Nhu cầu nhân lực lớn với ngành Ngôn ngữ Anh

GD&TĐ - Kinh tế Việt Nam đang nỗ lực bứt phá trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Sinh viên Viện Ngoại ngữ - ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Kim Chi
Sinh viên Viện Ngoại ngữ - ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Kim Chi

Thực tế đang đặt ra nhu cầu ngày một lớn về nguồn nhân lực và đây cũng chính là cơ hội để sinh viên ngành ngôn ngữ nói chung và ngành Ngôn ngữ Anh tìm kiếm việc làm và phát triển thế mạnh của mình.

Rèn luyện để làm chủ 4 kỹ năng ngôn ngữ

Trần Thanh Hiền, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội cho hay: “Hiện nay, ngành ngôn ngữ ở các trường đại học có điểm chuẩn đầu vào khá cao. Đặc biệt, kinh tế ngày càng phát triển nên cơ hội việc làm đối với sinh viên ngành này đang mở rộng và ngày càng đòi hỏi cao hơn. Do đó trong quá trình học, em thường xuyên tham gia ngày hội việc làm của trường, khoa và tìm kiếm những thông tin tham khảo để biết những xu thế tuyển dụng hiện nay, chuẩn bị cho ngày ra trường”.

Tuy đã chủ động trong kế hoạch học tập nhưng Thanh Hiền còn gặp hạn chế trong kỹ năng nghe, nói nên không tránh khỏi áp lực trong quá trình học. Vì vậy, từ năm thứ hai đại học, để cải thiện kỹ năng còn yếu, Hiền đã tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá, mạnh dạn tìm các điểm du lịch để giao tiếp với du khách đến Hà Nội du lịch.

“Nhờ những trải nghiệm của bản thân khi tham gia nhiều hoạt động ngoài nhà trường, em có thêm cơ hội cọ sát với đời sống thực tế nhiều hơn. Em nhận thấy bản thân mình đã có nhiều tiến bộ và rất mong muốn sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm về phiên dịch hoặc hướng dẫn viên du lịch”, Thanh Hiền chia sẻ.

Cũng là người có sự lo xa, Nguyễn Thị Thương, sinh viên năm 3 ngành Ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Thành Đô, chia sẻ: “Ngành Ngôn ngữ Anh không khó để xin việc nhưng tìm được việc làm phù hợp với năng lực và có thu nhập tốt thì không hề dễ dàng. Hiểu rõ điều này nên trong những năm đại học, em cố gắng trải nghiệm nhiều công việc khác nhau trong chuyên ngành mình học. Đến năm cuối, em sẽ tập trung vào lĩnh vực phù hợp nhất để tích luỹ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội việc làm”.

Theo ThS Trần Trung Việt, Giám đốc Tuyển sinh, Trường CĐ Hoa Sen, đối với sinh viên ngành ngôn ngữ thì 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết rất quan trọng, tiếp đến là kiến thức nền tảng trong lĩnh vực chuyên sâu mà người học mong muốn theo đuổi để đạt được.

“Nhu cầu việc làm đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh hay ngành tiếng Anh thương mại chưa bao giờ hết hấp dẫn nên cơ hội việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp rất lớn. Ví dụ, trường chúng tôi có mạng lưới đối tác hơn 250 doanh nghiệp, tập đoàn gồm các lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh doanh, kế toán, du lịch... nên luôn đảm bảo cơ hội thực tập, kết nối việc làm cho sinh viên. Sau khi hoàn thành chương trình học sinh viên có thể được tham gia thực tập có lương và làm việc tại các nước Australia, Canada, New Zealand”, ThS Trần Trung Việt chia sẻ.

Nhưng cơ hội bao giờ cũng song hành cùng thách thức, ThS Trần Trung Việt luôn nhấn mạnh với sinh viên: Để có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực, trong quá trình học sinh viên cần chú trọng thu nạp kiến thức song song với nỗ lực, sẵn sàng thử sức ở nhiều vị trí việc làm khác nhau để trải nghiệm. Biết mình phù hợp với lĩnh vực nào, có năng lực ra sao thì khi tìm kiếm được lĩnh vực chuyên môn phù hợp, sinh viên sẽ có hướng đi, kế hoạch phát triển tốt cho bản thân.

Môi trường việc làm rộng mở

Theo TS Trần Quốc Việt - Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, để tăng cơ hội thực hành, trải nghiệm việc làm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên, Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo Khoa Ngoại ngữ chủ động phối hợp với các khoa, phòng khác trong nhà trường xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tế, ưu tiên đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp để sinh viên tốt nghiệp có thể hòa nhập nhanh vào môi trường đa văn hóa, năng động, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở các vị trí như biên dịch, phiên dịch trong doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao, tổ chức phi chính phủ hoặc giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ hay các cơ sở giáo dục. Công việc hướng dẫn viên, nhân viên truyền thông, tổ chức sự kiện tại các công ty trong nước và quốc tế cũng rất cần những người giỏi ngoại ngữ…

“Chính vì cơ hội việc làm rộng mở, nên ngay sau khi đón mỗi khoá sinh viên mới nhập trường, chúng tôi đều tổ chức khảo sát năng lực, sở trường của các bạn để có định hướng cụ thể từ đầu”, TS Trần Quốc Việt cho biết.

Trường ĐH Thủ đô Hà Nội cũng có bước chuẩn bị bước giậm đà khá tốt cho sinh viên khi xây dựng được mạng lưới cựu sinh viên, thành lập các trung tâm hướng nghiệp xúc tiến việc làm, thành lập Ban Chỉ đạo thực tập thực hành từ cấp trường đến cấp khoa để chỉ đạo công tác kết nối thực hành thực tập cho sinh viên.

Nhà trường cũng ký kết các biên bản hợp tác ghi nhớ đối với các đối tác trong nước và quốc tế nhằm tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội được trải nghiệm thực tế tại các cơ sở thực tập, nhằm ứng dụng những gì đã học vào thực tế. Qua đó, sinh viên tự tích lũy kinh nghiệm phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu, đặc biệt phục vụ cho chính ngành nghề mình đã lựa chọn theo học.

TS Trần Quốc Việt cho biết thêm: “Nhà trường đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác không chỉ trong nước mà còn với các đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Đức, Nhật…. Nhờ vậy, nhiều sinh viên đã thuận lợi hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm”.

TS Trần Quốc Việt lưu ý, đã là sinh viên ngành này thì điều quan trọng suốt quá trình học cần nắm vững chương trình họ#c, xác định và xây dựng định hướng cho từng học phần, tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn các nền văn hóa bản ngữ. Các bạn sinh viên cần đồng thời tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, hội nghị, hội thảo khoa học để tự trang bị những kỹ năng mềm cần thiết hướng đến đạt, trở thành công dân toàn cầu như nắm vững các kỹ năng tư duy phản biện, thuyết trình, làm việc nhóm, tin học văn phòng... Đặc biệt thường xuyên rèn luyện và phát triển 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết.

“Tính đến hết tháng 9/2023, 144 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với hơn 38,3 nghìn dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 455 tỷ USD. Điều này đã tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động và là cơ hội lớn cho sinh viên tốt nghiệp ngành ngôn ngữ tìm kiếm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.