ thuật nên lựa chọn tổ hợp môn có môn Tin học. Tuy nhiên, trong quá trình học thấy mình không phù hợp với các ngành học này. Em chuyển hướng sang khối ngành sức khỏe nên em xin đổi sang môn Sinh học để thuận tiện trong xét tuyển và cả quá trình học sau này”.
Cả Ngọc Hân và Diễm Quỳnh đều cho biết chưa hình dung được bài kiểm tra đánh giá sẽ ở mức độ như thế nào. Các em có tham khảo đề kiểm tra một tiết và học kỳ của bạn trước đó thì thấy tự học để bổ sung kiến thức là rất khó vì thiếu định hướng ôn tập.
Tương tự, em Mỹ Duyên, học sinh lớp 10/5 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Nam), lúc đầu có dự định xin chuyển từ môn Vật lý qua Hóa học. Để đủ điều kiện chuyển môn tự chọn, Duyên đã chủ động tìm chỗ để học thêm môn Hóa ngay giữa năm học và tăng thời gian tự học cho môn này để đăng ký thay đổi khi kết thúc năm học lớp 10.
“Định hướng nghề nghiệp của Duyên là theo nghề luật hoặc ngành y. Em đầu tư cho cả hai khối Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên nên giữ nguyên tổ hợp môn lựa chọn ban đầu. Em tiếp tục tự học môn Hóa ở trung tâm dạy thêm. Tôi có tư vấn cho học sinh và phụ huynh vì thấy như thế là quá nặng trong học tập nhưng Duyên khẳng định mình có thể theo đuổi được”, cô Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 10/5 cho biết.
Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân tham gia Ngày hội sáng tạo trẻ do TP Tam Kỳ tổ chức. |
Tận dụng cơ hội
Chị Đinh Thị Huệ, phụ huynh của em Đoàn Như Sơn, học sinh lớp 10/4, Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) kể: “Trong buổi gặp mặt cha mẹ học sinh vừa trúng tuyển lớp 10, nhà trường đã phổ biến về chủ trương môn học lựa chọn và các nhóm tổ hợp môn để học sinh, phụ huynh đăng ký. Tôi định hướng cho con đăng ký tổ hợp môn lựa chọn thiên về tự nhiên nhưng cháu lại đăng ký theo học nhóm môn xã hội. Sau một học kỳ thấy kết quả học tập lệch hẳn về các môn tự nhiên. Với các môn xã hội, cháu gặp khó khăn, điểm số cũng thấp”.
Kết thúc năm học 2022 - 2023, em Đoàn Như Sơn gửi đơn lên Ban giám hiệu Trường THPT Sơn Trà bày tỏ nguyện vọng muốn được chuyển sang học các môn lựa chọn thiên về tự nhiên. “Tuy chưa được nhà trường giải quyết, thầy hiệu trưởng có giải thích với gia đình tổ hợp môn lựa chọn con tôi đang theo học và các môn lựa chọn theo nguyện vọng điều chỉnh không có sự giao thoa nào cả. Vì vậy, nếu thay đổi, trong thời gian nghỉ hè, phải bổ sung kiến thức của ít nhất là 2 môn học và chuyên đề học tập. Đây là thử thách không phải học sinh nào cũng có thể hoàn thành được chỉ với chưa đầy 3 tháng hè”, chị Huệ thông tin.
Phải học thêm với mức học phí nhỉnh hơn so với học đại trà nhưng chị Đinh Thị Huệ cho rằng, con có nguyện vọng điều chỉnh môn học để phù hợp với năng lực nên gia đình không đặt nặng vấn đề kinh phí. “Chúng tôi xác định thay đổi nguyện vọng sau khi hoàn thành chương trình học lớp 10 gần như là cơ hội cuối cùng nên phải tăng tốc học bổ sung kiến thức ngay trong hè để con có thể theo kịp chương trình. Việc này còn gắn với lựa chọn ngành nghề sau này nên càng phải cân nhắc trước khi quyết định đổi môn”, chị Huệ khẳng định.
Dù đơn xin thay đổi môn học lựa chọn chưa được giải quyết, nhưng em Đoàn Như Sơn và Đàm Nhật Tân, bạn học cùng lớp đã tìm chỗ học thêm để bổ sung kiến thức cho 2 môn Sinh học và Vật lý chương trình lớp 10. “Có bạn học cùng nên quá trình ôn tập có sự tương tác, trao đổi không thấy quá áp lực. Em bắt đầu học từ đầu tháng 6 và tập trung nhiều thời gian cho 2 môn học bổ sung này nên tự tin sẽ vượt qua bài kiểm tra kiến thức để có thể được nhà trường giải quyết nguyện vọng đổi môn lựa chọn trước khi vào lớp 11”, Sơn chia sẻ.
Theo thầy Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ, Quảng Nam): Thay đổi, điều chỉnh tổ hợp môn/môn lựa chọn vào cuối năm học lớp 10 là quyền lợi của học sinh. Về phía nhà trường, ngoài giải quyết các thủ tục trong chuyển đổi môn còn tư vấn, giới thiệu cho học sinh và phụ huynh để có được địa chỉ tin cậy và phù hợp để học bổ sung kiến thức. Các giáo viên bộ môn cũng được điều động để hỗ trợ cho học sinh trong quá trình bổ sung kiến thức.