Nhóm nguy cơ gặp biến chứng khi mắc cúm A

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.

Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Bệnh nhân điều trị cúm A tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Bệnh chuyển thành ác tính

Việt Nam hiện ghi nhận sự gia tăng ca mắc cúm. Theo Bộ Y tế, hằng năm, nước ta ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc virus cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng tăng vào thời điểm chuyển hè - thu, đông - xuân.

Tuy nhiên, năm nay, cúm gia tăng bất thường vào mùa hè. Cùng lúc 2 bệnh truyền nhiễm là Covid-19 và cúm song hành. Tuy nhiên, người dân hiện nay khá chủ quan, đi đến nơi đông người, nơi có nguy cơ cao hầu như không đeo khẩu trang.

Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây nên bởi virus A, B, C, trong đó thường gặp nhất ở người là chủng cúm A và B. Cúm có thể lây lan thành dịch và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe dù ở bất cứ độ tuổi nào.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, thời gian gần đây, Hà Nội ghi nhận sự gia tăng bất thường của số lượng bệnh nhân mắc cúm A. Đây là căn bệnh lành tính và có thể tự khỏi trong một tuần. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện, chữa trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.

“Hầu hết, người bệnh mắc cúm A có thể hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và tử vong do bệnh chuyển thành ác tính. B

iến chứng viêm phổi do cúm A gây ra thường gặp ở nhóm là trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, bệnh còn gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu”, PGS Nga cho biết.

Ngoài ra, một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt, biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là gây phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong rất cao.

Phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A có thể gặp biến chứng viêm phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu mang thai, thai nhi có thể gặp biến chứng, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương,

“Các biến chứng nghiêm trọng khác do cúm gây ra có thể bao gồm viêm cơ tim, viêm não hoặc các mô cơ (viêm cơ, tiêu cơ vân) và suy đa cơ quan, như suy hô hấp và suy thận. Nhiễm virus cúm đường hô hấp có thể kích hoạt phản ứng viêm cực đoan trong cơ thể và có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, phản ứng đe dọa tính mạng của cơ thể đối với nhiễm trùng”, chuyên gia cảnh báo.

Yếu tố tăng khả năng phát triển bệnh

Trước đó, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, cúm chủ yếu 2 chủng là H3N2 và H1N1. Đây là những chủng đã có vắc-xin để dự phòng. Đến nay, hệ thống giám sát chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8.

“Số nhập viện xu hướng tăng. Để phòng chống bệnh này, chúng ta cần tăng cường giám sát phát hiện các chủng mắc, ổ mắc, xác nhận tác nhân gây bệnh, chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tốt công tác phân tuyến điều trị, phân luồng khám sàng lọc để tăng hiệu quả khám chữa bệnh”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, một số nhóm người có các yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển bệnh cúm A hoặc gặp biến chứng. Trong đó, trẻ nhỏ và người cao tuổi có nguy cơ cao mắc cúm A. Ngoài ra, những người sống hoặc làm việc ở nơi đông đúc như viện dưỡng lão hoặc doanh trại quân đội... có nhiều khả năng bị cúm.

Bên cạnh đó, người có hệ thống miễn dịch suy yếu cũng có nguy cơ cao với cúm A. Lý giải về điều này, PGS Nga cho biết, phương pháp điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, corticosteroid và HIV/AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của người bệnh. Khi cơ chế bảo vệ cơ thể bị yếu, con người sẽ dễ mắc bệnh cúm hơn. Từ đó, tăng nguy cơ phát triển các biến chứng của cúm.

“Người bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc các vấn đề về tim, có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cúm. Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng phát triển các biến chứng cúm, đặc biệt là trong 6 tháng sau của thai kỳ. Vì vậy, nên tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi có thai 1 tháng hoặc định kỳ hằng năm”, PGS Nga khuyến cáo.

Để phòng bệnh cúm A đang tăng bất thường, chuyên gia khuyến cáo, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà.

Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ nhỏ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày… Người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.