NHNN: Không khuyến khích mua bán vàng miếng

NHNN: Không khuyến khích mua bán vàng miếng

(GD&TD)-Chiều nay (28/10), Ngân hàng Nhà nước đã công bố những nội dung chủ yếu trong dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, gồm 7 chương 24 điều.

Sẽ
Sẽ siết chặt cả hoạt động sản xuất lẫn kinh doanh vàng miếng (ảnh MH)

Siết chặt cấp phép sản xuất vàng miếng

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng bằng việc hạn chế số lượng các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất. Chỉ khi đủ các điều kiện bao gồm: có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng miếng theo quy định, có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị đầy đủ; chiếm từ 25% trở lên thị phần sản xuất vàng miếng trong 3 năm liên tiếp gần nhất.

Ngoài ra, số lượng vàng miếng được sản xuất sẽ quy theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước cấp, đồng thời tuân thủ quy định về nguồn gốc vàng nguyên liệu để ngăn chặn sử dụng vàng nhập lậu.

Trong dự thảo tháng 6, Nghị định quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ nêu ra 2 phương án: Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất. Nếu cấp phép cho doanh nghiệp, cơ quan này sẽ quy định trình tự, thủ tục, số lượng trong từng thời kỳ. Nhưng trong dự thảo Nghị định trình lên Chính phủ lần cuối cùng này, Ngân hàng Nhà nước đã quy định cụ thể, phải có từ 500 tỷ đồng vốn điều lệ, chiếm 25% thị phần kinh doanh vàng miếng, doanh nghiệp mới được sản xuất vàng miếng.

Thu hẹp đối tượng được mua bán, kinh doanh vàng miếng

Cùng với siết chặt hoạt động sản xuất, Ngân hàng Trung ương cũng khẳng định không khuyến khích mua bán vàng miếng và thu hẹp đối tượng được mua bán, kinh doanh. Nguyên nhân là hiện nay, hoạt động này bị thả nổi, tự do tại 12.000 doanh nghiệp vàng, khiến cho Ngân hàng Nhà nước khó khăn trong quản lý và tăng nguy cơ vàng hóa. Do đó, cơ quan này sẽ siết chặt hoạt động cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Những doanh nghiệp muốn được chấp nhận, phải đủ các điều kiện: Thành lập theo quy định của pháp luật; có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán vàng; đã nộp từ 500 triệu đồng trở lên tiền thuế của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm năm gần nhất; có mạng lưới bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Việc làm này, theo Ngân hàng Nhà nước, có thể khiến cho số lượng các doanh nghiệp được mua bán kinh doanh vàng miếng giảm từ trên 10.000 xuống còn một số doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có khả năng tài chính, kinh nghiệm, uy tín.

Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng nêu thông điệp sẽ quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm kiểm soát số lượng, điều tiết cung cầu, hạn chế đầu cơ, nhập lậu vàng.

Trong dự thảo trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất được thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường khi có diễn biến bất thường. Cách thức thực hiện, theo đề xuất của Ngân hàng Trung ương có thể là cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu; huy động vàng. Việc làm này theo đó sẽ có thể khắc phục đầu cơ, lũng đoạn trên thị trường, tiết kiệm ngoại tệ để nhập khẩu vàng, duy trì chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế hợp lý nhất, hạn chế buôn lậu vàng.

Bảy biện pháp để tăng cường quản lý thị trường vàng

Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng. Do hoạt động sản xuất vàng miếng có tác động rất lớn tới nguồn cung vàng miếng trong nước, nên để bình ổn thị trường vàng, hoạt động sản xuất vàng miếng cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Thứ hai, dự thảo nghị định thu hẹp đối tượng được phép kinh doanh mua bán vàng miếng, không khuyến khích hoạt động mua bán vàng miếng.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước quản lý chặt chẽ hoạt động xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, là cơ quan tổ chức và/hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Quy định này cũng nhằm tạo điều kiện để quản lý, kiểm soát lượng vàng nguyên liệu xuất khẩu, nhập khẩu cũng như điều tiết cung - cầu trên thị trường, hạn chế tình trạng xuất nhập lậu vàng, đầu cơ, lũng đoạn thị trường.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo quy định tại dự thảo, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải được cơ quan này cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Thứ năm, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh vàng khác. Dự thảo nghị định quy định các hoạt động kinh doanh vàng khác, ngoài hoạt động được quy định trong dự thảo sẽ chỉ được phép thực hiện sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp phép.

Với hoạt động kinh vàng trên tài khoản, hoạt động phái sinh về vàng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt tạo điều kiện cho hoạt động đầu cơ, gây bất ổn thị trường vàng, ngoại hối, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và quyền lợi của người dân, nên việc cho phép thực hiện các hoạt động này phải tùy thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ.

Thứ sáu, dự thảo có những quy định tạo cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng khi có diễn biến bất thường qua các hoạt động: cấp phép sản xuất vàng miếng; tổ chức mua bán vàng miếng trên thị trường trong nước; tổ chức xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu; tổ chức huy động vàng.

Thứ bảy, nhà nước thực hiện điều tiết thị trường vàng thông qua chính sách thuế. Dự thảo nghị định quy định Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu vàng, thuế trị giá gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ.

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ