Nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững

GD&TĐ - Chiều 15/6, ĐHQGHN tổ chức Hội nghị Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thường niên năm 2023.

Nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.
Nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững.

Hội nghị do Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn và Trưởng ban Khoa học – Công nghệ ĐHQGHN Vũ Văn Tích đồng chủ trì. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, một số Sở KH&CN địa phương, cùng đông đảo cán bộ phụ trách hoạt động KH&CN ở các đơn vị thành viên và trực thuộc ĐHQGHN.

Sứ mệnh tiên phong

Phát biểu khai mạc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết: Năm 2023 được ĐHQGHN xác định là năm đột phá về hoạt động KH&CN. Với định hướng phát triển KHCN tạo động lực gia tăng các chỉ số phát triển bền vững, ĐHQGHN đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ các nhà khoa học, tạo động lực thúc đẩy phát triển các tiềm lực KHCN và đổi mới sáng tạo. Các chính sách của ĐHQGHN ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu có công bố tốt và các chương trình/đề tài KHCN trọng điểm quốc gia.

"Lĩnh vực KH&CN nói riêng và các lĩnh vực hoạt động khác nói chung cần tiếp tục đổi mới, triển khai các chính sách đột phá, trước hết là cải cách hành chính, đổi mới chính sách đầu tư cho hoạt động KH&CN; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) đạt trình độ khu vực và quốc tế, làm hạt nhân tăng cường năng lực KH&CN của ĐHQGHN, gắn các nhóm NCM với phát triển đội ngũ; thu hút và đẩy mạnh gắn kết hợp tác với doanh nghiệp, địa phương để đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào đời sống, phục vụ trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội". - Giám đốc Lê Quân nhấn mạnh.

Giám đốc Lê Quân: Tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Giám đốc Lê Quân: Tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu mạnh để giải quyết các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng: Với vai trò và sứ mệnh của mình, ĐHQGHN cần có những đóng góp tích cực nhằm tham gia triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược này trong các chiến lược, kế hoạch hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN. Trong năm 2023 và giai đoạn tới, ĐHQGHN cần tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra.

"Trong đó quan tâm đến thúc đẩy thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia mà ĐHQGHN đang chủ trì thực hiện, huy động các nguồn lực để đầu tư cho hoạt động KH&CN, chủ động trong khung khổ pháp luật cho phép để thúc đẩy đổi mới các phương thức triển khai hoạt động KH&CN, nhất là hoạt động thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN" - Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ.

Yêu cầu cấp thiết

Nêu quan điểm sự cần thiết của ban hành chính sách, PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng Ban KHCN, ĐHQGHN cho biết: Thời gian vừa qua, các cơ chế, chính sách quản lý hoạt động KH&CN được ĐHQGHN ban hành, tạo hành lang pháp lý và phát triển sản phẩm KH&CN như: Quy định về quản lý tài sản trí tuệ ở ĐHQGHN; Hướng dẫn về phát triển và ưu đãi nhóm nghiên cứu mạnh; Chính sách hỗ trợ công bố quốc tế; Quy định về công nhận, quản lý và phát triển phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN.

Đặc biệt, ngày 8/2/2022, ĐHQGHN ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN, giai đoạn 2021-2030. Đây là văn bản pháp lý hết sức quan trọng nhằm định hướng phát triển KH&CN của ĐHQGHN trong thời gian tới lên một tầm cao mới, đồng thời là đột phá chiến lược để phát triển ĐHQGHN trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo.

Nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành và nhà khoa học của ĐHQGHN thể hiện trách nhiệm cao.

Nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành và nhà khoa học của ĐHQGHN thể hiện trách nhiệm cao.

ĐHQGHN cũng đã ban hành chủ trương hỗ trợ tài chính đối với cán bộ khoa học trẻ. Đây là một trong những chính sách đột phá nhằm nâng cao thu nhập cho cán bộ khoa học trẻ yên tâm công tác, tập trung vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học để tăng số lượng, chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo của ĐHQGHN.

Là trưởng nhóm NCM cấp ĐHQGHN, GS.TS Nguyễn Thanh Hải - Trường Đại học Y Dược, ĐHQGHN cho biết, việc hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống các doanh nghiệp spin-off trong trường đại học giúp phát triển các nguồn lực KHCN và gia tăng ảnh hưởng xã hội. Năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, và thành lập các doanh nghiệp spin – off của các nhà khoa học ở ĐHQGHN là rất lớn. Đây chắc chắn là các nguồn lực chất lượng cao, bền vững phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển quốc gia.

Ưu tiên nguồn lực

Kết luận hội nghị, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đưa ra đánh giá, so với tương quan đầu tư vào KH&CN của ĐHQGHN với các sản phẩm KH&CN năng suất lao động rất cao. Các chương trình KH&CN trọng điểm ĐHQGHN đang triển khai phù hợp với chiến lược phát triển KH&CN quốc gia, bám sát quy hoạch các địa phương. Việc phát triển các nhóm NCM, nhóm nghiên cứu tiềm năng, bồi dưỡng nhà khoa học trẻ đều hướng tới mục tiêu tập trung vào lĩnh vực ưu tiên của quốc gia để có nguồn nhân lực tổ chức triển khai.

Các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ, đồng hành cũng các hoạt động nghiên cứu của ĐHQGHN.

Các doanh nghiệp cam kết hỗ trợ, đồng hành cũng các hoạt động nghiên cứu của ĐHQGHN.

Các nhóm NCM đang làm tốt vai trò thu hút và bồi dưỡng cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên hướng đi này cần phải có sự kết nối trong và ngoài nước. Cần cam kết sản phẩm nghiên cứu và ĐHQGHN sẽ tiến hành đánh giá định kỳ 3 năm/lần làm cơ sở để hỗ trợ cấp kinh phí. Trong Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, ĐHQGHN xác định ưu tiên tập trung vào các chương trình, nhiệm vụ KH&CN hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, hướng tới triển khai sản phẩm KH&CN ứng dụng vào thực tiễn, phát triển sinh kế của người dân.

"ĐHQGHN rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư để cùng nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên nguyên tắc đối ứng. ĐHQGHN khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm và cam kết tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, cơ chế chính sách. Việc ĐHQGHN hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cũng góp phần mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế quốc gia" - Giám đốc Lê Quân bày tỏ mong muốn.

Tại hội nghị, ĐHQGHN đã công bố danh sách 9 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp ĐHQGHN giai đoạn 2023-2028, 30 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN; công bố hỗ trợ 6 nhóm nghiên cứu mạnh/phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm phát triển sản phẩm; công bố hỗ trợ 8 nhà khoa học có công bố xuất sắc và thu hút nhà khoa học về làm việc tại ĐHQGHN.

Giám đốc ĐHQGHN đã trao tặng Bằng khen cho 4 phòng thí nghiệm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm, 8 nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN và 75 nhà khoa học đạt thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo năm 2022. Các doanh nghiệp đã hỗ trợ, thỏa thuận hợp tác và cam kết đầu tư cho các dự án phát triển ĐHQGHN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.