Nhờ bạn thân “điều trị”... chồng lười

GD&TĐ - Cũng như nhiều cặp đôi khác, khi bước vào hôn nhân, vợ chồng tôi cảm thấy rất khó điều chỉnh những thói quen của nhau. 

Nhờ bạn thân “điều trị”... chồng lười

Tôi hiểu rằng mình cần có thời gian để hòa nhập và vì thế, tôi chưa bao giờ dám mơ mình được làm mọi việc theo sở thích. Tôi cũng ý thức rất rõ về sự bình đẳng giữa hai vợ chồng để hôn nhân luôn êm đềm. Nhưng tôi thực sự bế tắc khi không biết phải thay đổi thói lười biếng của chồng ra sao.  

Chồng tôi có thể hỗ trợ tốt về tài chính, nhưng lại thiếu thốn về tinh thần, điều đó khiến tôi nghĩ dường như anh không coi trọng hôn nhân. 

Tôi coi buổi tối là khoảng thời gian để thư giãn, đặc biệt là những tối cuối tuần. Nhưng anh luôn làm hỏng mọi thứ vì chỉ biết cắm mặt vào điện thoại. Ngay cả việc ngước lên nhìn tôi cũng rất khó khăn đối với anh. Tôi biết, lắm điều không giải quyết được vấn đề, vì thế tôi quyết định ngừng phàn nàn và bắt đầu làm điều gì đó khác biệt. 

Nghĩ là làm, tôi gọi ngay một cô bạn thân để nhờ tư vấn: “Bà ơi, tôi phải làm gì để xử lý ông chồng lười biếng này?”. Bạn tôi nói không khác gì một chuyên gia: “Điều quan trọng, bà phải tìm hiểu nguyên nhân, hãy quan sát xem chồng mình lười biếng có phải vì anh ấy thấy bà xử lý mọi việc một cách hoàn hảo ngay cả khi không có sự hỗ trợ của anh ấy hay không? Nếu nguyên nhân chính xác là vậy thì bà nên thay đổi thói quen của chính mình trước đã”.

Tôi ngẫm nghĩ một lúc, nhận ra bạn mình nói đúng. Tôi hỏi tiếp: “Đúng như bà nói, tôi hay nghĩ nhanh và làm nhanh nên thường xuyên giải quyết xong mọi việc rồi mới thấy bực mình vì anh ấy cứ ngồi im một chỗ. Vậy bây giờ, tôi phải thay đổi anh ấy bằng cách nào?”.

Bạn tôi thuyết trình như một cái máy: “Thế này nhé, thứ nhất, bà hãy làm tốt việc phân chia và ủy quyền. Đối phó với một người chồng lười biếng cần phải có chiến lược. Tất cả công việc nhà cần được chia đều cho hai vợ chồng. Hai người hãy ngồi lại với nhau và phân chia công việc cho nhau.

Khi làm điều này, bà đừng tỏ ra mình là người độc đoán hoặc ích kỷ. Thay vào đó, hãy trò chuyện một cách cởi mở, thoải mái. Khi các nhiệm vụ đã được phân chia, bà hãy chỉ thực hiện nhiệm vụ của riêng mình, đừng can thiệp vào phần việc của chồng.

Còn có một cách khá ngọt ngào để đối phó với người chồng lười biếng. Bà thử tưởng tượng nhé, điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì cằn nhằn và la mắng, bà thử một cách tế nhị và dịu dàng hơn. Ý tôi là, có sự khác biệt rất lớn giữa câu “Anh không chịu làm gì cả” và “Anh có thể giúp em việc này không?”. Nói một cách dễ hiểu, hãy để anh ấy cảm thấy bà cần anh ấy thay vì trách anh ấy lười biếng.

Tôi nghe mà như nuốt từng lời của bạn. Nghe đến đâu, tôi cười đến đấy và không ngừng thán phục bạn: “Bà đúng là chuyên gia!”. Bạn tôi dường như không để ý lời khen của tôi, mà chỉ chăm chú vào chuyên môn: “Sự cảm kích chính là động lực lớn nhất khiến mỗi người phấn đấu vươn lên, vì vậy đó cũng là cách điều trị một người chồng lười biếng. Mỗi khi chồng bà làm điều gì đó, bà hãy tỏ ra cảm kích. Lời “cảm ơn” chính là sự “thúc giục” để anh ta muốn duy trì hành động đó, và lâu dần sẽ trở thành một thói quen. 

Vợ chồng bà cũng nên tham gia một số hoạt động mà cả hai cùng quan tâm. Đó có thể là một môn thể thao hoặc bất kỳ hoạt động nào khác. Điều quan trọng là phải lên lịch trình để cả hai người, đặc biệt là chồng bà, có một thói quen nhất định

Bà biết không, lười biếng không phải là một trạng thái thường trực của tâm trí. Nếu bà là một người vợ biết yêu thương, bà cần cho anh ấy cảm nhận được niềm vui và sự phấn khích khi từ bỏ thói lười biếng.

Mà này, thực tế là thi thoảng, chúng ta đều cần phải lười biếng, vì vậy bà cũng có thể lên kế hoạch cho những ngày lười biếng cùng nhau”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...