Nhóm sinh viên thử nghiệm hệ thống logistics thu gom rác hữu cơ

GD&TĐ - Chủ trương của Nhà nước đang khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, đồng thời đẩy mạnh công nghệ tái chế rác thải hữu cơ từ trùn quế.

Nhóm sinh viên nghiên cứu tối ưu đường vận chuyển rác hữu cơ.
Nhóm sinh viên nghiên cứu tối ưu đường vận chuyển rác hữu cơ.

Dự án “Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ” của nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM) nhằm giúp thu gom và phân bố rác hữu cơ từ các đơn vị vận chuyển, đơn vị thu gom, các tổ chức xử lý đến các hộ dân thông qua phần mềm.

Tối ưu hóa đường vận chuyển rác

Đội LogiOT gồm sáu sinh viên chương trình Chất lượng cao: Lê Bách Thảo (ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường), Nguyễn Thế Bình (ngành Kỹ thuật Máy tính), Nguyễn Vũ Bích Ngọc, Thái Thị Minh Trâm, Tô Hữu Tín (ngành Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng), Hoàng Việt Khánh (ngành Kỹ thuật Xây dựng) và ba SV chương trình Đại trà: Đào Gia Minh (ngành Logistics và Quản lý Chuỗi Cung ứng), Trần Lan Anh (ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp), Võ Tấn Thịnh (ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường), Đại học Bách khoa TPHCM.

Hệ thống Logistics tối ưu cho tái chế hữu cơ là một hệ thống giúp quản lý các hoạt động thu gom và vận chuyển rác thải hữu cơ với chi phí vận chuyển tối ưu hóa bằng mô hình Logistics tích hợp IoT. Dự án nhằm khuyến khích và nâng cao ý thức phân loại rác thải tại nguồn của người dân và hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước đang khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, đồng thời đẩy mạnh công nghệ tái chế rác thải hữu cơ từ trùn quế cũng như biến động về giá năng lượng toàn cầu thúc đẩy đội LogiOT đến với ý tưởng này.

Vấn đề của đội nghĩ đến là cần một giải pháp tối ưu cho quá trình phân loại, vận chuyển và xử lý rác thải. Tuy nhiên, để thực hiện cả ba công đoạn này cần rất nhiều công sức nên đội quyết định thu hẹp phạm vi dự án, chỉ giải quyết một vấn đề duy nhất và cũng là quan trọng nhất, đó là vận chuyển.

Vũ Bích Ngọc, trưởng nhóm, cho biết, hiện tại nhiều người dân có nhu cầu phân loại và xử lý rác hữu cơ, nhiều doanh nghiệp cũng muốn thu gom và tận dụng nguồn rác hữu cơ nhưng hai bên hiện khó gặp được nhau.

Điều này khiến nhiều hộ dân phân loại rác hữu cơ xong cũng không biết phải làm gì. Một số đã từ bỏ việc thu gom rác. Bích Ngọc chia sẻ hiện ứng dụng của nhóm đang chạy những phiên bản đầu tiên trên website. Những người dân có nhu cầu có thể truy cập để được hướng dẫn cách phân loại rác.

Đến khi muốn “dọn” rác hữu cơ này, họ chỉ cần điền thông tin địa chỉ, số điện thoại, khối lượng rác đang có. Hệ thống sẽ ghi nhận yêu cầu và kết nối với một hay nhiều đơn vị cũng đang có nhu cầu tìm rác hữu cơ đến tận nhà thu gom.

“Hệ thống đã được thử nghiệm ở huyện Củ Chi (TPHCM). Một trang trại nuôi trùn quế đã sử dụng ứng dụng của tụi mình để thu gom rác hữu cơ từ những người dân trong khu vực để về ủ phân trùn quế. Phần mềm cũng sẽ lên được lộ trình thu gom cho trang trại này sao cho tiện đường nhất”, Bích Ngọc nói.

Sẽ mở rộng thu gom ở nhiều địa bàn

Ngọc cho biết bước tiếp theo của dự án sẽ là cho ra nâng cấp phiên bản hệ thống. Đồng thời, dự án sẽ dần mở rộng ra thêm các khu vực ở Củ Chi và tiếp tục đến những quận, huyện khác. Khi lên ý tưởng cho dự án này, giá xăng ở Việt Nam tại thời điểm đó là hơn 33 ngàn đồng/lít nên mục tiêu chính là tối ưu tuyến đường vận chuyển của xe thu gom đến điểm tập kết rác thải, trực tiếp giảm thiểu lượng xăng tiêu thụ và thời gian vận chuyển.

TS Võ Thanh Hằng (Khoa Môi trường và Tài Nguyên) nhận xét, đây là một dự án có tiềm năng, phù hợp với chúng ta và quá trình chuyển đổi số hiện nay. Dự án còn phù hợp với mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.

Với phần mềm trên, rác hữu cơ có thể dễ dàng thu thập từ các hộ dân đến các trang trại. Tất cả chất thải hữu cơ sẽ được thu gom từ gia đình, sau đó được làm thức ăn cho trùn quế, theo đó, phân hữu cơ giá rẻ nhiều dinh dưỡng sẽ được mang đến các trang trại trồng rau.

Trong quá trình thực hiện dự án, nhóm sinh viên cũng gặp một số khó khăn nhất định. Dự án hiện tại mới chỉ bước đầu thử nghiệm nên chưa được sử dụng rộng rãi. Để phát triển dự án, nhóm sẽ tập trung nâng cấp phiên bản lẫn giao diện cho hệ thống trong thời gian tới.

Nhóm sẽ cải tiến các tính năng và giao diện cho hệ thống. Cùng với đó, việc mở rộng dự án vận hành trên phạm vi toàn thành phố chính là một mục tiêu ngắn hạn trong năm tiếp theo.

TS Võ Thanh Hằng cho biết, dự án cần sự đồng thuận của người dân cùng với đơn vị vận chuyển. Từ đó, hệ thống sẽ tối ưu hóa để giảm chi phí vận chuyển, giảm được thời gian di chuyển trên các tuyến đường để đưa rác thải đến các cơ sở tái chế, trùn quế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...