Nhọc nhằn nghề xe ôm thời công nghệ

GD&TĐ - Những năm gần đây, hàng chục các dịch vụ phần mềm kết nối hành khách và lái xe xuất hiện đã làm thay đổi nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều người ở các tỉnh lân cận đã đổ về TPHCM với giấc mơ đổi đời bằng nghề chạy xe ôm công nghệ vì mức lương hấp dẫn mà các hãng cung ứng hứa hẹn. Tuy nhiên, thực tế luôn khắc nghiệt và những tài xế không dễ gì kiếm được đồng tiền...

Nhọc nhằn nghề xe ôm thời công nghệ

Xa vời giấc mơ đổi đời

Nằm trong quán cà phê võng nhỏ trên đường Phan Văn Hớn (quận 12), khi vừa nghe tiếng “ting, ting” là anh Nguyễn Văn Hoài, 23 tuổi, quê ở Càng Long (Trà Vinh) bật dậy, nổ máy chạy đi. Chủ quán, một người quen của Hoài bảo, cậu ấy đang làm tài xế chạy Grab, một hình thức xe ôm công nghệ đang rất phổ biến ở thành phố hiện nay.

Chừng khoảng hơn 10 phút sau, Hoài đã quay về quán, tiếp tục nằm nghỉ trên võng. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho biết mình bắt đầu chạy xe ôm công nghệ được hơn một năm rồi. “Tôi học xong lớp 10 thì theo bạn bè đi làm hồ bên Cần Thơ kiếm sống vì nhà nghèo. Hồi tết năm ngoái thấy người ta bảo chạy xe ôm công nghệ kiếm được tiền dữ lắm nên lên Sài Gòn chạy thử. Nghe nói khi có khách mình mới chạy còn không thì nằm nhà cũng được.

Quán cà phê võng này là của người quen cùng ấp dưới quê nên tôi ở trọ ngay phía dãy nhà hẻm đối diện quán luôn. Do là ứng dụng công nghệ nên khi nào có khách thì mình chạy. Nhưng cuốc xe bây giờ cũng hẻo lắm, như cuốc vừa nãy chỉ được 26 ngàn đồng thôi, mà đã trả công ty mất gần 7 ngàn rồi. Cũng có bữa chạy được vài trăm ngàn, hên thì được 4-5 trăm.

Tuy nhiên mình phải đóng tiền trước cho bên Grab, không là họ khóa mạng, không bắn khách cho nữa”, anh Hoài cho biết. Hoài còn bảo, ban đầu nghe quảng cáo tưởng dễ kiếm tiền, nhàn hơn đi phụ hồ, nhưng thật ra cũng không hẳn vậy. Làm hồ thì biết trước lương của mình, có khi còn xin chủ thầu cho ứng trước xài đỡ, nhưng chạy xe ôm công nghệ thì ngược lại, mình phải đóng tiền trước cho họ.

Chia sẻ những khó khăn của nghề chạy xe ôm công nghệ, anh Hoài bảo, mặc dù là ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng tài xế làm nghề này lại rất may rủi, hên xui. Có khi mình ngồi đây nhưng khách đặt ở Cầu Lớn hay Tham Lương mà mình chạy tới thì lại có tài khác nhận khách mất tiêu rồi. Mà nữa, hồi mới lên thành phố, mấy ông xe ôm truyền thống ở bên khu An Sương nhìn thấy mình mặc áo xanh Grab là nhào vô gây sự, đánh đấm tùm lum kêu là mình giành khách, chiếm địa bàn. Mà mình có chiếm của ai cái gì đâu, khách đặt thì mình nhận thôi.

Chỉ trong khoảng 3-4 năm trở về đây, số lượng tài xế chạy xe ôm công nghệ ở địa bàn TPHCM đã tăng vọt, lên đến hàng chục ngàn người với khá nhiều công ty cung cấp công nghệ khác nhau, từ các hãng nước ngoài như Grab, Go-Viet cho tới những hãng ít tên tuổi hơn chút, như Mai Linh, Aber.

Từ những thanh niên trẻ mới lần đầu lên thành phố cho tới những bác tài xế già nửa đời kiếm sống bằng nghề xe ôm, hay cả những sinh viên có lúc nhàn rỗi, tất cả đều bị cuốn theo nghề này. Thế nhưng, thật không dễ dàng gì để kiếm được tiền từ những dịch vụ hiện đại bởi thực tế, những người được lợi nhất luôn là các ông chủ cung cấp dịch vụ này.

 

Đồng tiền xương máu

Cuộc sống của những tài xế chạy xe ôm công nghệ vẫn gặp khó khăn và thậm chí đối diện với nhiều nguy cơ hơn. Ngoài những vụ bị cướp giật tài sản, có người còn bị giết, còn nhẹ hơn là bị thua lỗ. “Mình quê ở La Gi, Bình Thuận lên thành phố chạy xe ôm công nghệ hơn hai năm rồi. Lúc trước “đầu quân” cho Uber, còn bây giờ đang chạy cho Grab. Tháng rồi chở khách qua bên Bình Chánh chẳng may bị tai nạn, người thì không sao nhưng xe hư hỏng nặng, sửa mất hơn 3 triệu. Sau đó xe chạy vẫn cứ lọc cọc nên đánh liều mua chiếc xe Vision trả góp để chạy.

Mỗi tháng phải trả hơn 4 triệu mà giờ khách ít, tài nhiều nên không dư dả mấy. Có khi tết sang năm còn chưa trả hết nợ chứ đừng nói dư dả gửi tiền về quê cho vợ con. Thành phố kiếm tiền dễ mà tiêu cũng dễ, ngày nào tiền ăn uống cũng mất cả trăm ngàn”, anh Tĩnh, 36 tuổi, một tài xế xe ôm công nghệ ở khu vực quận Tân Bình kể.

Cũng theo anh Tĩnh, nghề chạy xe ôm công nghệ đang ngày càng gặp nhiều rủi ro, bất trắc hơn. “Có khi khách họ đặt, nhưng chạy tới nơi thì hủy bất ngờ. Điện thoại thì họ tắt máy nên công ty phải trừ tiền mình thôi. Rồi bây giờ có thêm dịch vụ giao nhận thức ăn nữa. Khách đặt mấy tô bún bò mà chạy đem đến, chút nước lèo sóng sánh ra ngoài họ không chịu nhận, bắt mang trả, cực lắm. Đấy là chưa kể khách đặt cuốc vào buổi tối, buổi đêm. Vẫn biết là chạy ban đêm nguy hiểm nhưng giá cước cao nên ham. Những lúc ấy, vừa chạy vừa run mà chẳng dám kêu ai. Thôi đành cố chạy thêm vài năm nữa vậy”, anh giãi bày thêm.

Rất dễ để thấy rằng những người hành nghề xe ôm công nghệ đang ngày một nhiều hơn ở thành phố, vì màu áo đồng phục in lô-gô công ty họ mặc nổi bật khắp nơi. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là khi các tài càng nhiều thì cuộc sống của họ càng khó khăn. Đặc biệt, rất nhiều tài xế đều đơn giản coi đây là công việc kiếm sống qua ngày, bởi họ không có bất cứ chế độ chính sách gì, dù công sức lao động của họ có kiếm được hàng trăm tỷ cho các công ty ứng dụng. Khi tắt điện thoại, họ lại trở thành người tay trắng mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.