Những bà mẹ bị “ghét cay, ghét đắng” trên màn ảnh

GD&TĐ - Phim Việt phát sóng khung giờ vàng nhận được sự quan tâm lớn của khán giả. Vì thế, dàn nhân vật phụ cũng tạo được sự quan tâm của khán giả.

NSND Lan Hương vai bà Hiền phim “Thương ngày nắng về”.
NSND Lan Hương vai bà Hiền phim “Thương ngày nắng về”.

Một trong số đó là những bà mẹ đồng bóng từ trang phục đến tính cách trên màn ảnh. Loè loẹt, đeo bờm, buộc nơ,… là hình ảnh miêu tả về những bà mẹ ghê gớm bị ghét cay, ghét đắng này.

Loạt thời trang khó hiểu

Trong phim “Hương vị tình thân”, bà Bích do nghệ sĩ Tú Oanh đóng đã từng khiến khán giả “không thể ưa nổi”. Trong phim, bà hiện lên là mẫu người phụ nữ quê mùa, ít học, nông cạn, bản năng, tham lam, xấu tính…. Bà luôn đối xử phân biệt giữa con đẻ và con nuôi.

Hơn nữa, phong cách thời trang của bà mẹ này cũng khiến khán giả khó hiểu. Dù đã có tuổi, con cái trưởng thành nhưng bà ăn vận chẳng đâu vào đâu. Phong cách của bà Bích thường là những màu đỏ, hồng chói lọi, không thì vàng chóe... Bà cũng thường đeo bờm để trẻ thêm cả chục tuổi.

Ở phần 1, khán giả không có giây phút nào yêu mến nổi bà mẹ này. Bởi bà làm việc gì cũng hỏng, đã thế còn làm nhiều việc xấu ảnh hưởng đến các con. Chính hình ảnh của bà đã khiến cả nhà bị coi thường và khinh miệt.

Nghệ sĩ Tú Oanh vai bà Bích phim “Hương vị tình thân”.

Nghệ sĩ Tú Oanh vai bà Bích phim “Hương vị tình thân”.

Nghệ sĩ Tú Oanh cho biết, lần đóng phim này, đọc được bình luận chì chiết nhân vật bà Bích, chị cảm thấy rất hoang mang. “Đối diện với cách khán giả ứng xử với bà Bích trong phim tôi phần nào bị choáng.

Dù vẫn hiểu, một bộ phận khán giả không phân biệt được vai diễn và diễn viên nên đôi khi chì chiết lây sang người thủ vai. Nhưng với những người nghệ sĩ, cứ có cảm giác hơi… nặng nề. Giá như khán giả có thể rạch ròi hơn để nghệ sĩ có tâm lý tốt mà hóa thân vào nhân vật” – nghệ sĩ Tú Oanh bày tỏ.

Bà Diễm Loan do nghệ sĩ Vân Dung đóng trong phim “Hướng dương ngược nắng” được ví như “con vẹt”. Để phù hợp với nhân vật, nghệ sĩ Vân Dung phải trang điểm đậm hơn, khoác lên mình những bộ cánh sến súa kèm theo các phụ kiện như khuyên tai, băng đô tóc... Thậm chí, bà còn thường xuyên làm mới mình bằng những trang phục thảm hoạ.

Chưa kể đến tính cách của bà Diễm Loan luôn khiến người xem bực mình với người mẹ chỉ quan tâm tới bản thân. Với tính cách lẳng lơ, nhân vật Diễm Loan vừa góp một chân trong hội “tiểu tam” bị ghét bỏ nhất màn ảnh.

Khác với những cô gái trẻ trung mơn mởn khác, bà Diễm Loan đã ở cái tuổi xế chiều nhưng từ gu thời trang đến tính cách vẫn điệu đà, đỏng đảnh như cô bé mới lớn. Đây có lẽ là nhân vật ít thay đổi nhất với “Hướng dương ngược nắng” xuyên suốt cả hai phần.

Không ít người cảm thấy nhức mắt, khó chịu với sự đỏng đảnh lố bịch của bà Loan. Đặc biệt là những màn “chim chuột” người tung kẻ hứng với tay Hải “bóng” do Mạnh Hưng thủ vai.

Bà Loan trông bề ngoài có vẻ ngây thơ nhưng thực chất lại là người ham vật chất. Thời trẻ bà chạy theo những người đàn ông lắm tiền nhiều của, bất chấp việc họ đã có gia đình. Đến khi già vẫn nghênh ngang thách thức bà cả, tranh thủ dùng con cái để hưởng lây tài sản.

Vẫn là những bà mẹ thương con

Nghệ sĩ Vân Dung vai bà Diễm Loan phim “Hướng dương ngược nắng”.

Nghệ sĩ Vân Dung vai bà Diễm Loan phim “Hướng dương ngược nắng”.

Sau vai Diễm Loan do nghệ sĩ Vân Dung đóng, vai bà Hiền của NSND Lan Hương trong “Thương ngày nắng về” tiếp tục gây ấn tượng với khán giả với phong cách thời trang loè loẹt, diêm dúa và đồng bóng.

NSND Lan Hương đã làm mới hình ảnh của chính mình khi hoàn toàn lột xác so với các dạng vai nhẹ nhàng, đoan trang trước đó trên màn hình. Thậm chí, nữ nghệ sĩ không ngại làm xấu bản thân để khắc họa chân thực nhân vật.

Nghệ sĩ Nhân dân Lan Hương chia sẻ, đây là lần đầu tiên có tạo hình như thế trên sóng truyền hình. Trước nay nữ nghệ sĩ chỉ đóng vai nào thương, vai nào khổ sở.

“Có một năm đi chúc Tết, cậu em rể bảo sao bác toàn đóng vai vô duyên thế. Đầu tiên tôi cũng ngỡ ngàng không hiểu sao nhưng mà cậu ấy bảo: Chị toàn đóng những vai chồng bỏ, chồng chết, đau khổ. Chị đừng đóng vai như thế nữa. Chị nói với đạo diễn cho chị đóng vai nào nó tươi trẻ.

Quả thực khi vào vai bà Hiền lại là một nhân vật trẻ quá. Bà Hiền này thì lại loè loẹt, đồng bóng. Thực ra điều này không xấu, tuy nhiên là nó có đúng lúc đúng chỗ hay không thôi”, NSND Lan Hương nói.

Không chỉ đeo bờm, buộc nơ, tô son đỏ, đi dép cao, “bà nội Hiền” còn có tông giọng khá cao. Cũng theo NSND Lan Hương, vào vai này chị có cảm giác bị tốn sức vì phải lao động cực nhọc.

Theo nghệ sĩ Lan Hương, khi một người hiếu thắng, họ rất muốn lấn át người khác. Họ nói to và muốn áp đặt một cái gì đó cho đối phương. Cho nên vào những vai này phải nói to và cao giọng, thậm chí tiếng bị xé cho chân thực.

Đây cũng là lần đầu tiên NSND Lan Hương được trang điểm đậm, kèm theo loạt váy vóc điệu đà và các phụ kiện đi kèm đủ sắc màu. Phần tạo hình của nhân vật cũng làm nổi bật tính cách của bà Hiền trong phim, một bà mẹ chồng oái ăm, ghê gớm, suốt ngày chỉ lo ăn chơi đàn đúm.

Xuất hiện ở bộ phim lần này, NSND Lan Hương không chỉ khiến khán giả ghét bởi tính cách khó ưa mà ngay cả phần tạo hình cũng không mấy thiện cảm. Ngoài trang phục, NSND Lan Hương còn được kết hợp với nhiều phụ kiện như băng đô, hoa tai, túi xách...

Nói là như vậy, nhưng nhiều khán giả cũng nhận định, các bà mẹ này tuy ghê gớm, đồng bóng, ham chơi nhưng cũng rất thương con.

Nhìn nhận khách quan, dù bà Bích có xấu tính, nghĩ gì nói nấy nhưng trong thâm tâm vẫn là một người phụ nữ tốt. Lúc thấy con gái nuôi bị thương nặng phải đi cấp cứu, bà đã khóc như mưa, vô cùng lo lắng.

Sang phần 2, nhân vật bà Bích dần nhận được sự cảm thông của khán giả khi có nhiều thay đổi. Sau những sai lầm, bà luôn mong cho con có được hạnh phúc thực sự.

Hay như bà Diễm Loan, khi nghi mình bị bệnh ung thư, bà thương hai con và có phần thay đổi tính cách. Hoặc thông thường, nếu có ai bắt nạt con trai, con gái, bà chẳng ngại mà mắng chửi người ta không thương tiếc. Bà hám tiền một phần cũng là vì con, muốn đòi quyền lợi để con cái có được hạnh phúc, đỡ khổ sở như bà.

Còn đối với bà Hiền, dù nhất định không trông cháu, chẳng ưa con dâu nhưng cuối cùng bà vẫn là một người mẹ thương con, nhất là với con trai. Đối với bà, con trai giống như báu vật và không ai được động vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.