Nhớ thầy Yasen Nicolaievich Zasoursky

GD&TĐ - GS.TS Yasen Nicolaievich Zasoursky là nhà báo lớn, nhân cách lớn, người thầy của nhiều thế hệ học trò Việt Nam.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trao tặng Huân chương Hữu nghị cho GS.TS Yasen Nicolaievich Zasoursky.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn trao tặng Huân chương Hữu nghị cho GS.TS Yasen Nicolaievich Zasoursky.

Không chỉ sinh viên, giới báo chí, các nhà nghiên cứu truyền thông, chính khách nước Nga, mà có biết bao sinh viên, nghiên cứu sinh... nhiều nước trong đó có Việt Nam, đã từng học tập, trao đổi, gặp gỡ GS.TS Yasen Nicolaievich Zasoursky, người giảng dạy các môn liên quan đến lịch sử báo chí nước ngoài, báo chí và chính trị... Đó là nhà báo lớn, nhân cách lớn, người thầy của nhiều thế hệ học trò Việt Nam. Xin được kể đôi điều về tiểu sử của thầy.

GS.TS Yasen Nicolaievich Zasoursky (1929 - 2021), nguyên là Chủ nhiệm và Chủ tịch Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia Lomonosov Moscow và cũng là Phó Chủ tịch lâu năm của IAMCR (Hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về truyền thông và phương tiện truyền thông đại chúng).

Thầy có một sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy thật đồ sộ mà mỗi học trò chúng tôi đều tự hào về thầy. Thầy là Chủ nhiệm Khoa Báo chí từ năm 1964 - 2007 kiêm Trưởng bộ môn Báo chí quốc tế và Văn học Nước ngoài tại Khoa.

Thầy Zasoursky có thâm niên trong lĩnh vực học thuật, nghiên cứu, xuất bản các công trình về lý thuyết và lịch sử truyền thông đại chúng; nghiên cứu về báo chí Mỹ, lịch sử văn học Mỹ, các mô hình truyền thông chuyển tiếp; các nghiên cứu so sánh về hệ thống truyền thông, công nghệ thông tin truyền thông (ITC) và toàn cầu hóa.

Thầy là một giáo sư đầu ngành trong các nghiên cứu về truyền thông, báo chí - cả ở thời Liên Xô cũ và Liên bang Nga ngày nay. Thầy đã xuất bản hơn 260 tác phẩm, bao gồm các sách chuyên khảo, nhiều bài báo học thuật bằng tiếng Nga, tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Thầy từng là Tổng Biên tập của tờ Vestnik Moskovskogo Universiteta và phụ trách Tạp chí Zhurnalistika.

Thầy đã nhận được một số giải thưởng của Nhà nước như giải thưởng Lomonosov cho nghiên cứu (1976) và cho sự nghiệp giảng dạy (tặng năm 2001). Năm 2018, thầy được trao tặng danh hiệu Nhà báo danh dự của Liên bang Nga vì những đóng góp to lớn, hiệu quả cho nền báo chí nước này.

Thầy cũng đóng góp xuất sắc trong việc xây dựng và duy trì sự hợp tác quốc tế với các trường đại học từ các quốc gia khác nhau, thúc đẩy sự di chuyển của sinh viên, giảng viên và khởi động các dự án quốc tế với các tổ chức từ mọi khu vực trên thế giới.

Thầy là một trong những người tiên phong trong Trung tâm Giáo dục Đại học về Báo chí do UNESCO tài trợ tại Đại học Strassbourg từ cuối những năm 1950. Năm 1968, thầy được bầu làm Phó Chủ tịch IAMCR (giữ chức vụ này cho đến năm 1988).

Từ cuối những năm 1970, thầy làm cố vấn cho Ủy ban MacBride tại UNESCO. Thầy cũng lãnh đạo Bộ phận IAMCR về Giáo dục Chuyên nghiệp từ năm 1978 - 1990. Năm 2006, thầy thành lập Nhóm Công tác mới về Truyền thông hậu Liên Xô và giai đoạn mới về truyền thông phát triển xã hội thời đại toàn cầu hóa.

Đối với các thế hệ học trò người Việt Nam, thầy đã bắt đầu tiếp xúc, giảng dạy từ cuối những năm 1950, khi nước ta cử lưu học sinh sang Nga du học, nhưng lúc đó chưa phải học Khoa Báo chí mà học các chuyên đề về ngôn ngữ và văn học nước ngoài.

Từ những năm 1970, sinh viên Việt Nam đều đặn được cử đến Khoa Báo chí, Đại học Tổng hợp quốc gia MGU với những lớp sinh viên như: Nguyễn Đăng Phát, Nguyễn Đình Lanh, Phạm Tiến Dũng, Phạm Vinh Quang, Vũ Đức Tân, Lê Hải, Lê Phúc Nguyên, Trần Đăng Tuấn, Ngô Ý Minh...

Năm 1981, sau khi học xong Khoa Dự bị tiếng Nga, lần đầu tiên Khoa Báo chí nhận một lúc 4 sinh viên vào học lại toàn là bộ đội phục viên đi học (Đồng Quang Tiến, Lê Thanh Bình, Đỗ Quý Doãn, Đinh Thế Huynh). Các lớp tiếp theo có anh Trần Đăng Thao, Trương Lâm Tuyền, Phạm Hồng Nga, Lê Xuân Trà...

Mỗi thế hệ, mỗi khóa đều có những kỷ niệm đối với thầy và thế hệ tôi cũng có nhiều điều đáng nhớ. Hồi đó, anh Đỗ Quý Doãn học chuyên ngành truyền hình nên rất năng động.

Anh thường lên studio để học hỏi các bạn sinh viên khác và tự làm bài của mình, thỉnh thoảng anh rủ tôi cùng đi. Tôi hơi hướng ngoại nên rủ anh Doãn đến tham quan ngành Báo chí quốc tế, nhưng đi được mấy lần rồi khó dự giờ vì chúng tôi phải lên lớp học chuyên môn của mình.

Có lần thấy tôi muốn tìm hiểu thêm, thầy Zasoursky vẫy tôi lại mỉm cười bảo: “Ngành báo chí quốc tế lúc đó chưa nhận sinh viên nước ngoài, chỉ nhận sinh viên nam người Nga nên em chỉ dự thính để nghe giảng thôi nhé. Tuy nhiên, em có thể học cách xem các phim tài liệu lịch sử rồi nghe các bạn thảo luận chủ đề, vấn đề nổi lên từ các sự kiện báo chí quốc tế”.

Thế rồi, tôi cũng tham dự một số hội thảo của Khoa về báo chí quốc tế, nghiên cứu thêm mô hình kiểu học đóng vai phóng viên các nước thể hiện quan điểm, lập trường của quốc gia mình qua tác phẩm... (Tới sau năm 2000, Khoa mới nhận cả sinh viên nữ Nga và nam nữ hay ngoại quốc đều có thể học).

Tốt nghiệp cử nhân báo chí, trở về nước làm việc ít lâu, tôi lại được quay trở lại Khoa Báo chí MGU làm nghiên cứu sinh và được chính thầy Zasoursky làm hướng dẫn chính. Do bận rộn, thầy không cầm tay chỉ việc mà giao cho tôi đọc một danh sách mấy chục cuốn tư liệu, sách chuyên khảo, rồi ghi các trích dẫn liên quan đến chủ đề của đề tài nghiên cứu mà thầy trò đã thống nhất.

Cuốn sách ấn tượng nhất và khó hiểu nhất là cuốn thầy gợi ý của Solomon một học giả người Do Thái viết lý thuyết về Truyền thông đại chúng được xuất bản từ rất lâu, lại có độc bản, lần nào lên thư viện cũng được trả lời là chưa có, phải chờ người đọc trả.

Khi tôi chuẩn bị xong tư liệu, viết được khá nhiều cho luận án rồi hăm hở mang đến trình thầy, thầy xem qua xong bảo đấy chỉ mới xong cơ bản khung xương, phải đắp nhiều thịt, gân, cơ vào. Mãi cuối năm thứ 2, đầu năm thứ 3, thầy mới đánh dấu một số ý phải phát triển thêm, chỗ phải mạnh dạn bỏ vì không sát hợp, phải lấy thêm nguồn tài liệu…

Trong khi đó, người hướng dẫn 2 lại rất cụ thể. Tôi viết đánh giá của Bộ trưởng Văn hóa Thông tin về báo chí Việt Nam sau Đổi mới, thầy hướng dẫn 2 lập tức ghi chú tên Bộ trưởng là gì? Rồi phải khâu nối một số đoạn cho liền mạch, phải viết lại cho đúng phong cách khoa học chứ không được viết kiểu văn nói… Sau 3 năm đèn sách tôi bảo vệ đúng hạn và nhận bằng tiến sĩ báo chí.

Sau này đi nghiên cứu với vai trò học giả tại Đại học University of California, Irvine (Mỹ), do sự giới thiệu của thầy Zasoursky, tôi có đến thăm GS.TS Michael Park (nhận giải Pulizer) tại Đại học USC (Mỹ), GS Park cũng gợi ý nhiều nghiên cứu quan trọng cho tôi và bảo: Các cậu may mắn là được học một người thầy thông minh, lịch lãm, nhân hậu, hết lòng vì học trò.

Không những tôi mà các anh em khác đều cảm nhận được tấm lòng chân tình, thương yêu của thầy. Năm 2008 - 2009, để chuẩn bị thành lập ngành truyền thông quốc tế (Học viện Ngoại giao), trong khi tôi chấp bút soạn thảo chương trình đào tạo, thầy Zasoursky đã góp ý rất nhiều.

Khi học trò cũ chúng tôi thông qua Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) mời thầy sang thăm Việt Nam năm 2010, lần đó nhiều thế hệ học trò đều được gặp thầy. Thầy góp ý thêm cho tôi về việc mở ngành truyền thông quốc tế và tặng tôi mấy cuốn sách giáo khoa.

Gặp lại, thầy vẫn nhớ nhiều người, nghe anh Phúc Nguyên nói tiếng Nga, thầy bảo lâu thế mà Nguyên vẫn nói tiếng Nga chuẩn, lưu loát. Thầy khen anh Đăng Phát trình bày vấn đề đúng ngôn ngữ nhà báo lắm. Chúng tôi còn mời thầy đến nói chuyện một buổi tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và cùng thầy lên tiếp xúc với công chúng tại cầu truyền hình do VTV tổ chức.

Sau đó được sự động viên của mọi người, tôi làm thủ tục xin Nhà nước khen tặng GS.TS Zasoursky. Nhà nước ta đã chấp thuận tặng Huân chương Hữu nghị cho GS.TS Zasoursky do những cống hiến lâu bền đối với sự nghiệp đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

Năm 2012, đoàn công tác chúng tôi đã lên đường quay lại thăm trường cũ, tổ chức trao tặng Huân chương Hữu nghị cho người thầy kính yêu tại Đại sứ quán Việt Nam ở Liên bang Nga. Thay mặt lãnh đạo Học viện Ngoại giao tôi cũng kính tặng thầy Bằng tiến sĩ danh dự của Học viện Ngoại giao trong dịp đó.

Hôm nay thầy đã đi xa, tôi viết đôi dòng để tưởng nhớ người thầy kính yêu của nhiều thế hệ học trò từng là sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh... hoặc những người đã từng có dịp tiếp xúc gặp gỡ và yêu mến, kính trọng thầy.

Nhớ về thời du học, về trường cũ, thầy xưa, tôi xin trích một đoạn trong bài thơ “Matxcơva hôm nay” (Lê Thanh Bình, Rút từ tập thơ “Lên núi cao thổi sáo”, NXB Hội Nhà văn 2019):

“Thăm lại Matxcơva,

Tôi gặp người thầy,

Mắt kính dày thêm,

Giọng không còn khỏe,

Lưng nặng thời gian...

Thầy Ya.N. Zasoursky kính yêu!

Khoa Báo chí ơi!

Trường cũ MGU,

Gần 20 năm,

Chúng ta xa cách!!!

Mắt thầy nhòe lệ,

Trò ướt đẫm mi...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.