Khi được mời dự Hội nghị Nhà văn lão thành lần thứ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi đã cảm khái ứng tác:
Hồi nào nhênh nhang nhênh nha
Hôm nay bỗng đã hóa ra… Lão thành!
Thời gian thật nhanh. Cậu học sinh cấp 3 của trường Nho Quan A năm 1963 còn đeo khăn quàng đỏ nay đã là một nhà văn lão thành, một PGS.TS có chút thành tựu với hơn 600 bài báo; 117 cuốn sách về văn chương, giáo dục đã in chung và riêng.
Còn nhớ, khi trường tổ chức kỉ niệm 50 năm, tôi được Ban lãnh đạo trường giao trọng trách thay mặt các khóa phát biểu cám ơn các thầy cô giáo và lãnh đạo địa phương. Khi ấy, phần lớn các thầy đã mất nên khóa chúng tôi chỉ có thể gặp và tặng quà tri ân tới 4 thầy thuộc thế hệ đầu tiên đến dự buổi lễ..
Chúng tôi là những đứa con đầu lòng của nhà trường, học tập trong điều kiện chiến tranh, thiếu thốn, gian khổ, thế nhưng sau này rất nhiều anh em thành đạt là TS, GS, cán bộ quản lí cấp tỉnh, huyện, xã…
Trường THPT Nho Quan A được thành lập năm 1963 tại Bến Nhảy – khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, đây là mái trường đầu tiên của huyện Nho Quan. Trường đã di chuyển qua 6 địa điểm để được an toàn trong chiến tranh và phát triển khang trang như ngày nay.
Theo báo cáo kỉ niệm lần thứ 60 của Ban lãnh đạo nhà trường, hiện nay trường có tổng số 78 cán bộ giáo viên, nhân viên; 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn (trong đó: 19 trình độ thạc sĩ). Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, ý thức trách nhiệm cao. Năm học 2023 - 2024, trường có tổng số 34 lớp với hơn 1400 học sinh.
Nhớ lại hồi mới thành lập, trường có 2 lớp 9 từ cấp 3 Gia Viễn chuyển về cùng với 3 lớp 8 của chúng tôi khoảng 180 học sinh với 12 thầy cô giáo; mới thấy trường đã phát triển vượt bậc như thế nào.
Ngày ấy có các thầy: Hoàng Văn (hiệu trưởng), Phạm Văn Mỵ và Trần Văn Chiêm (Toán), Nguyễn Thế Đãi và Nguyễn Hữu Khuê (Văn), Lại Hữu Mạch (Hóa), Nguyễn Văn Mưa (Vật Lý), Vũ Văn Thiết (Sinh), Nguyễn Thị Mão (Sử), Nguyễn Quang Túy (Địa), Hà Văn Nhưỡng (tiếng Trung), và Vũ Văn Canh (Thể dục).
Tôi là một học sinh được trường cho đi thi học sinh giỏi ba năm, với mấy bạn nhưng chúng tôi đều “thua kém” các trường bạn. Khi đề Toán được đọc lên, chúng tôi “lạ hoắc”, còn học sinh trường bạn thì đã quen lâu! Chính vì thế mà tôi vô cùng tự hào về thành tích mũi nhọn của trường bây giờ có bước tiến vượt bậc.
Cụ thể, năm học 2019 - 2020 trong kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh và thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh: Đạt 21 giải. Trong đó 1 giải Nhất; 8 giải Nhì; 3 giải Ba; 9 giải Khuyến khích; xếp thứ 6 trong toàn tỉnh. Năm học 2020 - 2021 xếp thứ 4 trong toàn tỉnh và được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tặng cờ Ba; Năm học 2021 - 2022 xếp thứ 3 toàn tỉnh và được tặng cờ Nhì trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi.
Năm học 2022 - 2023, 30/30 học sinh dự thi học sinh giỏi THPT cấp tỉnh và thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh đạt giải, gồm 94 giải, (trong đó 8 giải Nhất, 32 giải Nhì, 39 giải Ba, 15 giải Khuyến khích). Nhà trường được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình tặng cờ Nhì trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi.
Thuở ban đầu, chúng tôi học trong nơi sơ tán nên hầu như không có phương tiện chơi thể thao. Cũng có đá bóng, bóng chuyền song môn “xuất sắc” của học sinh chúng tôi là đi bộ! (vì không ai có xe đạp). Nay đọc báo cáo của nhà trường mà tôi thấy rưng rưng:
Nhà trường thường xuyên mua sắm, bổ sung thêm các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác giáo dục thể chất, an ninh quốc phòng để học sinh có điều kiện rèn luyện sức khỏe và luyện tập để tham gia các cuộc thi do Sở GD&ĐT và tỉnh và quốc gia, đạt nhiều thành tích cao.
Cụ thể: Thi thể dục thể thao (TDTT) khối THPT cấp tỉnh năm học 2021 - 2022, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng cờ Nhất Hội thi và có 1 HCV quốc gia; năm học 2022 - 2023 được tặng cờ Nhì trong phong trào thể dục thể thao. Tham gia Hội thao Quốc phòng an ninh cấp quốc gia đạt 1 giải Nhì. Tham gia Hội thi TDTT dành cho học sinh trung học cấp quốc gia đạt 5 giải: 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ.
Không chỉ thế, hằng năm nhà trường phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh toàn trường. Trên cơ sở hướng dẫn của giáo viên, học sinh đã hoàn thành các sản phẩm tham gia dự thi cấp tỉnh, thường đạt giải cao và nhà trường xếp ở thứ hạng cao trong toàn tỉnh.
Cô Đoàn Thịnh Khánh Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A cùng các em học sinh đoạt giải cao các kỳ thi học sinh giỏi. Ảnh: NTCC |
Trong đó, năm học 2019 - 2020 nhà trường có một sản phẩm dự thi cấp Quốc gia và đạt giải Tư. Năm học 2020 - 2021, lần đầu tiên nhà trường có một sản phẩm của học sinh tham gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia và đạt giải Khuyến khích. Thời chúng tôi đi học chưa từng có chuyện này! Thật đáng tự hào!
Dịp nhà trường kỉ niệm 50 năm thành lập, cựu học sinh chúng tôi đã trở về thăm trường và được chứng kiến khuôn viên khang trang, đẹp sạch: Rộng 2,3ha, sân chơi rộng 0,7 ha, cây xanh rợp bóng. Năm học 2021 - 2022 trường đã vinh dự được Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình công nhận trường THPT đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình công nhận Trường THPT đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1.
Trong 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã có nhiều thành tích được ghi nhận: Huân chương Lao động Hạng 3 (năm học 2012 - 2013); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (năm học 2017 - 2018 và năm học 2020 - 2021); Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm học 2019 - 2020); Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ (năm học 2021 - 2022). Và, thành tích lớn lao nhất của nhà trường là đã đào tạo hàng vạn con em nhân dân lao động trên địa bàn thành những công dân có trình độ văn hóa cao, công tác trên mọi lĩnh vực kinh tế của tỉnh và đất nước.
Nhân nhà trường kỉ niệm 60 năm, những học sinh từ khóa đầu đến khóa 60 đều hướng về trường với niềm biết ơn các thế hệ thầy cô, nhân viên đã và đang gắn bó với trường; biết ơn sự chăm lo của các cấp lãnh đạo huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; vô cùng tự hào là học sinh của trường, một trong những ngôi trường Trung học phổ thông đầu tiên của tỉnh giàu thành tích – Trường Nho Quan A yêu dấu!