Dù tiếng trống trường chưa điểm, nhưng hình ảnh côn trùng trong suất ăn ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Newton 5 (Hà Nội) tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm (ATTP) trước thềm năm học mới 2023 - 2024.
“Phạt con ong”... 10 triệu đồng
Liên quan đến thông tin phản ánh có côn trùng trong bữa ăn sáng 20/8 của học sinh, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở (TH&THCS) Newton 5 (huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã có báo cáo gửi các đơn vị chức năng.
Theo báo cáo, khi nhận được thông tin phản ánh, Trường TH&THCS Newton 5 đã phối hợp với công ty cung cấp suất ăn kiểm tra lại từ khâu nhập đầu vào, định lượng theo thực đơn, hạn sử dụng, khâu chế biến, lưu mẫu và khu vực ra đồ ăn, kiểm tra hệ thống camera của ngày hôm đó.
“Nhà trường ghi nhận hình ảnh phụ huynh cung cấp có thể là côn trùng. Do hình ảnh rất mờ nên khó xác nhận là loại côn trùng nào. Cô giáo chủ nhiệm hôm đó là người tiếp xúc sự việc và có xác nhận là con ong chứ không phải gián...”, nội dung báo cáo nêu.
Sau khi nhận được thông tin, nhà trường đã làm việc với bếp ăn về ca trực và cho nghỉ việc nhân viên trực tại khu ra các đồ ăn, đồng thời phạt ca trực 10 triệu đồng. Báo cáo của nhà trường cũng cho biết, toàn bộ quy trình từ khi thực phẩm được đưa tới trường (từ 5 giờ - 5 giờ 30 phút sáng) đến khi bữa ăn được đưa đến học sinh đều được thực hiện đúng quy định. Từ sau 15 giờ, tất cả thực phẩm tồn (nếu có) được nhân viên bán trú yêu cầu di chuyển ra khỏi bếp để bảo đảm chỉ sử dụng thực phẩm tươi hằng ngày.
Theo đại diện Trường TH&THCS Newton 5, đặc điểm xung quanh khu vực bếp ăn có nhiều cây hoa và thường xuyên có ong nên có thể là nguyên nhân sự việc. Về việc lựa chọn thực phẩm và nhà cung cấp, nhà trường khẳng định, các nhà cung cấp được lựa chọn đều được cấp phép và có hợp đồng hợp tác, thực phẩm nhập được kiểm soát kỹ về thông tin, lưu mẫu và ghi chép, chụp ảnh lưu.
Chị Vũ Thị T (quận Hà Đông) - phụ huynh học sinh Trường TH&THCS Newton 5 bày tỏ lo lắng trước hình ảnh côn trùng trong suất ăn. “Việc con gì trong suất ăn thì cũng cần có giải pháp. Nhà trường cần cho giám sát chặt chẽ và có biện pháp để côn trùng không bay hay xâm nhập nữa...”, chị T nhấn mạnh.
Liên quan đến sự việc trên, ngày 22/8 trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đoàn Việt Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai cho biết, phòng đã cử đoàn kiểm tra làm việc với nhà trường để chấn chỉnh ATTP. Theo ông Dũng, chuẩn bị cho năm học mới 2023 - 2024, đơn vị có công văn chỉ đạo các nhà trường ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất tạo khí thế mới cho năm học (trang trí, bổ sung cơ sở vật chất) thì ATTP cũng đặt lên hàng đầu.
“Khu vực chế biến thức ăn, nhà ăn phải đảm bảo vệ sinh ATTP. Các nhà trường cần có hệ thống lưới chắn côn trùng, có ánh sáng không khí thông thoáng nhưng côn trùng không vào được để đảm bảo vệ sinh...”, ông Dũng bày tỏ.
Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai - Đoàn Việt Dũng cũng bày tỏ, vụ việc ở Trường TH&THCS Newton 5 là đáng tiếc. “Ngày 22/8, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai ra kiểm tra để chấn chỉnh nhà trường. Đồng thời, lưu ý tất cả cơ sở giáo dục phải kiểm tra đầu vào về thực phẩm, phân công các bậc phụ huynh hoặc tuyên truyền để phụ huynh học sinh đến đột xuất nghiệm thu thực phẩm (đầu vào, số lượng, chất lượng) đảm bảo cho học sinh có bữa ăn an toàn, đủ dinh dưỡng...”, ông Đoàn Việt Dũng nói.
Trường TH&THCS Newton 5 nơi xảy ra sự việc côn trùng trong suất ăn. |
Nỗi lo an toàn thực phẩm
Trước đó, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin có côn trùng trong bữa ăn của học sinh Trường TH&THCS Newton 5 (huyện Thanh Oai) đăng kèm thông tin là hình ảnh côn trùng. Về việc này, tối 21/8, Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị Phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai yêu cầu Trường TH&THCS Newton 5 và các trường trên địa bàn huyện rà soát lại toàn bộ quy trình chế biến bữa ăn cho học sinh, kịp thời phát hiện, loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh.
Sau sự việc trên tại huyện Thanh Oai, ông Lê Đức Thuận - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, đã đề nghị các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật và thực hành đúng về ATTP cho cán bộ, giáo viên và học sinh. “Ngoài nguyên liệu thực phẩm sạch, an toàn, quá trình chế biến cũng được nhân viên dinh dưỡng thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thực phẩm không bị xâm nhiễm bởi vi khuẩn, ruồi, muỗi...”, ông Lê Đức Thuận lưu ý.
Chia sẻ thêm về giải pháp đảm bảo ATTP, cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (quận Ba Đình) nhấn mạnh, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP được đặt lên hàng đầu và coi trọng việc giám sát.
“Là một trường có tỷ lệ trẻ ăn bán trú 100%. Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh ATTP cho trẻ, nhà trường đã đầu tư vào hệ thống nhà bếp. Do đó, nhà bếp khu chế biến thức ăn cho trẻ đặc biệt được nhà trường chú trọng nhằm hạn chế tối đa các loại côn trùng như: Duồi, muỗi, dán, kiến….” – cô Nguyễn Thị Thanh Hương nói.
Cô Hương cũng lưu ý, đội ngũ nhân viên nhà bếp cũng như giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo vệ sinh ATTP trong các bữa ăn. Đồng thời, tăng cường các công tác vệ sinh cho trẻ. Không chỉ thực phẩm đảm bảo an toàn, việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình bếp 1 chiều từ khâu sơ chế, đến khâu chia thức ăn.
“Nhà trường chú trọng lựa chọn ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm đảm bảo uy tín, chất lượng. Thực hiện nghiêm túc việc giao nhận thực phẩm hàng ngày với đầy đủ các thành phần ban giám hiệu, phụ huynh học sinh, nhân viên giao nhận... Duy trì việc giao nhận thực phẩm và được truyền hình trực tiếp qua màn hình Led để mọi người giám sát...” – cô Hương chia sẻ.
Năm học 2023 - 2024 đang đến gần, cùng với công tác chuẩn bị dạy và học, bên cạnh đó các giải pháp khác nhằm bảo vệ cho học sinh tránh được các mối hiểm họa khác cũng cần phải được coi trọng đúng mức, đặc biệt là cần bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học.