Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng

GD&TĐ - Với nhu cầu cao về phát triển cơ sở hạ tầng như cầu đường, công trình năng lượng, các khu đô thị mới... Việt Nam đang rất cần một đội ngũ kỹ sư công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng giỏi để nghiên cứu và sản xuất nhiều loại vật liệu xây dựng mới, bền bỉ và đa dạng hơn và giá thành sản xuất giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu về một đội ngũ kỹ thuật lành nghề trong ngành xây dựng cũng là một vấn đề được đặt ra.

Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng

Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu mới

Ngành Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng ở nước ta hiện nay được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề… Đây là ngành dành cho những sinh viên có sở thích và đam mê nghiên cứu chế tạo, quản lý kỹ thuật và công nghệ sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng phục vụ công nghiệp xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng.

Về cơ bản, một kỹ sư ngành sẽ nắm chắc được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật công trình xây dựng; Biết lựa chọn và sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp với từng công trình xây dựng, nhằm đạt hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao nhất; Thiết kế công nghệ, tổ chức và quản lý sản xuất vật liệu xây dựng (bê tông và cấu kiện bê tông cốt thép; các chất kết dính; gốm sứ, thủy tinh xây dựng; composite xây dựng…). Nghiên cứu hoàn thiện, nâng cao các tính năng của vật liệu xây dựng; Nghiên cứu vật liệu mới, công nghệ mới chế tạo vật liệu.

Cử nhân cao đẳng ngành Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng có khả năng lập kế hoạch, tổ chức thi công công trình xây dựng, giám sát xây dựng, thao tác kỹ thuật, thi công công trình dân dụng - công nghiệp và quản lý các dự án xây dựng nhà dân dụng, nhà xưởng sản xuất. Có khả năng đọc, hiểu bản vẽ thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công sử dụng máy đo đạc, thiết bị, dụng cụ để đo đạc mặt bằng khu vực xây dựng, đo đạc xác định vị trí hố móng, móng và các bộ phận công trình trong quá trình xây dựng và sử dụng phần mềm và kết cấu định hình thiết kế được kết cấu kiến trúc nhà dân dụng - công nghiệp giản đơn, vẽ trên máy những phác thảo thiết kế của kỹ sư...

Phát triển nhân lực ngành

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2015 tổng số doanh nghiệp hoạt động ngành xây dựng đã có khoảng 77.500 doanh nghiệp chưa kể nhiều doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gia đình không đăng ký với khoảng 4 triệu lao động. Bên cạnh đó, sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN từ cuối năm 2015 cũng đã làm tăng thêm nhu cầu nhân lực của ngành, thị trường lao động quốc tế này cũng đồng thời đòi hỏi chất lượng trình độ chuyên ngành, trình độ sử dụng công nghệ tiên tiến và tay nghề chuyên nghiệp của người lao động. Thực trạng cho thấy nhu cầu về lực lượng lao động kỹ thuật ngành xây dựng nói chung và Công nghệ Kỹ thuật Vật liệu Xây dựng nói riêng đã và đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn.

Về thực trạng nguồn nhân lực ngành xây dựng hiện nay, theo đánh giá của ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguồn nhân lực ngành hiện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, tỷ lệ công nhân trực tiếp sản xuất qua đào tạo nghề còn rất thấp, dẫn đến năng suất lao động, tiến độ chậm, chất lượng sản phẩm còn nhiều sai phạm dẫn đến giảm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như ngay tại thị trường nội địa.

Nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực ngành, ông Trần Ngọc Hùng đã đề xuất nhóm giải pháp cụ thể, trong đó: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đáp ứng yêu cầu hội nhập, tăng cường giải pháp đào tạo nội dung yêu cầu theo địa chỉ theo cơ chế đặt hàng để sinh viên ra trường có việc làm ngay không phải đào tạo lại. Tăng cường các khóa học đào tạo lại để cập nhật kiến thức mới đặc biệt là kiến thức quản trị doanh nghiệp, đây là khâu yếu nhất của cán bộ quản lý... Đối với trường dạy nghề, khuyến nghị cơ chế chính sách kể cả nguồn kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy sát với yêu cầu thực thế đặc biệt cơ chế chính sách đãi ngộ với các thợ bậc cao, thợ cả truyền nghề cho lớp trẻ.

Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020 tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện, đồng thời chú trọng phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.