(GD&TĐ) - Thông thường, mỗi khi nói đến hai từ “tội ác” người ta thường liên tưởng đến những biểu hiện, hành vi cụ thể liên quan đến những yếu tố về đạo đức, quan hệ xã hội và chịu sự chi phối của các định chế của pháp luật. Tội ác, ít hay nhiều đều gây ra nỗi đau cho xã hội, cho cọng đồng, cho mỗi gia đình hay một cá nhân mà có khi hậu quả của nó để lại là lâu dài, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như những tội ác về chiến tranh, tội ác về tàng trữ, buôn bán ma túy…
Ảnh minh họa/internet |
Có những loại tội ác có thể rất dễ dàng để nhận diện, nhưng cũng có loại tội ác vô hình, ẩn mình dưới một vỏ bọc, một hình thái nào đó, mà thoạt nhìn tưởng chừng là “vô can” nhưng lại là mầm mống, căn nguyên, mà nếu xem nhẹ sẽ là mối đe doạ, dẫn đến những tội ác hữu hình, đôi khi ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Xin nêu ra đây một số tội ác vô hình rất đáng để suy ngẫm.
Trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết sẽ dễ dàng là con đường dẫn đến tội ác hữu hình, vốn có rất nhiều trong cuộc sống đời thường. Dẫn chứng là, không ít tội phạm ra trước vành móng ngựa là do trình độ văn hóa rất thấp mà ra. Những người gây ra những tội ác một cách gián tiếp đâu có nghĩ đến chuyện nguồn cội của những tội ác đó xuất phát từ họ hoặc có thể có người biết nhưng vẫn cố tình bỏ qua để chạy theo thành tích, danh vọng, đồng tiền….
Chẳng hạn như trong lĩnh vực y tế. Bệnh nhân, dù là trong tình trạng cấp cứu nhưng chưa kịp mang theo tiền hoặc không đủ tiền sẽ bị đối xử không nhiệt tình như đối với người có nhiều tiền, thậm chí chỉ vì những nguyên nhân đó mà có người phải từ giã cõi đời một cách oan uổng. Trường hợp khác, người ta chỉ tận tình khi bệnh nhân khám dịch vụ, khám ở phòng mạch tư, trong khi rất thờ ơ, khám qua loa, đại khái đối với những người khám bệnh, điều trị theo diện bảo hiểm y tế. Nếu có lỡ gây chết người thì đa số chỉ bị xử lý theo kiểu “thiếu tinh thần trách nhiệm”, hạn chế về trình độ gây hậu quả nghiêm trọng… Nói dân dã, những người làm như vậy là kẻ "thất nhân ác đức", hay như nội dung đang đề cập trong bài viết này đó cũng là tội các vô hình nhưng lại không dễ gì diệt trừ đúng người đúng tội.
Một loại tội ác giấu mặt khác mà hiện nay đang có chiều hướng "phát triển", liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là việc người ta dùng Formol để cho vào phở, hàn the làm chả thêm dai, giòn, hóa chất bị cấm để giữ cho thịt, cá, rau quả tươi lâu, làm cho bún “sáng màu” lâu thiu...
Một số người mặc dù biết sự độc hại của các loại hóa chất mình sử dụng, vẫn đang tâm sử dụng trong các sản phẩm bán ra thị trường, được sử dụng đại trà trong bữa ăn hàng ngày của biết bao người. Rồi là cơ quan kiểm nghiệm, dù đã phát hiện trong các sản phẩm có chất cấm từ lâu mà lại ém nhẹm, không công bố trong thời gian khá dài... Có thể việc làm này chưa gây ra hậu quả nhãn tiền là những cái chết tức khắc, nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến những căn bệnh thuộc loại nan y, dẫn đến những cái chết không đáng có. Tất cả xuất phát từ những người, vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Không loại bỏ, ngăn chặn những biểu hiện ban đầu của loại tội ác này, cũng là một cách tiếp tay, dung túng cho nó.
Cuối cùng, một loại tội ác vô hình khác cũng nên đưa vào là chuyện, ôtô chở quá số người quy định, xe không đảm bảo an toàn nhưng vẫn được những người có trách nhiệm làm lơ cho qua hoặc do tiêu cực, thay vì xử phạt lại “làm luật”. Người vi phạm quy định nhưng vì năn nỉ, hoặc chạy chọt mà được cho đi tiếp, cuối cùng, đích là có khi tàn phế suốt đời hoặc chết… Những người gián tiếp gây ra hậu qủa trên, rõ ràng, ít nhiều là người gây tội ác cho không chỉ một mà là nhiều người.
Đã đến lúc quan tâm đến những loại tội ác vô hình nêu trên, không nên làm theo một chiều, chỉ quan tâm đến những tội ác hữu hình mà quên đi mầm mống phát sinh của những tội ác mà khả năng của chúng ta vẫn có thể ngăn chặn ngay từ trong trứng nước.
Dân Hùng