Nhu cầu nhân lực ngành bất động sản tăng mạnh

GD&TĐ - Theo bản tin cập nhật thị trường lao động quý II/2016, nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý đã tăng thêm hơn 18%. Trong khi tuyển sinh học nghề các trình độ mới chỉ đạt khoảng 36% kế hoạch năm. 

Nhu cầu nhân lực ngành bất động sản tăng mạnh

Bản tin cũng dự báo các ngành có nhiều khả năng tăng trưởng việc làm trong các tháng cuối năm, thời điểm này cũng là dịp để các cơ sở dạy nghề thúc đẩy công tác tuyển sinh hiệu quả hơn. Về phía người lao động có thể “đón đầu” chủ động học nghề và tìm kiếm việc làm.

Hơn 40.000 việc làm mới

Số liệu lao động của cổng thông tin điện tử về việc làm của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong quý II/2016 tổng nhu cầu tuyển dụng là 265,2 nghìn người tăng 40,8 nghìn người (18,2%) so với quý I/2016 và tăng 9% so với quý II/2015.

Nếu chia theo loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân chiếm 49,8%, công ty cổ phần chiếm 31,1%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 10,6%, doanh nghiệp Nhà nước chiếm 7,2%, loại hình khác chiếm 1,3%.

So với quý I/2016, nhu cầu tuyển dụng của công ty TNHH và doanh nghiệp tư nhân tăng 12,9%, công ty cổ phần tăng 24,2%, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tăng 30,6%, doanh nghiệp Nhà nước tăng 15% các loại hình khác tăng 20,2%.

Quý II/2016, một số công việc có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn là: lao động phổ thông 46,2 nghìn người, tăng 16,8 nghìn người so với quý I/2016. Trong đó: Dệt, may và công nghệ may 15,2 nghìn người; quản trị kinh doanh 3,9 nghìn người; bán hàng, nhân viên kinh doanh 2,6 nghìn người; điện, điện tử 3,1 nghìn người, cơ khí chế tạo máy 3,1 nghìn người.

Theo mức lương mà doanh nghiệp sẵn sàng trả: Khoảng 50,8% vị trí việc làm có nhu cầu theo mức lương thỏa thuận; 6,7% có nhu cầu ở mức lương dưới 4 triệu; 29,3% có nhu cầu ở mức lương từ 4 đến 6 triệu đồng/tháng; 8,8% có nhu cầu ở mức lương từ 6 đến 10 triệu và 4,5% có nhu cầu ở mức lương trên 10 triệu.

Trong quý II/2016, 64 trung tâm dịch vụ việc làm do ngành LĐ-TB&XH quản lý đã tổ chức được 288 phiên giao dịch việc làm với 728 nghìn lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó có 232 nghìn lượt người nhận được việc làm do các TTDVVL giới thiệu và cung ứng. Đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đến hết quý II/2016, có 273 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động XKLĐ tăng 9 doanh nghiệp so với quý I/2016, trong đó có 58 doanh nghiệp Nhà nước, 180 công ty cổ phần, 34 đơn vị thuộc thành phần khác.

Tuyển sinh khó khăn, nhu cầu lao động nông nghiệp giảm

Về công tác tuyển sinh, đến cuối tháng 6/2016, cả nước tuyển sinh được 733.775 người trong đó: Cao đẳng nghề: 19.074 sinh viên; trung cấp nghề: 30.600 học sinh; sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng: 684.101 người đạt khoảng 36% kế hoạch, trong đó gần 120 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo theo Đề án 1956 (đạt khoảng 27% kế hoạch). Trình công nhận và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho 1.345 người lao động đánh giá đạt yêu cầu trong năm 2015 và 136 người lao động đạt yêu cầu trong kỳ đánh giá tháng 4 và tháng 5 năm 2016.

Theo dự báo của bản tin, việc phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và tham gia Cộng đồng Kinh tế Asean là những yếu tố quan trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ trong nước và ngoài nước qua đó thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Cùng với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cuối năm dự báo việc làm trong một số ngành như sau: Xây dựng tăng 4,2%; thông tin và truyền thông tăng 2,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,6%; kinh doanh bất động sản tăng 9,5%.

Tuy nhiên, hạn hán, xâm nhập mặn và sự cố môi trường tiếp tục tác động bất lợi đến nông nghiệp, làm cho sản lượng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,2% và lao động trong nông nghiệp tiếp tục giảm khoảng 0,8%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động có thể giảm xuống khoảng 2% trong các quý cuối năm 2016.

Quý II/2016 có 30.917 người đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài, tăng 7.703 người so với quý I/2016. Thị trường Đài Loan có số người đi làm việc lớn nhất, 16.196 người (chiếm 52,4%); thứ hai là Nhật Bản, 8.552 người (30,5%); tiếp đến là Hàn Quốc, 3.765 người (12,18%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...