Giấc mơ World Cup
Đội tuyển Việt Nam bất bại sau 5 lượt trận của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á. Chúng ta chơi trên cơ Thái Lan, đánh bại đội mạnh UAE tại Mỹ Đình và hàng thủ không để thua bàn nào.
3 lượt trận còn lại, do Covid-19 phải đá tập trung tại UAE, thầy trò HLV Park Hang Seo thắng 2, trước Malaysia và Indonesia, thua 1 trước chủ nhà UAE. Thành tích ấn tượng đó thắp lên hy vọng về khả năng bóng đá Việt Nam sẽ gây sốc ở vòng tranh vé trực tiếp đến Qatar.
Tuy nhiên, sau 4 lượt trận của vòng 3, đội tuyển Việt Nam đã biết mình là ai, đứng ở đâu trên đường đua. Ngay cả khi có được lực lượng mạnh nhất, ông Park và các học trò cũng không có “cửa” đi World Cup 2022.
Thậm chí, với đội hình hiện tại, đội tuyển Việt Nam duy trì được thành tích lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ là bước tiến lớn. Không ai dám chắc những Ngọc Hải, Tiến Dũng, Xuân Trường, Tuấn Anh và cả Quang Hải, Công Phượng giữ được phong độ, hay tránh được rủi ro chấn thương.
Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013, tức là cách đây 8 năm, bóng đá Việt Nam chưa dám nghĩ sẽ tranh tài ở vòng chung kết World Cup. Những mục tiêu cơ bản của chiến lược 2010 - 2020 mà LĐBĐVN xác định xoay quanh chức vô địch AFF Cup, Huy chương Vàng SEA Games, xây dựng các trung tâm bóng đá quy mô trên cả 3 miền…
Tính đến năm 2021, về cơ bản 3 mục tiêu kể trên đã thành hiện thực. Bóng đá Việt Nam đã thăng tiến vượt bậc trên bảng xếp hạng FIFA, giành được nhiều thành tích ấn tượng ở sân chơi châu lục.
Bài toán World Cup chỉ được đặt ra một cách nghiêm túc sau những gì huấn luyện viên Park Hang Seo đã làm được từ năm 2018 đến nay. Việc đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở vòng loại cuối cùng World Cup khu vực châu Á khiến giấc mơ của chúng ta không còn là hão huyền, thậm chí những nhà hoạch định chiến lược đã xoay chuyển nhanh chóng mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn.
Còn nhớ ở Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khoá VIII, mục tiêu đề ra cho đội tuyển Việt Nam chính là giành vé đến World Cup bắt đầu từ năm 2026. Đến Đại hội thường niên 2019, LĐBĐVN đã báo cáo về Chương trình hướng đến World Cup 2026, 2030.
Bóng đá Việt Nam sẽ tập trung đầu tư lứa cầu thủ 25 tuổi vào năm 2026. Đó là các cầu thủ sinh trong giai đoạn 2001 - 2002. Theo đó, mục tiêu dành cho thế hệ cầu thủ này sẽ nỗ lực để có mặt tại VCK U23 châu Á 2024, giành Huy chương Vàng SEA Games 2023, nỗ lực giành quyền thi đấu tại Olympic 2024 và World Cup.
Để hiện thực hóa giấc mơ World Cup 2030, Liên đoàn Bóng đá Việt Namu đã ký kết dự án “Vườn ươm tài năng bóng đá trẻ Việt Nam tại CHLB Đức”. Hàng năm, đội dự tuyển trẻ Việt Nam sẽ tập huấn và thi đấu tại Bayern Munich, Borussia Dortmund, Hertha Berlin…
Đứt gãy… “chuỗi cung ứng”
8 năm trước, bóng đá Việt Nam thắp lên hy vọng từ lứa U19 của bầu Đức với những viên ngọc thô như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… Chính lứa cầu thủ này đã đặt nền móng cho đội U23 Việt Nam từ SEA Games 2015 và sau đó, nhiều người đã trở thành trụ cột của đội tuyển quốc gia.
Những mảnh ghép chất lượng của bầu Đức kết hợp với lứa U20 đi World Cup 2017 của các trung tâm đào tạo khác như Quang Hải, Tiến Linh, Đình Trọng, Duy Mạnh… tạo thành thế hệ thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Với tài năng của huấn luyện viên Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã thiết lập nhiều kỷ lục, từ U23 đến đội tuyển quốc gia, từ giải khu vực đến châu lục. Cho đến hiện tại, chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ 3, chiến lược gia người Hàn vẫn đang được hưởng thành quả từ khâu đào tạo trẻ.
Những cầu thủ của U19, U20 năm nào giờ bước vào độ tuổi sung sức nhất. Đặc biệt, trên nền tảng thành công và vị thế tạo dựng được trong 4 năm qua, chúng ta chưa bao giờ rơi vào trạng thái thiếu hụt lực lượng. Lứa cầu thủ hiện nay sẽ còn chơi tốt ít nhất trong 2 năm nữa.
Nhưng “những ngày tươi đẹp” của ông Park, hay đúng hơn là bóng đá Việt Nam sẽ không còn kéo dài. Chúng ta đang đối mặt với sự đứt gãy thế hệ nghiêm trọng.
Sau lứa Quang Hải, Tuấn Anh, Xuân Trường… hiện tại chưa thấy một gương mặt nào, cụ thể là tuyến U23 kế cận đủ tiềm năng thay thế cho lứa cầu thủ vàng hiện nay. Điều đó phần nào thể hiện rõ trong chính sách “bảo thủ” của huấn luyện viên Park Hang Seo. Chiến lược gia người Hàn Quốc không có sự lựa chọn đủ tin tưởng để trẻ hóa đội tuyển Việt Nam.
Những Việt Anh, Thanh Bình, Văn Toản, Hoàng Anh, Văn Xuân… được ông Park trao cơ hội, nhưng hầu hết chỉ là lên tuyển để rèn luyện, học hỏi… rồi về. Đặc biệt, tính từ tháng 7/2020 cho đến nay, hơn 80 cầu thủ được triệu tập cho đội tuyển U22 Việt Nam. Trong đó, có khoảng 50 cầu thủ được đăng ký trong danh sách tham dự V-League. Nhưng số cầu thủ được đá đủ 12 vòng ở V-League 2021 chỉ đếm được trên một bàn tay. Bộ khung đội tuyển U22 Việt Nam cho SEA Games 31 đến lúc này vẫn chưa thành hình.
Bóng đá Việt Nam đã ở vào trạng thái, chúng ta có một hệ thống đào tạo trẻ tốt, đủ khả năng tạo ra chuỗi cung ứng cầu thủ liên tục. Sau lứa Công Phượng, Xuân Trường, Hùng Dũng, Quang Hải… là lứa U19 năm 2020 với “phù thủy trắng” Philippe Troussier, cùng tham vọng vươn đến những mục tiêu xa hơn như Olympic 2024, World Cup 2026, Olympic 2028 và World Cup 2030.
Nhưng sau những ồn ào đó, mối lương duyên của ông Philippe Troussier với bóng đá Việt Nam bất ngờ kết thúc. Và người ta thấy rõ hơn một khoảng trống mênh mông về lực lượng kế cận của bóng đá Việt Nam.
Huấn luyện viên Park Hang Seo đang phải xây dựng một lứa cầu thủ hoàn toàn mới, chủ yếu sinh từ năm 1999 - 2001. Thế hệ hiện tại không có những cầu thủ được đánh giá cao về tài năng như các bậc đàn anh trước đây.
“Thế hệ cầu thủ trẻ hiện tại có thể chưa phải là tập thể hoàn thiện. Họ đang được đào tạo để tiến bộ sau mỗi ngày và chúng tôi sẽ cố gắng để họ trưởng thành một cách tốt nhất. Thay vì để so sánh lứa trước với lứa bây giờ thì xin mọi người hãy động viên và tin tưởng để đội U23 Việt Nam đạt kết quả tốt nhất” – ông Park phát biểu.
Nguồn cơn khủng hoảng
Làm bóng đá trẻ rất khó và không phải giai đoạn nào cũng có một lứa chất lượng, kể cả bóng đá thế giới cũng vậy. Ngay tại các trung tâm uy tín cũng đang không có thế hệ kế cận chất lượng.
Hoàng Anh Gia Lai sau thế hệ cầu thủ học viện khóa 1 không còn đóng góp thêm cho đội tuyển quốc gia cầu thủ nào chất lượng. Trung tâm PVF từng được kỳ vọng lớn khi tuyên bố giúp bóng đá Việt Nam dự World Cup 2030 cũng đã chuyển giao và khép lại giấc mơ. Hà Nội, Viettel cũng chỉ trình làng được một vài gương mặt trẻ nhưng không quá nổi bật.
V-League gần như không có đất diễn cho các cầu thủ trẻ, khi mà các đội chạy theo thành tích với việc sử dụng ngoại binh, cầu thủ nhập tịch. Hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ Việt Nam cũng còn nhiều bất cập, chưa có tính đồng bộ.
Ngay cả giới chuyên môn cũng không phải ai biết rõ các cầu thủ U22 hiện tại. Đơn giản bởi nhiều tuyển thủ trẻ thậm chí còn chưa được ra sân ở V-League trận nào, có người đang chơi ở hạng Nhất, thậm chí là hạng Nhì. Không có được nhân sự tốt thì đến mười ông Park cũng khó lòng mang đến thành công.
Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn, người từng gắn bó nhiều năm với bóng đá trẻ cho biết: Bóng đá trẻ luôn thiếu sự ổn định. Sự giới hạn về độ tuổi khiến cho mỗi một đội U, từ U15, U17, U19 đến U21, U23 đều chỉ có thể duy trì một lực lượng nhất định trong vòng 2 - 3 năm. Thế hệ đang thi đấu cho U23 Việt Nam sinh năm 1999 đến 2001. Văn Hậu, cầu thủ duy nhất được xem là gạch nối giữa thế hệ đình đám 1995 - 1999 tại VCK U23 châu Á 2018 ở Thường Châu với thế hệ hiện giờ cũng không xuất hiện trong đội hình U23 Việt Nam vì chấn thương.
Ngoài ra, ông Tuấn chia sẻ thêm, các cầu thủ U23 Việt Nam giờ đây thiệt thòi hơn về xuất phát điểm. Tính riêng ở cấp độ U23 Việt Nam, trước khi đạt đến đỉnh cao là ngôi Á quân U23 châu Á 2018, những Công Phượng, Tuấn Anh, Quang Hải, Đình Trọng đã được trui rèn ở SEA Games 2017 hay vòng loại U23 châu Á 2018.
Ngược lại, U23 Việt Nam hiện tại gặp rất nhiều khó khăn trong kế hoạch chuẩn bị. Ông Park phải dồn tâm trí, thời gian cho vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Ảnh hưởng của Covid-19 khiến cho U23 Việt Nam lứa này không có nhiều điều kiện thi đấu giao hữu quốc tế.
Những gì U23 Việt Nam thể hiện trước Đài Loan (Trung Quốc), đội bóng tập hợp nhiều cầu thủ sinh viên, hay Myanmar, đối thủ cùng khu vực chính là hồi chuông cảnh báo về sự đứt gãy thế hệ. Sau 2 nhiệm kỳ thành công với ông Park, đến lúc bóng đá Việt Nam cần làm công tác đào tạo trẻ một cách căn cơ và đều đặn, chứ không chỉ làm tốt một hai lứa rồi… thỏa mãn, có vậy, bóng đá Việt Nam mới có lực lượng kế thừa tốt đủ sức thay thế các đàn anh.