Hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp ngay từ trong trường
Một trong những trường đại học đã xây dựng hệ sinh thái cho sinh viên khởi nghiệp ở nước ta là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Theo chia sẻ của PGS.TS. Đinh Văn Hải - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Công tác hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho sinh viên được nhà trường rất chú trọng. Nhà trường luôn dựa trên những khảo sát thực tế trong sinh viên, doanh nghiệp và thị trường lao động trong tương lai để đưa ra định hướng phù hợp cho sinh viên.
Theo đó, trường đã cụ thể hóa từng khâu trong tuyển sinh, đổi mới tuyển sinh, tăng cường hướng nghiệp cho những bạn học sinh lựa chọn ngành khoa học kỹ thuật. Tìm hiểu đúng về ngành nghề trước khi vào trường thông qua xét tuyển theo kỳ thi tư duy hay phỏng vấn tài năng”.
PGS Hải cho biết thêm: “Khi vào trường, những năm đầu nhà trường đã khảo sát nhu cầu, sở thích của sinh viên để có hoạt động định hướng như: cho sinh viên đi kiến tập tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhằm hiểu rõ và hình dung ngành mình đang học, tính chất công việc sau này.
Đối với năm thứ 3 và 4 nhà trường tăng cường cho đi thực tập, tổ chức các khóa khởi nghiệp để sinh viên được học bổ trợ kiến thức lý thuyết và thực hành tại trường cũng như doanh nghiệp. Mời cựu sinh viên, diễn giả đã thành công để về truyền cảm hứng khởi nghiệp. Nếu đi theo con đường khởi nghiệp thì phải chuẩn bị các kỹ năng như thế nào.
PGS.TS. Đinh Văn Hải - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. |
Năm cuối, nhà trường cung cấp thông tin về thị trường lao động cho sinh viên. Ví dụ: Tốt nghiệp có bạn sẽ thích làm trong lĩnh vực nhà nước, có bạn thích làm cho doanh nghiệp nước ngoài hay có bạn có nhu cầu ra nước ngoài làm việc.
Trên cơ sở đó nhà trường mời cơ quan, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng về trường trao đổi, chia sẻ giúp sinh viên hiểu được bản thân cần chuẩn bị những kỹ năng, hành trang, hồ sơ ra sao? Đồng thời, nhà trường sẽ tổ chức thêm các khóa kỹ năng mềm cho sinh viên năm cuối nhằm thu ngắn khoảng cách khi sinh viên ra đi làm.
“Ngoài ra nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp để các bạn được tiếp xúc, tìm kiếm nhà đầu tư để phát triển ý tưởng của mình. Thời điểm, đại dịch covid-19 bùng phát những hoạt động liên quan đến vấn đề việc làm được linh động tổ chức bằng hình thức online để sinh viên dàng tiếp cận. Nhờ những hoạt động đồng bộ, xuyên suốt đó, dẫu hai năm qua dịch covid-19 căng thẳng nhưng tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường trên 90%”, PGS. Hải nói.
Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao không chỉ trông chờ vào cơ sở GD ĐH mà cần chung tay của các DN, các tổ chức xã hội để giúp cho Ng học có thể hoàn thiện được cả về kiến thức và các kỹ năng.
Không chỉ dừng lại ở những hoạt động hướng nghiệp, nâng cao kỹ năng mềm, kiến thức mà Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã liên kết với nhiều doanh nghiệp để đào tạo sinh viên. Giúp sinh viên tham gia các khóa trải nghiệm môi trường làm việc, công nghệ của các tập đoàn qua đó để rút ngắn thời gian làm quen với công việc, sau khi ra trường có thể bắt tay vào làm được ngay. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giảm thời gian đào tạo cho người mới, giúp cho người học không mất thời gian thử việc.
Sinh viên chủ động tìm kiếm cơ hội
Hiện đang làm sinh viên năm ba của Trường ĐH Ngoại thương, ngành Quản trị kinh doanh nữ sinh Nguyễn Thị Thảo Vân đã có nửa năm kinh nghiệm thực tế làm việc tại một công ty tư nhân.
Thảo Vân chia sẻ: “Hiện nay, gần như bất kể một công ty nào tuyển dụng cũng đòi hỏi yêu cầu về kinh nghiệm dẫu là sinh viên vừa ra trường. Do vậy, em và các bạn của mình rất áp lực.
Mặt khác, hai năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đa phần em học online, do vậy những kỹ năng giao tiếp, những cọ sát thực tế cùng thầy cô hay tham gia các dự án khởi nghiệp phần nào đó bị hạn chế. Để có kinh nghiệm trước khi ra trường đầu năm 2022, em đã xin đi tập sự ở một công ty nhỏ để lấy kinh nghiệm”.
Để tìm kiếm cơ hội đi tập sự, Thảo Vân đã tham khảo ý kiến các anh chị khóa trên, tham gia các câu lạc bộ ở trường nhằm học hỏi thêm các kỹ năng khi đi phỏng vấn, tìm việc. Thảo Vân chia sẻ thêm: “Để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của công ty mình đang tập sự, ngoài kiến thức ở trường thì khả năng tiếng Anh cũng là một lợi thế. Đồng thời, mình phải có kế hoạch sắp xếp thời gian hợp lý giữa việc học và thời gian làm ở công ty thì cơ hội trúng tuyển càng cao.
Bên cạnh đó, quá trình tập sự không chỉ lấy kinh nghiệm, còn được nhận một mức lương nhỏ vừa là động viên, vừa đánh giá năng lực của bản thân”.
Còn Ngô Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Ngay từ khi mới vào trường em đã lên kế hoạch hoàn thành việc học cho mình 3 năm và ra trường sớm. Thời gian năm thứ 4 em muốn dùng để đi xin việc, tập sự tại các công ty”.
Phương Thảo cũng cho biết thêm: “Để thực hiện mục tiêu đề ra không hề dễ dàng, tuy nhiên em sẽ cố gắng. Hiện nay, tiếng Anh là một trong những điểm cộng rất lớn khi đi xin việc nên em cũng cố gắng rèn luyện để ra trường đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng”.
Là sinh viên một ngành kỹ thuật ở Trường ĐH Vinh, Nguyễn Anh Tuấn dẫu mới kết thúc năm ba, nhưng mùa hè này Tuấn quyết định không về quê ở lại trường đi xin học nghề rại một công ty liên quan đến ngành điện mình theo học.
Anh Tuấn cho biết: “Ngành kỹ thuật hiện nay không quá khó khăn để xin việc. Tuy nhiên, để có thể thành thạo nghề cũng như biết được mình đang yếu ở đâu em đã xin đi học việc tại một công ty. Ngoài biết được thực tế, em còn học thêm nhiều phần mềm để thiết kế, lắp ráp hiện các công ty đang sử dụng để về nghiên cứu cho thành thạo”.