Thậm chí chỉ làm nhân viên chạy bàn, phục vụ quán ăn... Rất nhiều thanh niên đổ về khu phố cổ Hà Nội hàng đêm để kiếm sống. Họ phục vụ các hoạt động giải trí, ăn uống của những khách hàng trẻ tuổi ghé tới trung tâm thành phố về đêm.
Điểm hút giới trẻ vào lòng Hà Nội
Tối thứ 6, mùa hè, khu vực phố cổ Hà Nội đông như nêm. Mặc cái nóng oi ả làm mướt mồ hôi, dòng thanh niên vẫn đổ về đây để giải trí, ăn uống.
Việt (một nam thanh niên người gốc Hà Nội, nhà ở quận Đống Đa, vừa tốt nghiệp trường ĐH có tiếng ở Thủ đô) đưa bạn gái đi chơi đêm phố cổ kể: “Loăng quăng ăn, cafe thôi bọn em cũng “giết” thời gian 3-4 tiếng đồng hồ. Đi xe máy tới đoạn đường sát với khu phố cổ thì gửi xe, đi bộ đến quán vỉa hè nào đó ăn tối. Bọn em đều đang ăn chế độ tập GYM giữ dáng, nhưng cứ “thả cửa” ăn uống vào một tối cuối tuần có hứng đi chơi phố cổ. Vài con chim cút nướng ở phố Đinh Liệt, một đĩa phở bắp bò xào phố Hàng Buồm, hay ốc luộc với trứng cút lộn xào me... Nhâm nhi mấy món ăn lặt vặt xong, bọn em đi bộ tới quán cafe phong cách trẻ trung, gọi một cốc cafe sữa đá và một cốc sinh tố. Vậy là có thể ngồi ngắm trai đẹp, gái xinh đi lại trên phố, hay hai đứa cùng buôn chuyện công việc và cuộc sống đến tận khuya...”.
Thu nhập từ công việc ổn định mới xin được, cộng với chăm chỉ bán hàng xách tay “order” trên mạng xã hội, Việt kể cậu dư sức để chi tiêu cho những buổi tối “ăn, chơi” như vậy.
Cũng giống Việt, nhiều thanh niên đến khu phố cổ buổi tối để ăn uống, vui chơi, thư giãn, bởi chi phí cho những buổi tối mà thanh niên thường nói lóng là “xõa lành mạnh” như thế không quá đắt đỏ.
Chẳng ngại ngồi vỉa hè uống bia, nhiều nam thanh nữ tú chọn cho mình những quán nhỏ bán bia 5.000đ. 20.000đ một đĩa khoai tây chiên, 5.000đ một cái nem chua, đĩa nem rán 30.000đ, lạc luộc, mực nướng... trở thành những đồ ăn, thức uống không đủ ngon để thưởng thức, nhưng lại giúp từng tốp, từng nhóm thanh niên có cớ ngồi tám chuyện đêm khuya trong phố cổ.
Những chàng trai thay vì mặc đồ lịch sự đi làm, đi học ban ngày, buổi tối vào phố cổ chơi cứ quần sooc áo phông, còn các cô gái thì tha hồ diện các kiểu thời trang (thậm chí rất phóng thoáng trong cách ăn mặc).
Ngồi vỉa hè các phố Hàng Buồm, Mã Mây, Đinh Liệt... nếu chỉ chăm chú nhìn vào thanh niên qua lại, có lẽ người lớn tuổi không khỏi nhức mắt vì cơ man trang phục “tự do”, “kiệm vải” và kể cả “kỳ dị”. Những trang phục thường gặp khi nghỉ mát ở biển cũng có thể trở thành “bình thường” trong đêm chơi phố cổ của một số thanh niên.
Các thanh niên ngoại quốc đến phố cổ thì thích thú bởi ở đây có thể thoải mái cười đùa, vận đồ bụi của dân phượt, hay đồ rất dị (giữa mùa hè đội mũ len, mặc áo khoác, đi giày mùa đông... thậm chí trên đông, dưới hè và ngược lại).
Từ Đức về Hà Nội thăm nhà, Duy (du học sinh) dẫn theo 2 cậu bạn người Đức. Ngay tối cuối tuần đầu tiên ở Hà Nội, Duy đưa các bạn ngoại quốc đi chơi phố cổ. Tất cả cùng thốt lên ngạc nhiên về màu sắc văn hóa và cách vui chơi của thanh niên ở đây khác xa so với ở châu Âu. Ngay cả Duy, dù sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng 6 năm du học ở Đức, về nhà, mỗi lần chơi khua ở phố cổ là thêm một lần gây ít nhiều cảm xúc khác nhau với cậu.
Phố cổ vẫn vậy mỗi dịp Duy về thăm Việt Nam, những nếp nhà cũ kỹ, dù biển hiệu sáng choang, hàng quán nhộn nhịp hơn về đêm, nhất là những đêm cuối tuần. Vốn là người có gốc gác ở phố cổ Hà Nội, Duy kể cậu vừa dự tuyển vào một công ty ở Đức, khả năng cậu sẽ ở lại Đức làm việc sau thời gian du học. “Nhưng mỗi lần về Hà Nội, cảm giác bồi hồi, gắn bó không vơi đi. Những khoảng thời gian được sống ở Hà Nội, em dành nhiều tối đi chơi lang thang trong phố cổ. Dù có cơ hội lớn ở lại một đất nước hiện đại và phát triển, nhưng quê hương, mà cụ thể là phố cổ Hà Nội luôn gắn bó sâu trong tâm trí”- Duy tâm sự.
8h tối thứ 7, dòng người đổ về khu vực các phố cổ trung tập ngày càng đông. Yến (nữ sinh năm thứ 3 của một trường ĐH ở Cầu Giấy) tối nay được gia đình người họ hàng (mà cô sống cùng từ lúc ở quê ra Hà Nội đi học) đưa đi chơi phố cổ. Cô gái có tiếng là ngoan, mỗi ngày chỉ chúi mũi vào sách vở, học hành, rảnh buổi tối thì quán xuyến kèm học các em họ.
Yến rất ít khi ra khỏi nhà buổi tối, khu phố cổ là một điểm đến hiếm hoi mỗi khi cô đi chơi chung với gia đình người họ hàng. Chỉ ngắm dòng người đi lại, vui chơi quanh khu vực Bờ Hồ cũng hút sự tò mò của Yến. Cô dắt hai người em họ len vào đám đông đang đứng xem một nhóm sinh viên trường nghệ thuật biểu diễn nhạc.
“Họ chơi nhạc ngoài đường mà say xưa thật”- Yến thốt lên- “Cũng là một cách kiếm tiền văn minh của các bạn ý”. Nữ sinh năm thứ 3 ủng hộ thanh niên trường nghệ thuật một tờ 20.000đ vào chiếc hộp nhỏ để gần chỗ cô đứng. Trên con đường Đinh Tiên Hoàng, phía sát Bờ Hồ, Yến cũng dừng chân xem một sinh viên trường mỹ thuật hay kiến trúc nào đó vẽ chân dung một thiếu niên. “Họ thật kiên trì, mất nhiều thời gian và khoản tiền kiếm được mỗi tối chắc không nhiều. Thay vì có thể làm gia sư như em, để có tiền chi cho các khoản sinh hoạt cá nhân giữa cuộc sống sinh hoạt phí đắt đỏ ở Thủ đô, những bạn trẻ học ở Hà Nội có thể làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống, miễn là chuyện kiếm tiền của họ hợp pháp và không ảnh hưởng đến ai”- Yến bày tỏ.
Buổi tối đi chơi tới khuya ở trung tâm Thủ đô như một “đặc ân” đối với cô gái chỉ “tụ tập” với bạn bè sau giờ học ngoài quán chè là cùng, chứ không bao giờ ra đường một mình đêm khuya, Yến nói cô thích nhất cảm giác xếp hàng mua kem que ở Tràng Tiền, một cảm giác rất Hà Nội, còn dạo chơi quanh hồ Hoàn Kiếm thì chẳng bao giờ chán, dù trời có oi bức, đông người, nhưng quanh hồ nhiều cây, nên không khí vẫn dễ chịu hơn những đường phố hầm hập xe cộ quanh trường Yến học.
Những thanh niên đổ mồ hôi kiếm sống nơi phố cổ
“Gái xinh ơi, anh trai ơi, bạn ơi... nem chua rán, khoai tây chiên, bò khô, bia tươi... anh chị em ơi...”- Một thanh niên trẻ mặc đồ khá “chất”, kiểu thời trang đúng nét của giới trẻ thành thị, mũ lưỡi trai trên đầu và đeo kính đen xì (dù 9h tối), cậu ta cố gắng gân cổ mời gọi những người đang đi qua cửa hàng nhỏ xíu (đặc trưng của những quán sống nhờ vào vỉa hè nơi phố cổ).
Chúng tôi ghé quán của cậu thanh niên này, cậu rất cởi mở, nhiệt tình “chăm sóc” bất kỳ vị khách nào vào uống bia 5.000đ/cốc. Trên vỉa hè nhỏ, vài cái bàn rất nhỏ, những cái ghế cũng rất nhỏ, nhưng khách ngồi kín, từ mấy cô gái Việt tóc nhuộm xanh đỏ, vị khách trung tuổi có vẻ quen thân với chủ quán, đến những toán khách trẻ người nước ngoài phong cách mặc quần áo hết sức phóng khoáng.
Thanh niên chủ quán giới thiệu một lèo nhanh như cái máy với khách vừa ngồi xuống ghế: “Uống bia chứ anh? Có khoai tây chiên, nem rán, nem chua, xúc xích, thịt bò xé, mực khô... Anh cần gì cứ gọi em ạ. Em tên là Vũ ạ!”. Khách gọi bia. Vũ quay ra phía hai bom bia nhỏ xếp chồng lên nhau trước cửa quán, nơi đang sẵn sàng hai thanh niên khác liên tục rót bia cho khách: “Một bia ngay nào”- Vũ vừa hô thành thạo, vừa quay lại phía sau, cầm cốc bia có sẵn trên tay, giao lưu với khách đang uống bia- “Em mời anh chị”, rồi lại quay sang nhóm khách tây: “Cheer...”.
Vũ ngưng vài chục giây khua chân múa tay mời khách ngoài đường vào quán, rồi quay lại ngồi sát bắt chuyện với một vị khách nước ngoài, người gây chú ý bởi mặc quần buộc kiểu Thái có họa tiết voi, đội mũ len, đang ngồi lắc tay cầm cốc bia hơi, nhún vai theo điệu nhạc dance phát ra rất mạnh từ loa thùng trong quán: “Very nice...”- Vũ chỉ vào cái mũ len của vị khách. Vẻ thân thiện của chủ quán trẻ tuổi này liên tục khiến cả khách Việt và khách nước ngoài hài lòng.
Sau khi quay sang tính tiền rồi đấm tay vui vẻ tạm biệt hai vị khách nước ngoài vừa rời quán, Vũ không quên đeo cặp kính mắt đen rất “ngầu”, rồi lại chạy xuống đường mời khách: “Bia hơi, bia chai, nem chua rán, khoai tây chiên, chân gà xả ớt... các bạn muốn dùng gì?” Vừa mời mọc khách, Vũ vừa nhún nhảy, khua tay chân theo điệu nhạc phát ra từ loa. Vèo cái cậu lại chạy ra xốc bom bia mới lên cho những người bạn cùng kinh doanh ở quán rót bia cho khách.
Một tối quán con con của Vũ và những người bạn thường xuyên bán hết hai bom bia, mỗi bom vài chục lít. Dù giá bia và đồ ăn nhanh ở quán khá rẻ, nhưng nhìn vào lượng khách và tay rót bia liên tục là biết thu nhập của những thanh niên kinh doanh bám vào đêm ở phố cổ không hề ít.
Bận bán hàng và mời chào khách, nhưng Vũ vẫn tranh thủ giới thiệu với chúng tôi chi tiết về trang mạng xã hội mà cậu nhận order hàng thời trang, khi tôi hỏi thăm cái dây chuyền rất “style” mà cậu thanh niên năng động này đeo ở cổ: “Đồ rất rẻ mà cực độc đấy ạ. Chỉ 500k thôi, mấy hôm nữa rảnh em đi tráng một lớp bạc, đố ai bảo đây là dây mỹ ký. Anh chị thích mua đồ thời trang gì cứ vào facebook của em. Facebook của em đây… Xem ảnh, chọn đồ nào thích, rồi inbox cho em, em sẽ tư vấn. Em chỉ bận bán hàng thế này buổi tối, còn ban ngày em đi lấy đồ thời trang bán cho khách. Giá “hạt dẻ” thôi ạ. Ví dụ cái áo phông em đang mặc chỉ 300k thôi, cái quần này dáng đẹp phải không ạ? Chỉ 500k. Đôi giày này hơn 1 triệu tí. Còn đây, đôi dép em mới up ảnh trên facebook là hàng em vừa nhập về, độc luôn, 400k thôi… Em nhập hàng Quảng Châu, nhưng đồ chọn, chỉ có chuẩn mà rẻ. Chủ yếu hàng em “order” theo hình trên facebook mà khách xem thích thì đặt mua. Giá rẻ, chỉ vài trăm k mỗi cái…”.
Vậy là bán bia cho khách đi chơi phố cổ, song rảnh cái là Vũ tư vấn cho những khách quan tâm đến trang phục khá “chất” mà cậu mặc. Cậu sẵn sàng bán luôn cả cái dây chuyền mỹ ký đang đeo trên cổ, nếu như khách nhìn ưng quá.
Một cán bộ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cho chúng tôi biết: “Phố cổ đang ngày càng thu hút đông giới trẻ tới vui chơi, ăn uống buổi tối. Số thanh niên tham gia kinh doanh với hình thức đa dạng ngày càng nhiều. Dù phố cổ rất đông thanh niên, nhưng mục đích đến vui chơi là chính, hay kinh doanh kiếm sống là chính, nên cũng ít khi có những va chạm, hiềm khích giữa các thanh niên. Nói chung từ an ninh đến văn hóa trong các hoạt động về đêm ở phố cổ, bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan chức năng, thì vẫn phải tùy thuộc vào ý thức của những người đến phố cổ hàng đêm”.
Trong khi Duy trầm ngâm cảm nhận không gian phố cổ quen thuộc, thì hai người bạn Đức của cậu hào hứng thưởng thức bia tươi trong một bar nhiều khách là thanh niên người nước ngoài. Những vị khách trẻ tuổi đến Việt Nam đã chiêm nghiệm phong cảnh và con người ở những điểm du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Hạ Long, Nha Trang... nhưng đến Hà Nội cũng không khỏi thích thú khi được người bạn Việt Nam thân thiết đưa đi chơi phố cổ về đêm. “Bia chai nhập khẩu ở đây chất lượng tốt”- Một người bạn Đức của Duy nhận xét- “tôi chọn uống chai bia thương hiệu nổi tiếng được ướp lạnh.
Ở quán bar nhỏ mà có nhiều loại bia để lựa chọn. Nhân viên trẻ tuổi rất nhiệt tình, họ nói tiếng Anh tốt và sẵn sàng dành sự quan tâm tuyệt đối cho khách hàng, dù những người khách nước ngoài như tôi chỉ uống một chai bia, một cốc bia tươi, hoặc hỏi loại bia đắt tiền... Họ có thể nhanh chóng mang ra những cái ly sạch sẽ, được giữ lạnh, sẵn sàng bất cứ khi nào khách gọi bia và đòi hỏi uống bia đúng kiểu cách. Tôi chưa thử bia hơi bán ở vỉa hè, giá chưa đến nửa đô một cốc. Duy nói chúng tôi sẽ thử tất cả những kiểu uống bia ở khu phố cổ này trong những ngày chúng tôi chơi ở Hà Nội”.