đối tượng người dân tộc ở Nghệ An đã từng đi sang Trung Quốc nay đã về quê |
(GD&TĐ) - Thanh Sơn và Ngọc Lâm là 2 xã tái định cư của huyện Thanh Chương (Nghệ An). Hầu hết đồng bào là người dân tộc Thái... của huyện Tương Dương di dời về theo dự án nhường đất cho công trình thủy điện bản Vẽ.
Ngoài những khó khăn, vất vả ở vùng đất mới, tình trạng buôn bán và đưa người trốn sang nước ngoài đã và đang là thực trạng đáng báo động làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây.
Chị đi trước... rước em đi sau
Trưởng công an xã Thanh Sơn (Thanh Chương) Lô Văn Mão mở đầu câu chuyện khiến chúng tôi giật mình: Những năm gần đây, có rất nhiều trường hợp đưa người sang Trung Quốc trái phép. Điều đặc biệt là có mấy chị em ruột một nhà cùng trốn ra nước ngoài qua môi giới, chị đi trước rủ em đi theo.
Đó là trường hợp của Cụt Thị Hiềm sinh năm 1992 người dân tộc Khơ Mú ở bản Thanh Hòa (xã Thanh Sơn) đi năm 2008 đến nay chưa về. Hiềm đi được một thời gian rồi về đưa em gái Moong Thị May (Sinh năm 1992), Cụt Thị Đào (SN 1996) sang Trung Quốc...
Như để chứng minh lời mình nói, trưởng công an Mão dẫn chúng tôi đến những gia đình có con em từng đi sang Trung Quốc trái phép nay đã trở về.
Người đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Moong Thị May (SN 1992) người dân tộc Khơ Mú ở bản Thanh Hòa. Đến nhà khi May vừa đi rừng kiếm củi về. Khi chúng tôi hỏi về quá trình đi như thế nào, làm gì, có vất vả không thì may cho biết:
May về từ tháng Tư năm nay, đi tự nguyện chứ không có ai rủ đi. Ở bản này có 4 người đi cùng một lúc, 3 người đã về là Iềng, Lái và bản thân em. Người còn lại đang ở bên Trung Quốc là Hiềm. Tuy nhiên, May đã không trả lời qua Trung Quốc làm cái gì.
Còn Moong Thị Iềng (SN 1996) người dân tộc Khơ Mú cũng ở bản Thanh Hòa cho biết: “Bản thân em tự đi, đi làm bên Trung Quốc về lâu rồi và công việc làm không vất vả lắm, sang bên ấy chỉ bán đồ uống cho họ mà thôi. Chúng tôi hỏi vì sao làm không vất vả sao mình không ở lại mà về sớm như vậy? Iềng trả lời: Về lấy thuốc chữa bệnh”.
Riêng Huông Thị Mùi (SN 1992) người dân tộc Thái cũng ở bản Tân Lập (xã Thanh Sơn) lại “xuất ngoại” theo cách khác. Theo Mùi, khi đi qua Trung Quốc thì đi cùng người bạn tên là Linh ở Hà Nội. Chỉ quen và trao đổi qua điện thoại rồi đi cách đây vài tháng. Người tên Linh ấy bảo vào công ty giày da làm dễ mà lương cao nên mới đi theo.
Điều đặc biệt, trong cả ba lần giáp mặt những cô giá trẻ từng “xuất ngoại” sang Trung Quốc “làm ăn”, cả ba cô đều lảng tránh ánh nhìn của chúng tôi, không dám nhìn trực diện và trả lời lí nhí từng câu hỏi. Và tất cả 3 cô đều không trả lời đúng thực chất việc mình sang Trung Quốc làm nghề gì, đi với những ai.
Chính vì lý do này mà Trưởng bản Tân Lập đã thừa nhận: Họ nói không thật lòng. Trước đây, công an hỏi thì họ nói khác lắm. Cũng theo Trưởng bản Hòa, đợt vừa rồi bản có 3 người đi sang Trung Quốc. Hiện Vi Thị Đái con bà Lo Thị Sồi vẫn chưa về. Riêng Huông Thị Mùi về từ 3/2013 và Ngân Thị Kim Cương trước đây bị lừa bán sang Trung Quốc nay đã được chuộc về năm 2011, giờ đã lấy chồng ở ngã 5 xã Hạnh Lâm.
Có dấu hiệu mua bán người?
Ông Lô Hoài Dung, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: “Cái khó nhất là người bị bán họ không tố cáo, không phản ánh.” |
Theo số liệu của UBND xã Thanh Sơn, từ năm 2008 đến 5/2013, toàn xã có 22 trường hợp phụ nữ trẻ em nghi bị mua bán, trong đó có 1 trường hợp mua bán phụ nữ.
Ông Vi Thành Viên - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn - thẳng thắn nói: “Đây là một trong những vấn đề nhức nhối của địa phương. Có thực tế là một số đối tượng đến rủ rê nhưng gia đình không khai báo, chỉ đến khi con cái sang bên ấy, không liên lạc được mới báo với chính quyền. Nguyên nhân là do hiểu biết hạn chế bị kẻ xấu lợi dụng cho tiền rồi rủ rê. Hầu hết các đối tượng không khai báo ai đưa đi và đi như thế nào mà bảo là tự đi nên rất khó để xử lý.
Hơn thế nữa, các đối tượng hầu như rất khó xử lý vì không có cơ sở bởi nạn nhân và gia đình không tố cáo mặc dù chúng tôi đã nắm đầy đủ chứng cứ. Hiện chúng tôi đang nghi ngờ 2 - 3 đối tượng có liên quan ở huyện Tương Dương.
Sau những vụ việc xảy ra, chúng tôi đã tuyên truyền trong nhân dân, kêu gọi các tổ chức chính trị xã hội, các ban ngành cần theo dõi và kiểm tra sát chặt chẽ đồng thời quán triệt với nhân dân đi đâu, đi như thế nào thì phải làm hồ sơ có xác nhận để xã quản lý”.
Ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm - cho rằng: “Cái khó nhất là người bị bán họ không tố cáo, không phản ánh... Vì đói nghèo nên khi nghe đến có thể món tiền lớn mà nhận thức của người dân còn kém nên họ tin ngay. Xã chúng tôi cũng có 22 trường hợp trẻ em, phụ nữ bị mua bán và bị nghi bị mua bán sang Trung Quốc”.
Thiếu tá Nguyễn Đình Báu - Đội Phó đội điều tra hình sự Công an huyện Thanh Chương cũng cho biết “Theo thống kê từ trước đến nay 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn có 39 người ra đi hiện nay chưa về và nhận định họ đang ở Trung Quốc”. |
Thiếu tá Nguyễn Đình Báu - Đội Phó đội điều tra hình sự Công an huyện Thanh Chương - cho biết: Gần đây trên địa bàn 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn xảy ra thực trạng đưa người trái phép sang biên giới. Những người ở 2 xã này chủ yếu được đưa sang Trung Quốc rồi bị bắt làm gái mại dâm, bị mua bán về làm vợ...
Chúng tôi thống kê từ trước đến nay 2 xã này có 39 người ra đi hiện nay chưa về và nhận định họ đang ở Trung Quốc. Từ 2012 đến nay công an huyện Thanh Chương đã khởi tố 3 vụ án, trong đó có 2 vụ án đưa người trốn đi nước ngoài và một vụ án buôn bán người.
Ông Báu cho biết thêm: Theo lời khai của các nạn nhân trở về thì họ sang bên ấy và được nhận 1 khoản tiền (tức là có dấu hiệu mua bán). Các đối tượng cò mồi đã cho tiền, lại vẽ viễn cảnh tốt đẹp lừa những người nhẹ dạ.
Chúng tôi cũng đã phối hợp với các tổ chức tuyên truyền nhưng hiệu quả không được như mong muốn vì trình độ dân trí thấp, điều kiện sống còn khó khăn. Nhưng rất khó chứng minh đây những vụ buôn bán người bởi nó liên quan đến người nước ngoài. Người bán thì có nhưng người mua khó chứng minh được vì ở Trung Quốc, vì vậy chúng tôi khó thể xác minh, điều tra được” - Ông Báu cho hay.
Thanh Hải – Minh Thư