Những bà mẹ dung dưỡng con trẻ - Đừng sống bằng “niềm tin”…

GD&TĐ - Khi cuộc sống ngày càng “dễ dàng”, nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng làm mọi thứ thay con. Tuy nhiên, không ít trẻ có xu hướng đòi hỏi cha mẹ nhiều hơn khi nhận thấy mình được đáp ứng mọi thứ.

Trẻ có thể trải qua một số thử thách nhỏ để nhận được thứ mình muốn. Ảnh minh họa.
Trẻ có thể trải qua một số thử thách nhỏ để nhận được thứ mình muốn. Ảnh minh họa.

Thay vì vô tình biến trẻ thành những người ỷ lại khi được cha mẹ “phục vụ”, phụ huynh nên dạy con thói quen biết ơn, trân trọng những gì đang có. Trẻ cũng cần biết rằng, phải nỗ lực để có điều mình muốn.

Mãi là… em bé

Theo thống kê, có khoảng 20% các ông bố và 7% bà mẹ hoàn toàn không dành một chút thời gian nào cho việc chăm sóc con, do bận rộn trang trải cuộc sống. Điều này dẫn tới việc nhiều trẻ em gặp khó khăn về ngôn ngữ và giao tiếp.

Con số trên được công bố tại cuộc điều tra toàn quốc về gia đình Việt Nam lần đầu tiên. Trong đó, cứ 10 người được phỏng vấn thì 8 người đồng tình rằng, việc cân bằng công việc hằng ngày với thời gian dành cho trẻ là điều vô cùng cần thiết.

Có 57% người được hỏi cho rằng, thời gian dành cho con là cách tốt để giao tiếp cởi mở với chúng. Tuy nhiên, chỉ có 13,8% cho biết họ cân bằng được giữa công việc, cuộc sống và thời gian chơi cùng con.

Điều này cho thấy, thực trạng khủng hoảng thời gian dành cho con của nhiều gia đình hiện đại ngày càng nghiêm trọng. Việc nhiều cha mẹ không quan tâm, dạy dỗ và đồng hành cùng con có thể gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển về thể chất, trí tuệ và tình cảm của trẻ.

Có lẽ, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ông bố bà mẹ sẵn sàng đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Bởi, họ mong muốn có thể bù đắp cho con sau những thời gian không bên cạnh trẻ.

Đối với chị Đinh Thị Nga (Ba Đình, Hà Nội), việc “chăm bẵm” từng bữa, ăn giấc ngủ cho con là điều vô cùng bình thường. Chị Nga quan niệm, con phải đi học vất vả, nên không cần “động tay động chân” vào bất kỳ việc gì khác.

Thậm chí, dù con đã lên lớp 5, nhưng chị Nga vẫn bón từng thìa cơm cho cháu. Bởi, nữ phụ huynh này cho rằng, con sẽ ăn... nhanh và nhiều hơn khi được mẹ bón.

Mỗi tối, chị Nga đều nhìn thời khoá biểu và soạn sách vở cho con. Cũng bởi vậy, con chị Nga có tính ỷ lại. Mỗi khi mẹ mệt hoặc bận không thể chuẩn bị sách vở, cậu bé thường “nhớ nhớ, quên quên” và không mang đủ đồ đi học.

“Thi thoảng cô giáo cũng chia sẻ với tôi rằng, con có tính ỷ lại. Do đó, tôi cũng dần để con học cách tự tập. Tuy nhiên, nhìn con luống cuống làm việc gì đó, tôi vô cùng thương và lo lắng”, bà mẹ trẻ chia sẻ.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Đoan (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng lâm vào cảnh “đau đầu” vì quá nuông chiều con. Năm nay, con chị Đoan đã học lớp 9, nhưng vẫn được mẹ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Thậm chí, mỗi chiều khi đón con từ trường về, chị Đoan thường hỏi xem cháu có muốn ăn, uống gì không.

Thành thông lệ, thi thoảng chị Đoan vướng việc ở công ty không kịp pha sẵn nước hoặc nấu bữa phụ, con chị thường tỏ ý “trách móc”, như: “Có mỗi cốc nước mà mẹ cũng không pha được cho con à?”.

Mỗi lần như vậy, chị Đoan vô cùng đau lòng, nhưng không hề yêu cầu con xem lại thái độ.

Những bà mẹ dung dưỡng con trẻ - Đừng sống bằng “niềm tin”… ảnh 1

Nghệ thuật dạy con

Theo chuyên gia huấn luyện nuôi dạy trẻ Trần Quốc Phúc, cha mẹ cần áp dụng nghệ thuật trong việc giáo dục con. Ví dụ, khi con đòi ăn kem, cha mẹ không nên vội mua ngay.

Thay vào đó, phụ huynh hãy tạo một thử thách nhỏ. Chuyên gia này gợi ý, cha mẹ có thể hỏi lại trẻ: “Con muốn ăn kem đúng không?”. Sau khi trẻ xác nhận, phụ huynh có thể yêu cầu con làm bài tập/lau nhà/dọn phòng/dọn đồ chơi… Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, con sẽ nhận được kem vì đã có việc làm hữu ích. Chuyên gia Trần Quốc Phúc lưu ý, phụ huynh nên nói bằng giọng nhẹ nhàng, tránh ra lệnh.

“Như vậy, cha mẹ đã dạy con rằng, con sẽ không có mọi thứ con muốn mà không cần nỗ lực. Con phải trở nên xứng đáng mới nhận được phần thưởng”, ông Phúc cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, khi đối xử quá tốt với ai đó, ban đầu, họ sẽ biết ơn và cảm kích. Tuy nhiên, lâu dần, người này có thể coi đó là việc hiển nhiên, là trách nhiệm của đối phương. Điều này cũng đúng với con trẻ. Rõ ràng là, bất kỳ người cha người mẹ nào cũng yêu con vô điều kiện và sẵn sàng dành tất cả những điều tốt đẹp nhất cho trẻ. Tuy nhiên, không ít trẻ khi nhận ra điều đó thường có xu hướng đòi hỏi ngày càng nhiều hơn.

“Tôi không nói bạn đừng nên yêu con mình, mà tôi muốn nói bạn phải yêu con đúng cách. Thói quen đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ chính là dung dưỡng lòng tham và sự vô ơn, tạo cho trẻ thói quen lười biếng và ỷ lại” - ông Phúc cảnh báo.

Thay vào đó, chuyên gia này gợi ý, phụ huynh nên dạy cho con thói quen biết ơn, trân trọng những gì đang có. Hãy cho trẻ biết rằng, con phải nỗ lực để có điều mình muốn.

Đồng thời, phụ huynh cần rèn cho con tính tự lập và không dễ bỏ cuộc trên đường đến mục tiêu. Đó cũng là trang bị cho con năng lực và bản lĩnh để trẻ bước vào đời. Như vậy, con sẽ có thể đương đầu với những khó khăn, thử thách và sống tốt ngay cả khi không có cha mẹ kề bên.

“Yêu thương con không đồng nghĩa với việc đáp ứng vô điều kiện các đòi hỏi của con. Người làm cha mẹ ngoài một trái tim tràn đầy yêu thương còn cần một lý trí vô cùng tỉnh táo để phân tích đâu là điều con thật sự cần, đâu là những ham muốn nhất thời của con”, chuyên gia Trần Quốc Phúc chia sẻ.

Theo ông Phúc, thứ con cần mà cha mẹ khi sinh trẻ ra có trách nhiệm đáp ứng để con có thể duy trì cuộc sống là ăn, mặc, ở, học tập. Ngoài ra, những điều khác sẽ là cái con muốn, các hoạt động vui chơi giải trí như đi công viên, khu trò chơi, đi du lịch, ăn ngon hơn như bánh kẹo, kem..., đồ dùng cao cấp như quần áo đẹp, dầu thơm, đồ chơi, điện thoại thông minh…

Cái con cần thuộc về trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên, cha mẹ sẽ không có trách nhiệm phải đáp ứng cái con muốn. Thay vào đó, trẻ sẽ có được khi con làm tốt hơn mỗi ngày. Do đó, phụ huynh được khuyến khích hãy dạy trẻ biết rằng, con cần phải trở nên xứng đáng hơn, mang lại niềm vui cho người khác để có được những điều mình muốn. Đó cũng chính là quy luật sau này con bước ra cuộc đời.

Trẻ có thể trở thành người vô ơn khi mẹ đáp ứng mọi điều con muốn. Ảnh minh họa
Trẻ có thể trở thành người vô ơn khi mẹ đáp ứng mọi điều con muốn. Ảnh minh họa

Hãy để con thử thách

Theo chuyên gia Phúc, có một cách để cha mẹ có thể “đo” được mong muốn thực sự của con. Cha mẹ hãy tạo ra một chút thử thách trước khi đáp ứng những điều kiện của con. Nếu thực sự cần, con nhất định sẽ hoàn thành thử thách để đạt được điều đó.

Ngoài ra, phụ huynh không nên đưa tiền tiêu vặt cho con hằng tháng. Thay vào đó, cha mẹ có thể để con làm việc nhà. Con sẽ được trả tiền vì sự nỗ lực, sức lao động của mình. Đặc biệt, việc mua đồ chơi khi con còn chưa nỗ lực học tập sẽ là điều hoàn toàn không nên.

“Con người ta sẽ trưởng thành rất nhanh khi trải nghiệm đủ nhiều và nhiệm vụ của cha mẹ là tạo điều kiện cho con được trải nghiệm và học hỏi nhiều nhất có thể, chứ không phải bao bọc con “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ThS Tâm lý Vũ Thu Hà, trẻ có thể xác định giúp đỡ người khác qua các công việc chăm sóc, chia sẻ và làm một số công việc dọn dẹp.

“Sự giúp đỡ người khác là một phần của sự trưởng thành với teen về trách nhiệm và sự yêu thương. Sự hỗ trợ này phải được thực hiện hằng ngày với sự hỗ trợ của bố mẹ và các thầy cô giáo”, chuyên gia nhận định.

Theo đó, thông qua việc chăm sóc các thành viên trong gia đình, nhóm yếu thế trong xã hội, người già và trẻ em, trẻ sẽ học được cách kiên nhẫn, các kỹ năng và thái độ của sự tôn trọng. Sự chăm sóc bắt đầu từ những thái độ thiện chí, đồng cảm với người khác. Việc thể hiện sự quan tâm qua chăm sóc làm nổi bật điểm mạnh của trẻ hơn và tôi luyện cho các phẩm chất.

“Chia sẻ những gì mình có với người khác cũng là một hoạt động cần làm. Sự chia sẻ về vật chất, tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo ra niềm vui và sự đồng cảm giữa cá nhân của mình và ngược lại”, chuyên gia Thu Hà cho biết.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, mặc dù việc dọn dẹp không phải là hoạt động trẻ yêu thích, nhưng nó rất quan trọng trong việc phát triển sự dẻo dai, sức bền, kỹ năng sống, sự kiên nhẫn, sự sáng tạo... Vì vậy, trẻ cần thực hiện công việc này hằng ngày trong gia đình, trường học và cộng đồng, như: Quét nhà, giặt quần áo, dọn dẹp phòng học, dọn phòng....

“Ở Việt Nam, công việc hỗ trợ này chưa được phổ biến trong cộng đồng. Tuy nhiên, với giáo dục trong các nước khác, việc hỗ trợ này rất phổ biến. Bởi, nó phát huy năng lực khác và các phẩm chất cần có của học sinh và là nền tảng cốt lõi cho sự thành công của người trưởng thành”, ThS Tâm lý Vũ Thu Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ