Nhộm nhoạm tại các trung tâm luyện thi Hồng Kông

GD&TĐ - Tại một thành phố chưa tới 20% thí sinh có thể lọt qua cánh cổng trường đại học công lập, mức độ cạnh tranh của học sinh THPT Hồng Kông (Trung Quốc) là vô cùng khắc nghiệt.  

Nhộm nhoạm tại các trung tâm luyện thi Hồng Kông

Thầy bắt mắt để trò khỏi… ngủ gật

Đối với học sinh Hồng Kông, điểm thi tú tài (DSE) sẽ quyết định có đỗ trường đại học công lập hay không, cũng như vào được trường tốp đầu hay tốp dưới. Nút “thắt cổ chai” vào đại học công lập là cơ hội vàng cho ngành dạy thêm ăn nên làm ra.

Alan Chan, còn được biết tới với biệt danh “thượng đế Anh ngữ”, dạy tại King"s Glory Education, một trung tâm luyện thi nổi tiếng tại Hồng Kông. Hơn 200 học sinh tham gia trong mỗi giờ dạy của Alan. Học sinh không chỉ ngồi chật kín phòng học mà dăm em còn ngồi ra cả hành lang. Những em ngồi ngoài hành lang quan sát thầy dạy qua màn hình trực tiếp.

“Tiết học của tôi chỉ tập trung luyện thi. Tôi không dạy gì khác ngoài kĩ năng làm bài thi” - Alan Chan cho biết.

Theo Alan, hầu hết học sinh đến lớp luyện thi sau một ngày dài học tại trường chính khóa, vì thế làm sao khiến các em giữ được sự tập trung là điều cốt yếu. Bí quyết của Alan là thay đổi hình ảnh bản thân và phong cách giảng dạy 6 tháng/lần. Thay đổi hình ảnh bản thân được Alan thực hiện toàn diện, từ đầu tóc, áo quần, mũ, kính… bắt chước theo các thần tượng K-pop, hay J-pop của giới trẻ..

Đã hết thời hoàng kim

Xu hướng “phong cách hoá” bản thân là sự lựa chọn tất yếu của giáo viên luyện thi. Tại Hồng Kông, 2 giáo viên luyện thi được mệnh danh là “ông vua” Richard Eng và “nữ hoàng gia sư” Kelly Mok được học sinh hâm mộ không khác gì những ngôi sao điện ảnh. Gia sư 26 tuổi, Kelly Mok cho biết: “Trong trường học, tất cả các giáo viên đều giống nhau khiến học sinh không có hứng thú. Để trở thành một gia sư hàng đầu, bạn nên là một người trẻ và hấp dẫn, bởi học sinh sẽ nhìn vào ngoại hình của bạn”. Cô Kelly Mok xinh đẹp, thời thượng chẳng kém một ngôi sao ca nhạc.

Hình ảnh các nam giáo viên mặc quần jean bó, áo phông xám, đeo thắt lưng hiệu Gucci, còn các nữ giáo viên dùng túi xách hiệu Louis Vuitton, diện váy ngắn, đi giày cao gót… đã trở nên phổ biến. Họ sống sung túc trong biệt thự triệu đô, đi xe hạng sang. Không chỉ diện quần áo và phụ kiện thời trang khi đứng lớp, các gia sư này còn luôn biết làm mới mình để xuất hiện trên biển quảng cáo và trên truyền hình. Hình ảnh của họ xuất hiện ở khắp mọi nơi vô cùng bắt mắt.

Đối với những giáo viên dạy thêm thành công, phần thưởng cho họ cũng xứng đáng. Mặc dù không phải là giáo viên được trả thù lao cao nhất tại trung tâm, Alan cũng không cách quá xa người số 1. “Những giáo viên hàng đầu của trung tâm thu nhập khoảng 2 triệu HK$/tháng, hoặc 24 triệu HK$ (3 triệu USD)/năm” - F Shum, Giám đốc quản lí King"s Glory Education cho biết.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp luyện thi tại Hồng Kông hiện tại đã không còn ở thời kì hoàng kim. Doanh số nguồn thu từ dạy thêm tại Hồng Kông đã giảm 40% trong 3 năm do giảm tỉ lệ sinh và hệ thống thi cư đơn giản hoá gần đây. Những trung tâm luyện thi như King"s Glory Education có thể sẽ chuyển hướng kinh doanh sang Trung Quốc đại lục trong thời gian tới.

Có quá nhiều cơ sở luyện thi truyền thống ở Hồng Kông khiến học sinh không biết chọn ai. Bởi vậy một thế hệ những “ông vua” hay “nữ hoàng gia sư” đã ra đời. Để trở nên nổi tiếng, họ luôn làm mới mình, không còn là những giáo viên “truyền thống” mà đi theo phong cách của những ngôi sao, khiến cho học sinh thần tượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ