"Bóng đèn nhà tắm hư cả tháng, nhắc anh sửa anh cứ ậm à ậm ừ. Cuối cùng mình phải gọi thợ bên ngoài vào thay".
"Kêu sơn lại cái hàng rào cho đẹp, anh hứa từ tháng này đến tháng khác. Cuối cùng vợ phải tự mua sơn về ì ạch bắc thang leo lên sơn, anh mới ra phụ được vài tiếng đồng hồ".
"Đến khoan tường treo bức tranh cũng vợ ở nhà làm. Chán lắm!"
Chuyện của Ng. Chồng Ng. là dân kỹ thuật, đi làm thì nhận mọi phần công tác sửa chữa đồ điện lạnh cho khách của công ty. Nhà tủ lạnh, quạt máy có hư hỏng anh cũng sửa. Nhưng việc nhà "ngoài chuyên môn" là coi như anh bỏ phế.
"Kêu sơn lại hàng rào cho đẹp, anh hừa từ tháng này đến tháng khác" |
Giờ giấc của chồng Ng. ngoài 8 tiếng ở công ty còn làm ngoài giờ trong trường hợp sếp yêu cầu. Ng. nói biết chồng mệt nên cũng không bắt ép làm gì nặng nhọc ở nhà. Nhưng kể cả thời gian cô mang bầu, sinh con, anh cũng rất ít khi đả động đến việc nhà. Mọi thứ phó mặc cho bà nội và người giúp việc và cả cô vợ bầu lặc lè.
Kinh tế thì eo hẹp, khi có thể lo toan mọi việc trở lại, Ng. một tay chăm con một tay nấu nướng dọn dẹp. Thậm chí cô quần quật lo chuyện công ty đến chuyện nhà cửa, con cái sau thời gian nghỉ sinh, anh chồng vẫn quen nếp cũ như thời thanh niên.
"Lấy chồng lười chán lắm" - Ng. ta thán.
"Lấy chồng lười, chán lắm!" |
Hóa ra, trong muôn hình vạn trạng của đời sống hôn nhân, quả thật con người ta không thể lường trước được điều gì khi quyết định bước vào. Trong một câu chuyện khác lại là "chồng suốt ngày lên mạng facebook, chat chit" của cô vợ 9X.
Ngày kết hôn cùng anh chàng đẹp trai, nàng thấy hết sức tự hào với đám bạn còn đang ế chỏng chơ. Hình ảnh đôi trẻ trong tuần trăng mật ở Hàn Quốc hạnh phúc rạng rỡ khiến bao người phải trầm trồ, ghen tỵ.
Nhưng chẳng bao lâu nàng ngã ngửa chàng là "cậu ấm" của bố mẹ nên chẳng tháo vát. Tính tình lại trẻ con, đi làm hết chỗ này đến chỗ khác. Chỗ nào cũng chê thu nhập không xứng đáng, nghỉ việc.
Nàng bảo, nhiều lúc nhìn chồng người ta vào bếp nấu ăn, rửa chén cùng vợ mà ham. Chồng mình cứ đi chơi thì thôi, về lại nằm ườn ra ghế bấm điện thoại, đến cái vớ cũng không bỏ vào máy giặt.
Cô nàng ngao ngán không biết lúc nào thì chồng ưng ý với một "công việc nhẹ lương cao" như mong muốn. Hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng chủ yếu lệ thuộc vào số tiền cho thuê dãy nhà trọ của cha mẹ chồng.
Cũng vì chồng thiếu chí tiến thủ mà nàng lần lữa chuyện sinh con, vì giờ mà "sinh con ra lấy tiền đâu mà nuôi".
Đàn ông đã được trao quyền "xem ti vi đọc báo" trong khi vợ quần quật làm việc nhà từ đời ông bà, cha mẹ. Nhưng đó là thời xưa khi phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà lo chuyện giặt giũ bếp núc.
Còn phụ nữ hiện đại cũng mất tám tiếng mệt mỏi bên ngoài nhưng về nhà xắn tay áo vào lại có biết bao chuyện không tên bủa vây. lau chùi, quét dọn, gặt rửa đến tận khuya có khi cũng không hết việc. Chồng vẫn cứ trì trệ, lười nhác có ngày... già néo đứt dây cũng nên.
Giống như trường hợp của một cô em bạn tôi, thật bất ngờ là một trong những lý do em nói khi quyết định ra tòa ly dị có: chán sự lười nhác của chồng!
Tất nhiên, nguyên nhân chính là vấn đề khác, nhưng chồng lười cũng là một trong những yếu tố củng cố cho quyết định này của em. Em nói em tủi thân vì "mang tiếng có chồng" mà việc gì cũng tới tay, vậy thà đừng có chồng cho đỡ ấm ức.
Phụ nữ thời nay lấy chồng không còn phải "trong nhờ đục chịu" nữa rồi. Họ cũng có nhiều áp lực của đời sống xã hội, chuyện phải "chịu đựng" một ông chồng dù theo nghĩa nào cũng dễ khiến họ nghĩ đến việc "giải thoát".
Đàn ông "râu hùm hàm én mày ngài/Vai năm tấc rộng thân mười thước cao" mà để vợ chán, vợ chê là lười, chẳng biết có còn "dây thân kinh" xấu hổ không?