Những bài học đắt giá để tránh biến kỳ nghỉ thành thảm họa

Không xem nhẹ những lời cảnh báo, kiểm tra ngày hết hạn hộ chiếu hay luôn cảnh giác khi đi bất cứ đâu là một số lưu ý dành cho những người thích xê dịch.

Những bài học đắt giá để tránh biến kỳ nghỉ thành thảm họa

Dưới đây là những kinh nghiệm rút ra của các phóng viên, biên tập viên National Geographic.

"Tôi và một người bạn hạ cánh tại Kathmandu, Nepal, sau khi bị kẹt lại sân bay Delhi 24 tiếng do vài vấn đề với visa. Chuyến bay tới vào lúc nửa đêm và chúng tôi hầu như không biết gì về nơi mình đang đứng. Khi lên taxi để trở về khách sạn , chúng tôi cảm thấy lo lắng khi xe bỗng nhiên dừng lại, một người đàn ông lên xe và nói những lời vô nghĩa.

Chúng tôi liên tục hỏi người lái xe đang đi đường nào thì chỉ nhận được những câu trả lời mơ hồ. Lúc đó tôi thực sự cảm thấy sợ hãi dù thật may đã không xảy ra vấn đề gì. Tuy nhiên sau lần đó, tôi không bao giờ đặt chuyến bay đến một đất nước xa lạ khi trời bắt đầu tối", Alexandra E. Petri, trợ lý biên tập.

Những bài học đắt giá để tránh biến kỳ nghỉ thành thảm họa

Không nên đến một đất nước xa lạ khi đã quá muộn. Ảnh: Travelshope.

"Cách đây vài tuần, tôi có chuyến bay đêm từ New York đến London. Trong bữa ăn tối, tôi chọn món cơm với thịt gà bởi đó là sự lựa chọn an toàn. Thế nhưng chỉ 20 phút sau khi hạ cánh, tôi cảm thấy sự khó chịu ngày càng tăng và nôn thốc nôn tháo trên một vỉa hè.

Tất nhiên sau đó, tôi thấy tốt hơn rất nhiều. Lời khuyên dành cho mọi người là nên tránh xa những bữa ăn đêm, nếu bạn không muốn rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê trong suốt thời gian sau đó", Hannah Sheinberg, biên tập viên.

"Khi tôi còn là một đứa trẻ, gia đình tôi có chuyến hành trình khám phá Alaska bằng thuyền. Thế nhưng khi lên đến cảng, chúng tôi phát hiện hành lý trên xe buýt chưa được dỡ xuống và xe đã rời bến ngay sau đó.

Chúng tôi ở 5 ngày trên thuyền mà không có quần áo, trừ một số ít đồ mua tại cửa hàng trên thuyền. Từ đó, tôi luôn mang theo những đồ dùng cần thiết nhất, một ít đồ lót và quần áo trong túi xách tay, phòng trường hợp hành lý bị thất lạc", Becky Davis, nhà sản xuất.

"Đó là chuyến bay tới châu Âu và đột nhiên tôi bị giữ lại không được lên máy bay, lý do là hộ chiếu của tôi sẽ hết hạn trong 2 tháng nữa. Hóa ra trên thực tế, đó là một vấn đề lớn bởi Bộ Ngoại giao Mỹ quy định hộ chiếu phải có giá trị ít nhất 3 tháng khi quá cảnh đến một trong 26 quốc gia thuộc khu vực Schengen.

Vài ngày sau, tôi mới nhận được hộ chiếu mới nhưng vẫn quá muộn cho chuyến đi tới châu Âu. Vì thế, hãy chắc rằng hộ chiếu của bạn còn hợp lệ trong ít nhất một năm trước khi hết hạn để tránh những trường hợp không mong muốn", Andrea Leitch, giám đốc kỹ thuật số.

Những bài học đắt giá để tránh biến kỳ nghỉ thành thảm họa

Kiểm tra ngày hết hạn của hộ chiếu. Ảnh: Agenda.

"Tôi từng bị kẹt trong nhà vệ sinh khi đang đi du lịch ở Prague (Czech). Lúc đó, điều cần nhớ nhất là luôn nói "làm ơn" (please) và "hãy giúp tôi" (help me) trong bất kỳ tình huống nào, kể cả khi nó có khiến bạn đỏ mặt đi nữa", Nathan Borchelt, quản lý dự án.

"Tôi có chuyến đi tới Nepal chỉ 10 ngày sau vụ động đất năm 2015. Tuy nhiên, dù được nhắc nhở là không được uống nước vòi và tránh ăn rau tại đây do dễ dẫn đến ngộ độc, tôi vẫn bỏ qua và hậu quả là tôi gần như không dậy nổi vào ngày hôm sau. Lời khuyên đưa ra là dù đi du lịch đến bất cứ đâu, hãy luôn nhớ mang theo nước đóng chai bên mình và đừng bao giờ xem nhẹ những lời cảnh báo", Tyler Metcalfe, phòng viên ảnh.

"Khi tôi 21 tuổi, tôi đến Brazil thăm bạn trai sống ở Rio de Janeiro. Chúng tôi mang theo balo và máy ảnh đi dã ngoại cho đến khi gặp một thác nước với khá nhiều người đang vui chơi. Chúng tôi nghĩ sẽ không xảy ra vấn đề gì nên để đồ trên bờ và lao xuống nước. Khi quay lên, mọi thứ đã biến mất. Lời khuyên dành cho bạn là đừng bao giờ tự biến mình thành đối tượng dễ dàng cho việc bị ăn trộm hay tấn công", Leslie Trew Magraw, biên tập viên.

Theo tiin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ