Nhóm trẻ em có nguy cơ mắc cúm nặng

GD&TĐ -Một số trẻ em có nguy cơ cao hơn khi nhiễm cúm. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để được tiêm chủng. Trong khi đó, tỷ lệ trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi bị nhiễm cúm thường cao hơn các lứa tuổi khác.

Khả năng bị cúm sau tiêm vắc-xin là có nhưng thấp.
Khả năng bị cúm sau tiêm vắc-xin là có nhưng thấp.

Triệu chứng bệnh nặng

Thời tiết thay đổi thất thường khiến sức đề kháng của chúng ta giảm, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi. Trẻ em dưới 5 tuổi và người có bệnh nền mãn tính như tiểu đường, suy thận… hay phụ nữ đang mang thai có nguy cơ mắc cúm cao. Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh dịch cúm bùng phát trái mùa, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác.

Bác sĩ Phí Văn Công - Khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho biết, tùy vào chủng cúm trẻ nhiễm mà có triệu chứng và biến chứng khác nhau. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là dưới 2 tuổi có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến cúm cao hơn trẻ lớn và người lớn. Đa phần, trẻ nhiễm cúm đều có thể sốt cao và mệt.

Các biến chứng của bệnh cúm ở trẻ em trong độ tuổi này có thể bao gồm: Mất nước, làm nặng thêm các bệnh đã mắc từ trước như bệnh tim hoặc hen suyễn, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm cơ tim.

“Yếu tố thời gian (mùa) đối với bệnh cúm là vô cùng quan trọng. Cúm thường xuất hiện từ giai đoạn chuyển mùa từ thu sang đông, qua mùa đông và kéo dài đến mùa xuân năm sau. Tuy nhiên, năm nay, cúm lại xuất hiện và bùng nổ giữa mùa hè. Đó cũng là điều khác biệt và khó khăn.

Các triệu chứng của bệnh cúm bao gồm sốt, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau mình, nhức đầu và mệt mỏi. Một số người cũng có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, thường xảy ra ở trẻ em hơn người lớn. Đặc biệt, một số trẻ có thể bị nhiễm cúm và có các triệu chứng về đường hô hấp nhưng không bị sốt”, bác sĩ Công giải thích.

Theo chuyên gia này, một số dấu hiệu cảnh báo nặng của bệnh cúm gồm thở nhanh hoặc khó thở, xương sườn, hõm ức kéo vào theo từng nhịp thở, môi hoặc mặt hơi xanh.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể là: Tức ngực, li bì, đau cơ dữ dội, có dấu hiệu mất nước, sốt cao trên 40 độ C, co giật. Tình trạng sốt hoặc ho của trẻ có thể cải thiện, nhưng sau đó trở lại hoặc trầm trọng hơn. Tình trạng bệnh mãn tính cũng có thể tồi tệ hơn.

Bác sĩ Công lưu ý, một số trẻ em có nguy cơ cao hơn khi nhiễm cúm. Trẻ em dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để được tiêm chủng. Cách tốt nhất để bảo vệ những trẻ này là cha mẹ tiêm phòng cúm trước/trong/sau khi mang thai. Những người xung quanh cũng được khuyến cáo tiêm phòng.

Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi bị nhiễm cúm cao hơn các lứa tuổi khác. Ở độ tuổi này, hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chưa biết cách tự chăm sóc và bảo vệ bản thân. Do đó, trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên nên được tiêm phòng cúm hàng năm.

Thời điểm tiêm phòng

Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM - cho rằng, tiêm vắc-xin hàng năm là bước đầu tiên và quan trọng nhất để ngăn chặn bệnh cúm.

Chuyên gia dẫn chứng, vắc-xin cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm. Đồng thời, có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy vắc-xin an toàn và hiệu quả trong dự phòng bệnh cúm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêm ngừa vắc-xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh liên quan đến cúm và giảm tỉ lệ tử vong do cúm đến 70 - 80%. Do đó, khả năng bị cúm sau tiêm vắc-xin là có nhưng thấp. Bệnh cũng thường nhẹ hơn sau tiêm chủng.

“Khoảng 2 tuần sau khi tiêm vắc-xin, hệ miễn dịch mới tạo nên kháng thể bảo vệ khỏi bệnh. Do đó, vắc-xin cúm nên được tiêm ngừa trước khi mùa cúm bắt đầu. Ở miền nhiệt đới, cúm có thể xảy ra quanh năm, nên tiêm phòng lúc nào cũng được.

Ở Việt Nam, tốt nhất nên tiêm vắc-xin cúm vào khoảng tháng 9 - 10 hằng năm. Tuy nhiên, vắc-xin cúm vẫn có thể tiêm vào bất cứ lúc nào trong mùa cúm, thông thường từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau”, bác sĩ Tưởng cho biết.

Theo ThS.BS Đào Trường Giang - chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), không phải tất cả trẻ tiếp xúc với virus cúm đều sẽ mắc bệnh. Trẻ khỏe mạnh nhiễm virus cúm hoàn toàn có thể chống lại và không có biểu hiện bệnh. Việc điều trị cúm sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, biến chứng cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ. Mục tiêu của điều trị là giảm bớt các triệu chứng và điều trị biến chứng nếu có.

“Thuốc kháng virus như Tamiflu có thể được sử dụng trong trường hợp cần thiết. Không phải tất cả các bé bị cúm đều cần dùng Tamiflu. Kháng sinh không có hiệu quả chống lại cúm. Uống nhiều nước, nghỉ ngơi, dinh dưỡng đầy đủ góp phần cải thiện tình trạng bệnh”, bác sĩ Giang khuyến cáo.

Để hạn chế lây lan trong trường hợp mắc cúm, bác sĩ Giang cho biết nên che mũi và miệng bằng khuỷu tay hoặc khăn khi ho, hắt hơi. Đeo khẩu trang khi bị cúm. Lưu ý, không hôn, đặc biệt là môi trẻ, nhất là khi nghi ngờ cúm. Đồng thời, rửa tay thường xuyên, đặc biệt trước và sau khi chăm sóc cho trẻ bị cúm. Làm sạch các dụng cụ, bề mặt mà người mắc cúm và người khác có thể chạm vào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.