Những triệu chứng của bệnh cúm A dễ nhầm lẫn với cúm thông thường

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cúm A xuất hiện vào mùa hè khiến nhiều người lo ngại, nhất là khi học sinh sắp trở lại trường học. Đáng nói, cúm A dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng của các bệnh cúm thông thường hay Covid-19.

Bệnh cúm A là một bệnh dịch có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Ảnh minh họa.
Bệnh cúm A là một bệnh dịch có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Ảnh minh họa.

Những cách điều trị sai lầm khiến bệnh không những không được cải thiện mà còn trầm trọng hơn.

Phân biệt triệu chứng

Chị Lê Thảo Trang (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, con trai chị đi mẫu giáo và hiện có nhiều bạn cùng lớp có biểu hiện sốt cao phải nghỉ học. Điều này khiến chị lo lắng về sự lây lan nếu tiếp tục cho con đến trường. Trong khi những triệu chứng của trẻ khó để phân biệt được là cúm A hay Covid-19 khi cả 2 dịch này đang đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi.

Bác sĩ Lê Thị Nhung, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, người dân dễ nhầm lẫn triệu chứng của cúm A với bệnh khác như cúm thường hay Covid-19. Vì vậy, cần nắm rõ các biểu hiện để có phương pháp điều trị kịp thời. Cúm thường và cúm A có các triệu chứng gần giống nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng đặc thù của mỗi bệnh.

Triệu chứng của người mắc cúm thường là chảy nước mũi, hắt hơi nhiều có khi liên tục, nghẹt mũi, sổ mũi và nhức đầu, ho kèm sốt nhẹ, người mệt mỏi, nhức cơ nhẹ. Các triệu chứng bệnh cảm cúm thông thường chỉ dừng ở mức độ nhẹ và dễ điều trị, chóng khỏi trong vài ba ngày, đôi khi một tuần. Nếu được kê thuốc và điều trị chính xác sẽ nhanh khỏi và hầu như không để lại biến chứng gì.

Còn những người mắc cúm A ban đầu có thể có những biểu hiện như bệnh cúm thường đã nói ở trên. Ngoài ra, người bệnh còn có một số triệu chứng điển hình sau ho, đau đầu, sưng hạch hầu họng, viêm, đau nhức vòm họng, sốt cao trên 38,5 độ và kéo dài. Cùng với đó, cơ thể mệt mỏi, đau nhức xương, cơ nặng, tê bì chân tay, buồn nôn, nôn mửa thường thấy ở trẻ em, nhiều khi bệnh nặng sẽ có cảm giác khó thở, viêm phổi.

Rất khó phân biệt cúm thường và cúm A thông qua mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Cần xem xét kỹ lưỡng các triệu chứng bệnh kết hợp với các chẩn đoán cận lâm sàng xác định được là bệnh cúm thường hay cúm A để sớm có hướng xử lý kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Nhung, vì một số triệu chứng của bệnh cúm, Covid-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt. Vì vậy, chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và Covid-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của Covid-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm.

Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và Covid-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ. Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc Covid-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho.

Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi như nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy trong Covid-19.

Đồng thời, mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kỳ tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột thường được nghi ngờ là dương tính với Covid-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.

Chủ động phòng tránh lây lan

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong. Do đó, ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, triệu chứng viêm long đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có kế hoạch điều trị phù hợp.

Theo nhiều chuyên gia, với Covid-19, trẻ em không nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Trong khi đó, trẻ dưới 5 tuổi lại là nhóm dễ nhiễm cúm và nguy cơ biến chứng từ cúm mùa rất cao.

Khi chúng ta quá sợ hãi và tập trung vào việc phòng ngừa sự lây nhiễm của virus gây Covid-19, những virus gây bệnh truyền nhiễm khác vẫn âm thầm lây lan, chờ thời cơ bùng phát.

Thời gian ủ bệnh của cúm A dài hơn bệnh cúm mùa thông thường. Bệnh có thể ủ từ 2 - 8 ngày và có thể kéo dài lên đến 17 ngày. Tuy nhiên, phơi nhiễm nhiều lần với virus có thể dẫn đến việc khó xác định chính xác thời gian ủ bệnh của bệnh nhân. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, thời kỳ ủ bệnh 7 ngày áp dụng cho việc điều tra và theo dõi những người từng có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm cúm A.

Nếu được phát hiện và kịp thời điều trị, người mắc bệnh cúm A có thể khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày. Sau 5 ngày, bệnh nhân thường hết sốt, sổ mũi và đau đầu. Tuy nhiên, ho và mệt mỏi có thể còn tiếp tục kéo dài. Tất cả các triệu chứng của bệnh thường biến mất hoàn toàn sau khoảng 1 - 2 tuần.

Theo bác sĩ Lê Thị Nhung, người bị cúm A nên nghỉ ngơi và sinh hoạt trong phòng riêng tối thiểu là 7 ngày, tính từ ngày xuất hiện các triệu chứng của bệnh cho đến 24 giờ sau khi các triệu chứng của bệnh không còn. Mọi sinh hoạt của người bệnh, kể cả ăn uống và đi tắm, đi vệ sinh cũng nên thực hiện trong phòng cách ly.

Phòng này cần được bố trí thông thoáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Trường hợp phòng không có nhà tắm, nhà vệ sinh thì khi ra ngoài để vệ sinh cá nhân, người bệnh phải đeo khẩu trang che kín miệng, mũi và rửa tay sạch sẽ sau mỗi lần đi vệ sinh.

“Bệnh cúm A là một bệnh dịch có khả năng lây nhiễm cao trong cộng đồng. Chủ động phòng tránh, ngăn ngừa sự lây lan của cúm A cũng cần được đề cao như cuộc chiến chống Covid-19”, bác sĩ Nhung nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.