Nhọc nhằn “ô sin” bệnh viện

Nhọc nhằn “ô sin” bệnh viện
k
Những “hộ lý” không chuyên ngồi tâm sự trong thời gian rảnh rỗi

(GD&TĐ) - Tại các bệnh viện ở TP Hà Nội, dịch vụ “ô sin bệnh viện” ngày càng trở nên phổ biến. Những ô sin này vừa đóng vai trò như người thân của bệnh nhân trong việc chăm sóc như cho ăn uống, thay đồ, vệ sinh… và cũng vừa là những “kỹ thuật viên” lành nghề trong chăm sóc người bệnh.

Mặc dù chưa từng qua một lớp đào tạo kĩ năng cơ bản nào về hộ lý, với máy móc bệnh viện và chăm sóc người bệnh nhưng những hộ lý “vô danh” thích nghi rất nhanh với môi trường làm việc đặc thù này và không ít người đã có “thâm niên nghề” tới cả chục năm.  

Những “hộ lý” không chuyên

Mỗi ngày họ được trả công từ 250.000 - 300.000 đồng. Những hôm không có người thuê họ ngồi chờ ở các ghế đá trong bệnh viện, tranh thủ chuyện trò với những người “đồng nghiệp”. Họ thuê phòng với giá 20.000 đồng/tối, sáng lại vào bệnh viện.

Thời gian làm việc không cố định, trung bình một tháng mỗi ô sin làm khoảng 20 - 25 ngày. Thời điểm ít việc thì mỗi tháng cũng làm được khoảng 15 - 20 ngày.

Công việc của những người này không khác một hộ lý chuyên nghiệp tại bệnh viện là mấy. Một ngày làm việc của họ bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối. Với những người bệnh có thể đi lại được, thì những “hộ lý” không chuyên làm những công việc như thay đồ, cho bệnh nhân ăn, uống thuốc, đưa đi dạo…

Với những người bệnh bị liệt, không có khả năng đi lại, những “hộ lý” này phải lo tất cả từ việc ăn uống, vệ sinh, cho đến những công việc như hút đờm, bơm xông cho bệnh nhân…

Những việc “đặc thù” của các ô sin bệnh viện quanh đi quẩn lại là vậy nhưng không phải ai cũng làm được ngay.

Những người mới vào nghề này chỉ có thể chăm sóc những bệnh nhân ở thể nhẹ, còn những người làm lâu năm có kinh nghiệm mới được thuê chăm sóc những ca chăm sóc nặng hơn và do đó có thu nhập cũng cao hơn.

Chị Nguyễn Thị M. (Hải Dương) đã làm công việc này từ năm 2000 tại BV Hữu nghị Việt – Xô, tâm sự: “Lau rửa cho người ta, cho họ ăn, bơm xông, hút đờm, chứ có phải bình thường đâu, vất vả lắm, như một người hộ lý ấy. Ba ngày người ta mà không đi vệ sinh được thì mình phải xông, thụt rồi dùng tay… Không phải đơn giản đâu. Những người mới vào nghề thì khó mà làm được”.

Không bằng cấp chuyên môn, nhưng những “hộ lý” không chuyên này luôn biết cách chăm sóc người bệnh của mình tốt nhất, thậm chí coi người bệnh như người thân. Họ trở nên lành nghề chủ yếu do “trăm hay không bằng tay quen”, đồng thời người này học hỏi người kia như các đồng nghiệp trong dây truyền lao động…

Không chỉ có phụ nữ, đàn ông cũng tham gia vào công việc này. Họ cõng, đỡ những người bệnh lên cầu thang, đi qua phòng khám… Những người đàn ông này cũng biết chăm sóc, thay đồ, lau rửa cho người bệnh.

Nỗi niềm nghề ô sin bệnh viện

Những “hộ lý” không chuyên ngồi tâm sự trong thời gian rảnh rỗi
Chị M đang trong vai trò “hộ lý” chăm sóc khách hàng 

Những “hộ lý” không chuyên đến tìm việc tại các bệnh viện mỗi người một số phận, một hoàn cảnh khác nhau.

Ngoài giờ làm việc vất vả, họ có những khoảng không gian riêng, ngồi bên nhau, tâm sự để mong nhận được sự đồng cảm và sẻ chia.

Chị N.T.L, quê ở Hải Dương bộc bạch: “Tính từ ngày đi làm ô sin đến nay đã được 13 năm, mới đầu lời ra tiếng vào, công việc lại vất vả hơn mình nghĩ, cũng nản lắm, nhưng lo nghĩ cho con cái ở quê nhà nên cố gắng vượt qua. Như tôi còn may mắn chán, có chồng con ủng hộ. Ở đây còn có những người hoàn cảnh éo le hơn nhiều”.

Được sự giới thiệu của chị L, chúng tôi tìm đến với chị L.T.T quê Hạ Hòa, Phú Thọ. Chị T là một trong những người làm ô sin bệnh viện lâu năm nhất. Chị tâm sự: “Chồng tôi mất từ năm tôi 29 tuổi, một nách 3 đứa con, gia đình luôn trong tình trạng khánh kiệt.

Dứt ruột để con lại quê nhờ mẹ đẻ nuôi hộ, tôi lên Hà Nội mong tìm được một việc làm kiếm tiền nuôi các con ăn học cho đến nơi đến chốn. Bước chân lên đến đây, học vấn, tay nghề không có, công việc tôi nghĩ đến đầu tiên là đi giúp việc cho các gia đình.

Có một lần người nhà chủ phải vào viện, con cái họ không có thời gian chăm sóc, tôi phải đi theo vào viện. Sau khi ông cụ lành bệnh, được con cái đón về thì có gia đình lại ngỏ ý mời tôi ở lại bệnh viện chăm sóc mẹ của họ với mức lương 200 nghìn/ngày.

Đối với tôi lúc đó, lương như vậy là quá hấp dẫn, vì vậy tôi đã quyết định ở lại gắn bó với nghề làm ô sin bệnh viện.

Cứ như thế, hết ca này tôi lại nhận được ca khác tính đến nay cũng đã 17 năm rồi”. Những người “hộ lý” không chuyên ở đây biết lắng nghe và chia sẻ nên họ cũng vơi bớt đi phần nào những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh.

Cạnh tranh

Cuộc sống vất vả là vậy, chỉ trông vào công việc để kiếm đồng lương nhưng làm ô sin bệnh viện đối với họ bây giờ ngày càng khó khăn hơn. “Hộ lý” không chuyên xuất hiện ngày càng nhiều, đồng nghĩa với việc miếng cơm manh áo bị sẻ chia.

Trước kia, mỗi tháng họ làm từ 20 - 25 ngày, mỗi ngày 250 - 300 nghìn, nhưng giờ đây số ngày đã giảm đi 1/3, tiền công cũng thỏa thuận theo hợp đồng và không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để thuê họ. 

Nhiều người theo bệnh nhân được xuất viện về nhà chăm sóc lương tháng từ 5 - 6 triệu tùy theo tình trạng người bệnh. Về sống trong gia đình họ tưởng sẽ được sung sướng, có chỗ ăn, chỗ ngủ, tinh thần thoải mái nhưng không ít trường hợp vấp phải những hợp đồng khó nhằn, lại phải quay lại bệnh viện tìm mối mới.

Bà Phạm Thị H quê Nam Định chia sẻ với chúng tôi câu chuyện nhớ đời: “Có hôm tôi đi theo bệnh nhân về nhà, trông bên ngoài thì rõ là gia giáo, có điều kiện thế mà con cái nhìn thấy người lớn không chào hỏi gì, lại còn có thái độ khinh miệt.

Tôi đi làm ô sin thật nhưng không thể để người ta coi thường mình như thế, tôi nói thẳng với nhà chủ là: Con cái các vị có học hàm, học vị thật nhưng không bằng nhà quê chúng tôi”.

Bên cạnh đó, được biết một số bệnh viện đã bắt đầu xuất hiện lực lượng “bảo kê” cho dịch vụ chăm sóc người bệnh nhằm ăn chặn phần trăm trên công sức lao động của những hộ lý kiêm y tá điều dưỡng không chuyên này.

Bên cạnh đó, một số khoa trong Bệnh viện H.N đã đề ra quy định không cấp áo thăm bệnh cho các lao động dịch vụ kiểu ô sin này nữa, thay vào đó thì các y tá sẽ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân hoặc môi giới theo hệ thống dịch vụ mới với giá thành cao hơn.

Theo nhiều người nhà bệnh nhân tại BV H.N thì những người “hộ lý” không chuyên còn hơn cả những hộ lý thực thụ.

Thêm vào đó ngoài làm việc để lấy tiền công, những ô sin bệnh viện này còn chăm sóc người bệnh với tinh thần như người thân, điều này làm cho các gia đình có người nhà nằm viện phần nào yên tâm gửi gắm.  

Thanh  Tâm - Nguyễn Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ