Nhu cầu lao động qua đào tạo đại học vẫn tăng

GD&TĐ - Trái ngược với con số hàng trăm ngàn thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp hiện nay, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) cho rằng, nhu cầu lao động qua tốt nghiệp đại học tại thành phố vẫn có xu hướng tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.

Nhu cầu lao động qua đào tạo đại học vẫn tăng

Thêm 10 triệu chỗ làm việc

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Falmi, sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN và các hiệp định thương mại sẽ khiến cho Việt Nam trở thành một thị trường lao động mở, nguồn nhân lực được chia thành 3 tầng trình độ rõ rệt bao gồm:

Tầng chuyên môn trình độ bậc cao bao gồm nhân lực có trình độ cao đẳng, đại học trở lên; tầng chuyên môn trình độ bậc trung tương ứng với nhân lực có trình độ tương ứng là trung cấp, những người có chuyên môn và bậc thấp là những lao động mới qua đào tạo sơ cấp nghề hoặc chỉ được đào tạo trực tiếp trong quá trình làm việc.

Tính chung trong 10 nước ASEAN, các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo, người lao động bậc trung vẫn chiếm tỷ trọng tuyệt đối trong cơ cấu lao động sau hội nhập với tốc độ tăng trưởng 24% tương ứng 38 triệu chỗ làm việc; nguồn nhân lực chất lượng thấp tăng khoảng 22% tương ứng 12,4 triệu chỗ làm việc.

Đáng chú ý, dù không chiếm tỷ trọng lớn nhưng nhu cầu về lao động trình độ bậc cao lại có dự báo về tốc độ tăng trưởng nhanh nhất lên tới 41% với khoảng 10 triệu chỗ làm việc.

Dự báo của Falmi, nhu cầu nguồn lao động có trình độ đại học trở lên cũng có mức tăng trưởng nhanh nhất tại thị trường lao động TPHCM trong giai đoạn 2015 - 2025.

Theo tính toán, với sự phát triển chung của TP HCM, tỷ trọng bình quân lao động qua đào tạo trình độ đại học mỗi năm khoảng 12 - 15%, trình độ cao đẳng từ 15 - 18%; trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm tỷ trọng 35 - 40%, còn lại là sơ cấp nghề. Hiện trên thế giới, tỷ lệ qua đào tạo là 1 trình độ đại học, cao đẳng/10 trình độ trung cấp, sơ cấp, thợ lành nghề.

Hiện Việt Nam đang cố gắng để đạt tỷ lệ này ở mức 1/3, nhằm cân đối cơ cấu nguồn nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng lao động. Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các chính sách đào tạo phù hợp để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.

Theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP HCM vừa qua, từ nay đến năm 2020, mỗi năm thành phố sẽ cần thêm 125.000 việc làm mới, các ngành nghề phát triển sẽ tập trung vào 4 ngành chủ lực gồm Công nghệ thông tin - điện tử; cơ khí - hóa chất; Chế biến thực phẩm và Công nghệ dệt may.

3 yếu tố “hài hòa”

Theo nghiên cứu của Falmi, thị trường lao động TPHCM đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất và kinh doanh.

Tuy nhiên, nghịch lý là thành phố luôn rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực chất lượng cao cho các ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Thời kỳ hội nhập mở ra nhiều cơ hội việc làm và những yêu cầu cao hơn đối với người lao động. Theo đó, với tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng cùng với kiến thức chuyên môn.

Doanh nghiệp luôn “khát” nhân lực hài hòa 3 yếu tố: Kiến thức nghề, kỹ năng nghề và thái độ đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, trách nhiệm… Ba vấn đề thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam mà chúng ta cần quan tâm là: Kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp.

Đối với trình độ ngoại ngữ, theo khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) công bố năm 2015, chỉ có 49,3% sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu kỹ năng tiếng Anh. Về tác phong công nghiệp, các chuyên gia cho rằng:

Dù sinh viên mới ra trường đã ý thức được tầm quan trọng của kỹ năng mềm, tuy nhiên vẫn còn một số đáng kể các sinh viên thiếu chuyên nghiệp trong công việc, thiếu ý thức trong tuân thủ các nguyên tắc làm việc.

Ngân hàng Thế giới đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.