Tuổi trẻ nhưng chí lớn
Kể lại cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của liệt sỹ Lê Đình Chinh (Sinh năm 1960), bà Chu lại rơm rớm nước mắt. Gia đình bà có 6 người con (5 trai, 1 gái).
Liệt sỹ Lê Đình Chinh là con trai đầu. Trước đây gia đình bà Chu sinh sống và làm việc tại Nông trường Ba Vì sau chuyển về Nông trường sông Âm, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).
Năm 1990, sau khi cụ ông Lê Đình Tùng mất, gia đình chuyển về sinh sống tại TP Thanh Hóa. Trong số 6 người con của bà Chu thì có 4 người đều lần lượt tham gia phục vụ trong quân đội.
Ngày ấy, điều kiện gia đình khó khăn, cơm không đủ ăn. Gia đình bà Chu ngoài làm việc trên nông trường còn phải làm thêm đồng ruộng, trồng thêm ngô, sắn để phụ thêm.
Lê Đình Chinh là anh cả nên ngoài việc đi học còn phải tham gia các công việc nhà, chăm sóc các em để giúp bố mẹ. Ngày 16/2/1975, khi Chinh mới 15 tuổi, anh bất ngờ xin phép bố, mẹ nhập ngũ.
Thấy con còn nhỏ tuổi nên gia đình rất lo lắng. Nhưng thấy anh kiên quyết với ước nguyện được phục vụ Tổ quốc nên gia đình đã đồng ý cho anh nhập ngũ và động viên khi anh lên đường.
Đưa bàn tay run run lên lau những giọt nước mắt, bà Chu nói: "Thương con lắm! Ngày Chinh lên đường nhập ngũ, bố mẹ bận việc trên nông trường, các em còn nhỏ, nên chẳng ai đi đưa tiễn. Sau đó, có một lần duy nhất bố Chinh đến thăm khi Chinh đang huấn luyện ở Triệu Sơn.”
Sau thời gian huấn luyện tại huyện Triệu Sơn, Lê Đình Chinh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ tư lệnh công an vũ trang nhân dân (nay là Bộ đội Biên phòng). Đơn vị của Lê Đình Chinh được điều động vào chiến trường Tây Nam chiến đấu chống quân Pôn Pốt xâm phạm biên giới.
Tại chiến trường này, anh đã bị thương và được đưa ra Bắc điều trị. Lành vết thương, Lê Đình Chinh xin trở lại đơn vị cũ tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1978, đơn vị của Lê Đình Chinh đã được bí mật điều động lên Lạng Sơn, bảo vệ biên giới phía Bắc.
Xanh mãi nơi biên cương
Thời điểm năm 1978, người Hoa từ Việt Nam di cư về nước ngày một nhiều. Tình hình biên giới Việt – Trung hết sức căng thẳng. Ngày 12/7/1978, phía Trung Quốc bất ngờ ra lệnh đóng cửa biên giới, dẫn đến việc hàng ngàn người Hoa bị dồn ứ ở các cửa khẩu. Họ dựng lều bạt ngay trong khu vực cấm, làm náo loạn cả một vùng biên, gây nhiều khó khăn cho ta trong việc giữ gìn an ninh trật tự.
Việc giải tỏa người Hoa ở các cửa khẩu trở thành nhiệm vụ cấp bách. Tỉnh Cao Lạng (nay là tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn) huy động lực lượng địa phương cùng lực lượng Đồn biên phòng Hữu Nghị và Trung đoàn 12 tham gia giải tỏa cửa khẩu, động viên những người Hoa trở về nơi ở cũ làm ăn sinh sống.
Tuy nhiên, nhiều tên hung hãn ở bên kia biên giới Việt Nam, trà trộn vào khu vực biên giới, tấn công cán bộ đang vận động người Hoa giải tán.
Trước tình hình trên, Lê Đình Chinh (bây giờ là Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Đại đội 6, Trung đoàn 12) ở dưới chân đồi Pù Tèo Hào đã cùng với đồng đội xông lên giải vây và cứu được một cán bộ phụ nữ đang nằm ngất xỉu. Nghe tiếng kêu cứu của một đồng đội khác, anh tiếp tục quay lại cứu đồng đội thoát khỏi vòng vây của đối phương.
Chiến đấu với kẻ địch bằng tay không, Lê Đình Chinh bị một viên đá ném vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng vẫn xông lên bắt được một tên và truy kích địch chạy về sát đường biên.
Bất ngờ, Lê Đình Chinh bị một tên nấp sau lán trại dùng gậy vụt ngang ống chân khiến anh ngã sấp xuống đất. Ngay lập tức, 4 tên từ bên kia biên giới lao sang, dùng dao quắm chém tới tấp xuống đầu, xuống cổ anh.
Lê Đình Chinh hy sinh lúc 10 giờ 30 trên đồi Pù Tèo Hào, gần sát km số 0. Sau sự hi sinh của Lê Đình Chinh, hàng nghìn người Hoa hoảng loạn, xông về phía cửa khẩu, phá cổng biên giới chạy về nước.
Bà Chu xúc động kể lại: Đúng ngày Chinh hi sinh, vào lúc 18 giờ ngày 25/8/1978 (tức 21/7/1978 âm lịch), cả nhà bật đài lên nghe thời sự thì thấy đài phát nội dung sự kiện chiến sỹ Lê Đình Chinh giải vây cho cán bộ, cứu đồng đội mình và đã hy sinh. Trong bản tin, không nói rõ Lê Đình Chinh quê ở đâu nên gia đình vô cùng lo lắng, thấp thỏm đứng ngồi không yên.
Hi vọng đó chỉ là sự trùng hợp về tên tuổi. Tuy nhiên, ngày ấy cũng không có phương tiện để liên lạc và kiểm chứng xem có phải con mình đã hy sinh.
Những ngày sau đó, không khí gia đình chìm trong ảm đạm, từng phút, từng giây tôi cầu trời phật cho con mình vẫn mạnh khỏe. Thế nhưng, ngày 2/9, gia đình nhận được tin báo tử.
Ngay trong năm 1978, gia đình bà Chu được đón về Lạng Sơn để tham dự “Lễ tuyên dương công trạng” và đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước truy tặng cho Lê Đình Chinh.
Anh được an táng tại khu vực hang Muối (xã Hồng Phong, Văn Lãng), gần với đồi Pù Tèo Hào nơi anh đã hi sinh. Đến năm 1979, anh đã được đồng đội quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cao Lộc.
Hơn 30 năm sau ngày anh Chinh hy sinh, không có ngày nào mẹ Chu yên lòng. Anh nằm ở xa quê hương, gia đình lại không có điều kiện thăm anh thường xuyên được. Tâm nguyện của gia đình là muốn đưa anh Chinh về Thanh Hóa.
Ngày 6/1/2013, Lê Đình Chinh đã được những người đồng đội cũ, ngành chức năng, chính quyền hai tỉnh đưa về yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa).
Anh Lê Đình Lai - Em trai liệt sỹ Lê Đình Chinh - tâm sự: Từ ngày anh Chinh về gần với gia đình, tinh thần mẹ vui vẻ, khỏe hẳn ra. Vào các dịp lễ, Tết, ngày giỗ, gia đình thường cùng nhau ra mộ thăm anh. Thỉnh thoảng đồng đội cũ của anh Chinh cũng về thăm mộ và thắp hương cho anh.
Năm nay, mẹ tôi yếu nhiều nên không thể ra mộ thăm anh tôi được. Khi nhớ, mẹ lại đem tấm ảnh anh Chinh khi mới lên 2 tuổi đang được mẹ bế trên tay – kỷ vật duy nhất của anh Chinh còn giữ lại được, ra ngắm.
Mẹ cũng thường kể lại những kỷ niệm ngày nhỏ, sự hi sinh của anh tôi cho con, cháu nghe. Với mẹ, anh tôi vẫn như hiện hữu ngay bên cạnh mẹ, vẫn như ngày anh còn thơ ấu chưa lên đường nhập ngũ.
Lê Đình Chinh là chiến sĩ đầu tiên tử trận trong chiến tranh biên giới Việt - Trung 1978-1979, tại mặt trận huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) trong khi thi hành nhiệm vụ ngăn cản quân Trung Quốc tràn qua biên giới Việt Nam.
Anh hi sinh khi mới tròn 18 tuổi. Tên tuổi của Lê Đình Chinh đã trở thành một trong những biểu tượng anh hùng của thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.