Nhọc nhằn con chữ xóm nghèo ven sông

Nhọc nhằn con chữ xóm nghèo ven sông

(GD&TĐ) - Chúng tôi trở lại làng Chài nằm ven sông Hồng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên. Những gương mặt thơ ngây của các em nhợt nhạt bởi cái lạnh cắt da, cắt thịt đầu đông Hà Nội. Sinh ra và lớn lên giữa lòng Thủ đô nhưng với các em, ước mơ được học hành còn mịt mù lắm. Cái nghèo, cái khổ đeo bám phận đời các em trên cái xóm ngụ cư bé nhỏ này. Con đường đến trường cũng chông chênh như cuộc đời các em.

Học để xóa mù chữ…

Con đường từ trên cầu Long Biên qua bãi ngô đến xóm chài Ngọc Thụy nhầy nhụa bởi mấy ngày mưa phùn rét mướt. Những đứa trẻ trong xóm im lìm, ngồi co ro trong những căn nhà nổi trống trải. Mọi lần tôi đến, ngay từ trên bãi đã nghe thấy tiếng bọn trẻ nô đùa. Lần này cả xóm chài thu mình dưới cái rét đầu đông. Hơn bốn mươi nóc nhà trông xác xơ hơn dưới cơn mưa phùn. Hôm nay các em không phải tới lớp học tình thương. Tất cả đều ở nhà đông đủ. Chắc hẳn đây là lần may mắn với tôi. Dễ ngày thường hầu hết các em không có nhà bởi dù là chủ nhật nhưng các em phải lên bờ kiếm sống. Đứa bán vé số, đứa đi với bố mẹ nhặt giấy rác…Cái sự “vừa học vừa hành” của các em chỉ kịp dừng lại ở mức xóa mù chữ thôi. Điều kiện gia đình không có để cho các em theo đuổi giấc mơ cao cả đó.

Tân khát khao được đi học bằng chính đôi chân của mình
Tân khát khao được đi học bằng chính đôi chân của mình

Trong căn nhà chật chội, một góc nhỏ bên trái nhà, chiếc phản nhỏ vừa là nơi học tập và ngủ của hai anh em Hậu và Tân. Nhà chật chội nên mọi sinh hoạt đều phải san sẻ lẫn nhau. Hậu năm nay học lớp 7, còn Tân học lớp 4. Các em may mắn hơn chúng bạn vì bố mẹ đều khỏe mạnh lo cho các em đến trường. Bố em phải long đong xin cho các em vào học tại trường Phúc Xá (Ba Đình), chỉ mong các con có điều kiện học hành bằng bạn bè. Anh Tiến, bố của các em tâm sự: “mình là dân ngụ cư nhưng cũng biết quý cái chữ lắm chứ. Đời mình đã khổ, đã không được biết cái chữ thì các con mình phải hơn mình. Cứ cho chúng học, học tới đâu hay tới đó để sau này chúng nó đỡ khổ”. Cuộc sống khó khăn thiếu thốn nhưng anh Tiến vẫn mong muốn cho con được đến trường. Dù các con anh không có đủ điều kiện để theo các bạn nhưng Hậu và Tân đều chịu khó học.

Với Tân, con đường đến trường cũng lắm gian nan. Em học lớp 4 nhưng mọi sinh hoạt đều phải nhờ người khác giúp đỡ. Em không tự đi lại được vì khi sinh ra đã bị tật bẩm sinh. Nhìn Tân ặt ẹo nhưng khát khao đến với con chữ mãnh liệt hơn để vượt lên trên bệnh tật. Tân tâm sự: “em học trường tiểu học Nghĩa Dũng, hàng ngày bố mẹ thay nhau đưa em đến lớp với các bạn. Buổi trưa bố lại lên lớp cõng em xuống căng-tin ăn cơm. Chiều bố đến đón. Em thương bố mẹ lên sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này kiếm tiền mua nhà cho bố mẹ”. Một ngày ba lần đến lớp chăm con, bốn năm nay nó như kế hoạch lập sẵn trong trí nhớ của vợ chồng anh Tiến. Dù công việc bận tới đâu, anh chị cũng gác lại chỉ cần các con học giỏi là anh chị thấy vui rồi.

Những đứa trẻ xóm chài với sự hồn nhiên nhưng con đường học hành thì xa xôi
Những đứa trẻ xóm chài với sự hồn nhiên nhưng con đường học hành thì xa xôi

Hậu với Tân cũng như nhiều đứa trẻ trong làng chài này đều ấp ủ một giấc mơ cho riêng mình. Nhưng mỗi em lại có một hoàn cảnh khác nhau. Có những em, giấc mơ nhỏ bé giản đơn có thể thành hiện thực nhưng có những em giấc mơ mãi chỉ là một thứ xa sỉ mà cả đời này các em không có cơ hội nắm trong tay.

Bằng và Linh thiệt thòi hơn lứa bạn. Bố mất do đuối nước chưa lâu. Nỗi đau mất mát vẫn hiện hữu trên khuân mặt non nớt của các em. Mẹ Liên thêm phần gánh nặng, gia đình các em thuộc diện khó khăn nhất xóm ngụ cư này. Hàng ngày mẹ các em phải dậy sớm vào nội đô nhặt rác kiếm sống. Nhà không có điều kiện nên các em được gửi vào lớp học tình thương. Bằng năm nay học lớp 6, chỉ còn một năm nữa là em phải gác lại tất cả, cả những ước mơ một lần em đã thổ lộ với tôi để theo mẹ vào đời bươn chải kiếm ăn nuôi em gái. Em vẫn khao khát được cắp sách tới trường mỗi ngày, được gặp những người bạn trong lớp tình thương, được nghe tiếng giảng bài của thầy cô. Bằng chia sẻ: “lớp em có 18 bạn đều ở các xóm chài gần đây. Em thấy vui khi được đến lớp mỗi ngày nhưng các thầy cô trong lớp tình thương chỉ dạy đến lớp 7 thôi. Mẹ em nghèo lắm không có tiền cho em học trường ngoài. Học xong em sẽ đi làm để cho bé Linh không phải bỏ học như em”. Câu nói của Bằng chứa ẩn nỗi buồn man mác. Bởi nó nói lên thực trạng của hầu hết các xóm chài ven bãi sông Hồng này. Các em phải đánh đổi ước mơ con chữ lấy sự tồn tại dù biết sự tồn tài đó đã mất đi linh hồn một đời áo trắng đến trường.

Cuộc sống vô tình với những tâm hồn nhỏ bé, sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn khiến một bộ phận trẻ thơ không có điều kiện tiếp cận với tri thức. Khoảng cách các em với xã hội càng ngày càng xa. Thế hệ các em lớn lên sẽ đi về đâu khi cuộc sống đang đòi hỏi những con người có năng lực, có học thức. Trong khi trái ngược với các em, một bộ phận các bạn trẻ có cuộc sống khá sung sướng, các em không phải lo miếng ăn hàng ngày bởi các em sinh ra trong gia đình khá giả. Con đường đến với ước mơ của các em thênh thang rộng mở nhưng các em không biết trân trọng điều đó, các em lao vào lối sống trào lưu, hưởng thụ để tự mình vùi lấp ước mơ. Trong khi nhiều tâm hồn cùng trang lứa với các em phải kiếm sống từng ngày, phải sống trong những căn nhà rách nát, tối tăm không điện…

Những đứa trẻ lên tiếng…

Những bạn sinh viên tình nguyện đến giúp đỡ các trẻ em có điều kiện đến với lớp học tình thương
Những bạn sinh viên tình nguyện đến giúp đỡ các trẻ em có điều kiện đến với lớp học tình thương 

Cả xóm chài Ngọc Thụy có hơn chục đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường trong đó có 8 em đang theo học từ lớp 1 đến lớp 7. Các em chủ yếu học lớp học tình thương do các tổ chức nước ngoài và các bạn sinh viên các trường đại học tham gia giảng dạy. Mục đích của các trường tình thương mở ra giúp các trẻ em nghèo có điều kiện tiếp xúc với mặt chữ, tiếp cận với những kiến thức đơn giản về các môn học. Lớp học tình thương mở ra còn có mục đích giáo dục các em những kỹ năng cơ bản về cuộc sống, trang bị cho các em những kiến thức căn bản để tự bảo vệ mình trước khi bước ra ngưỡng của cuộc đời. Lớp học dành cho các em độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 7 tại các làng chài không tên nằm dải dác trên khúc sông Hồng giáp nội đô thuộc địa phận quận Ba Đình, Long Biên và Hoàn Kiếm…

Làng chài Ngọc Thụy chỉ là một trong hơn chục làng chài ven đô. Hàng chục em nhỏ đang theo học các lớp tình thương như thế. Tương lai các em lênh đênh như con thuyền vô định giữa dòng đời sôi động này. Rồi các thế hệ làng chài sau này cũng như vậy, những tài năng của tương lai nhạt nhòa trong xã hội này như những bông hoa sớm nở tối tàn. Khát khao được cống hiến và công hiến hết mình trong các em không có mảnh đất phì nhiêu để ươm mầm. Cũng như gia đình các em, cả đời lênh đênh làm bạn với sông nước, không một thước đất cắm dùi lập nghiệp. Vòng luẩn quẩn cứ hiện hữu đâu đó trong mỗi làng chài ven đô.

Tiếng nói của các em nhỏ bé, số phận “tầm gửi” của những tâm hồn trẻ thơ khát khao được nói và cần một ai đó dành chút thời gian nhỏ nhoi để lắng nghe các em.

Khát khao được học với Bằng là một điều khó có thể trở thành hiện thực. Bằng tâm sự: “em muốn đi học như các bạn nhà giàu. Để trở thành một bác sỹ chữa bệnh cho người nghèo. Sang năm em phải nghỉ học để phụ mẹ nuôi em. Mẹ không có tiền cho em đi học, còn em Linh nữa. Em sẽ đi nhặt rác với mẹ để có tiền cho em Linh đi học, không phải bỏ học như em”.

Với Giang Văn Tân, mơ ước có một đôi chân khỏe mạnh để theo đuổi con đường học tập vẫn còn bỏ ngỏ. Cái nghèo, lo từng bữa ăn mà bố mẹ em vẫn phải ngày ba lần đến lớp với con. Tân học giỏi, em còn phải cố gắng hơn nữa để cập bến thành công. Tân chia sẻ: “Nếu em có một đôi chân khỏe mạnh, em sẽ tự đi học để bố mẹ đỡ vất vả. Em sẽ phụ giúp bố mẹ nhiều hơn. Nhiều bạn trong xóm không được đi học em thấy thương các bạn ấy. Giá mà các trường cho các bạn ấy đến học thì vui lắm”.

Còn  Dũng và Bi thì được đi học là niềm hạnh phúc lớn nhất. Ước mơ trở thành một thầy giáo dạy học vẫn là niềm thôi thúc để em vượt lên trên mọi khó khăn thử thách. Dũng tâm sự: “em muốn mình là một thầy giáo dạy toán vì em rất thích môn toán. Em sẽ tiết kiệm tiền để mua cho bố mẹ một ngôi nhà trong Hà Nội để bố mẹ đỡ khổ, mua cho em Bi một tập truyện Doremon nữa…”.

Còn rất nhiều những giấc mơ vẫn còn chưa kể cũng như còn rất nhiều số phận buồn nép mình bên dải sông Hồng. Những ước mơ của các em rất nhỏ nhoi nhưng đến khi nào các em mới biến ước mơ trở thành hiện thực khi con chữ còn chông chênh sóng nước. Một suy nghĩ đơn giản, một câu nói ngây thơ nhưng một cuộc sống “cằn khô” đã kìm hãm sự phát triển tâm-thể-trí của các em.

Chia tay các em, tôi mang theo nhiều suy nghĩ để gửi gắm đến cộng đồng một chút sẻ chia.

                                                                                                                 Tất Đạt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ