Nhóm bạn trẻ đã nghiên cứu, sản xuất thành công kính thông minh dành cho người khiếm thị, với nhiều tính năng hữu ích như: Nhận dạng tiền mặt, mô tả không gian, hỗ trợ tra cứu thông tin...
Hỗ trợ đọc văn bản, phát hiện vật cản
Mắt kính thông minh dành cho người khiếm thị là sản phẩm của các tác giả đến từ Quỹ Tâm nguyện Việt. Họ là học sinh, sinh viên ở các trường học, trường đại học khác nhau: Đào Anh Hào, Trịnh Quốc Huy (Lâm Đồng), Phạm Mai Mẫn Nhi (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM).
Trưởng nhóm Đào Anh Hào cho biết, theo thống kê, hiện nay Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém, 1/3 trong số đó là những người không có điều kiện kinh tế.
Với mong muốn giúp người khiếm thị giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống, nhóm đã nghiên cứu sản xuất thành công kính thông minh dành cho người khiếm thị, với nhiều tính năng hữu ích như: Nhận dạng tiền mặt, mô tả không gian, hỗ trợ tra cứu thông tin...
Mắt kính thông minh gồm các thiết bị: Bộ điều khiển cầm tay và mắt kính được kết nối qua dây. Cụ thể, bộ điều khiển cầm tay gồm: Pin, nút nhấn, công tắc nguồn, máy tính Raspberry Pi Zero, và mạch sim.
Mắt kính gồm: Cảm biến khoảng cách, camera, micro, mạch âm thanh kèm loa hoặc tai nghe, và động cơ rung. Bộ điều khiển cầm tay là vỏ được in 3D bằng nhựa để người sử dụng cầm tay hoặc đeo vào túi.
Trong bộ điều khiển cầm tay có máy tính Raspberry Pi Zero chạy hệ điều hành được lập trình các thuật toán xử lý. Trên các nút nhấn có các chấm nổi theo dạng chữ Braille, người khiếm thị dễ dàng sử dụng.
Mắt kính thông minh có 2 chức năng chính. Chức năng thứ nhất là ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính hỗ trợ bốn tính năng đọc văn bản, mô tả không gian, nhận dạng tiền mặt, trợ lý ảo và trả về kết quả giọng nói tiếng Việt qua tai nghe.
Chức năng thứ hai, hỗ trợ thu các tín hiệu khoảng cách và phát ra các tín hiệu xúc giác từ bộ rung động giúp người khiếm thị phát hiện được vật cản ở xa hay gần.
Xác định khoảng cách, khi người khiếm thị gần vật cản, cảm biến đo khoảng cách từ mắt kính tới vật cản sẽ phát ra các tín hiệu xúc giác từ bộ rung động; cảnh báo vật cản ở xa hay gần để người khiếm thị nhận biết và di chuyển phù hợp.
Kính giúp người khiếm thị có thể đọc văn bản bằng cách, khi họ hướng vào bất cứ vật thể nào có văn bản, thiết bị sẽ xử lý và đọc văn bản qua tai nghe, hỗ trợ người khiếm thị nắm bắt thông tin.
Ngoài ra, kính còn có thể mô tả chính xác môi trường xung quanh, ví dụ: “Trước mặt bạn là một người đang ngồi làm việc bằng laptop”, “Có một chiếc xe đang di chuyển về phía bạn”…
Kính thông minh có thể nhận dạng được tiền mặt. Thiết bị có thể nhận dạng tất cả các tờ tiền Việt Nam đồng (với điều kiện tờ tiền không được gấp lại), giúp người khiếm thị giao dịch mua/bán với độ chính xác cao.
Sản phẩm kính thông minh do nhóm nghiên cứu chế tạo được thiết kế gọn nhẹ, dễ mang theo và sử dụng, có hỗ trợ tiếng Việt, đặc biệt là chi phí thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người khiếm thị.
Trợ lý của người khiếm thị
Sinh viên Đào Anh Hào cho biết, kính có thể được phát triển như một trợ lý giúp hỗ trợ người khiếm thị tra cứu thông tin thời tiết, thông tin trên Internet, biết về giờ giấc, thực hiện các phép tính, bật/tắt các thiết bị điện trong gia đình...
Yếu tố quyết định hiệu quả của mắt kính thông minh là thuật toán xử lý hình ảnh ứng dụng AI, giúp tăng độ chính xác khi đọc văn bản từ dữ liệu của camera.
Không chỉ đọc sách, khi người sử dụng kính và hướng đến khu vực có chữ trong không gian xung quanh, camera sẽ chụp ảnh, nhận dạng văn bản và chuyển thành giọng nói, giúp họ có thể hình dung một phần không gian xung quanh mình.
Theo nhóm sinh viên, trước đó, trong nước có công bố đơn đăng ký sáng chế đã đề cập đến “Thiết bị dẫn đường và hỗ trợ cho người khiếm thị hoặc người mù”, nhưng hạn chế của sản phẩm này là chỉ xác định khoảng cách mà chưa ứng dụng được công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ các chức năng đọc báo, mô tả môi trường, nhận dạng tiền mặt và trợ lý ảo cho người mù.
Bên cạnh đó, trên thế giới đã có các sản phẩm tương tự “Mắt kính thông minh” nhưng chưa hỗ trợ tiếng Việt.
Tính mới hơn, ưu việt hơn, có nhiều tính năng hơn, mà những sáng chế trước đó không có trong sản phẩm này là các chức năng phù hợp với người Việt như hỗ trợ tiếng Việt, đo khoảng cách phát ra các tín hiệu xúc giác từ bộ rung động, phát hiện được vật cản ở xa hay gần, nâng cao khả năng tránh vật cản, có thể dùng công nghệ xử lý ảnh để nhận dạng tên vật cản, giúp người sử dụng an toàn hơn khi di chuyển.
Ông Vũ Xuân Trường - Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng là một trong những người thử nghiệm mắt kính thông minh nhận xét: Mắt kính gọn nhẹ, dễ đeo, chức năng mô tả không gian chính xác; chức năng đọc văn bản tốc độ ổn, dễ nghe, độ chính xác văn bản cao; chức năng nhận diện tiền mặt thử nghiệm với các tờ tiền, cả mặt trước và mặt sau, chính xác tuyệt đối; chức năng trợ lý ảo, thông báo thời gian hiện tại, nhiệt độ, độ ẩm, thông tin thời tiết, vị trí chính xác.
Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, được các thành viên của Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng và Hội Người mù TPHCM dùng thử nghiệm và đánh giá cao.
Tuy vậy, nhóm sinh viên thừa nhận sản phẩm vẫn còn hạn chế nhất định như mắt kính khi hoạt động do phải truyền dữ liệu liên tục nên pin nhanh hao, khiến kính không sử dụng được liên tục trong thời gian dài. Hạn chế này sẽ được nhóm nghiên cứu tiếp tục cải thiện trong các phiên bản tiếp theo.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư, tổ chức từ thiện... để sản xuất kính với số lượng lớn phục vụ người khiếm thị, giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống và công việc, từ đó thêm tự tin hòa nhập tốt hơn với xã hội.