Bác sĩ Trần Văn Năm – nguyên Viện phó Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM lý giải: Cẩm tú cầu là cây hoa thân mộc, ưa bóng râm ẩm thấp và “xuất thân” từ các nước châu Á (chủ yếu Nhật Bản, Trung Quốc).
Màu hoa phụ thuộc vào độ PH của đất. Lúc đầu hoa màu trắng sau biến dần thành màu lam hay màu hồng. Hoa cẩm tú cầu có cánh mỏng manh, chen chúc "kề vai" nhau, tạo thành từng chùm tròn, tượng trưng cho sự chân thành, lòng biết ơn, hiếu thảo với ông bà…
Chính vì vẻ đẹp tuyệt vời, ý nghĩa thuần chất “Á Đông” nên ngày nay, hoa cẩm tú cầu được trồng rộng rãi trong các vườn hoa, vườn cảnh, đặc biệt được dùng làm hoa cưới tại Việt Nam.
Đặc biệt, gần Tết, cây có hoa đẹp rực rỡ khiến mọi người mê mẩn, tìm mua về chưng trong nhà.
Theo bác sĩ Trần Văn Năm, hoa cẩm tú cầu có tên khoa học là Hydrangea macrophylla, với khoảng 75 loài. Lá và nụ hoa có độc chất Hydragin nhiều nhất. Nếu ăn phải thì người bệnh có biểu hiện: nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, mệt mỏi, khó thở, nếu nặng dẫn đến hôn mê.
Đặc biệt, một số người có cơ địa nhạy cảm có thể bị viêm da, ngứa da khi chạm tay trần vào cây, lá, hoa.
Bác sĩ Bạch Văn Cam – Cố vấn khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: Hầu hết, các độc chất trong hoa đều không có thuốc giải, thuốc đặc trị nên chỉ điều trị theo triệu chứng.
May mắn, độc chất này khó gây tử vong, chủ yếu là ngộ độc, tiêu chảy, nôn ói, tê lưỡi, dị ứng, sưng phồng.