Người sáng lập Microsoft đưa ra nhận định trên trong một bài phát biểu tại TED, hội thảo quy tụ những học giả nổi tiếng thế giới.
“Khi còn bé, hiểm họa chúng tôi sợ nhất là chiến tranh hạt nhân”, tỷ phú 64 tuổi mở đầu bài phát biểu của mình: “Đó là lý do chúng tôi thường để sẵn những thùng phuy chứa đầy đồ ăn, nước uống trong tầng hầm. Nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, chúng tôi sẽ chui xuống các tầng hầm, thu mình lại và ăn đồ tích trữ trong các thùng phuy này.
Nhưng ngày nay, thảm họa toàn cầu có nguy cơ xảy ra nhất không phải tên lửa hạt nhân, mà là một loại virus. Nếu điều gì có thể tước đi sinh mạng của hơn 10 triệu người trên Trái Đất trong vài thập kỷ tới, nhiều khả năng đó sẽ là một virus với tốc độ lây nhiễm cao chứ không phải là chiến tranh".
“Hãy nhìn đại dịch Ebola mà xem, có rất nhiều thách thức khó khăn. Tôi đã theo dõi sát sao đại dịch này qua các công cụ phân tích tình huống, thường được chúng tôi sử dụng để theo dõi tiến trình đẩy lui bệnh bại liệt.
Nhìn vào những gì đang diễn ra, có thể thấy vấn đề ở đây không phải hệ thống hiện tại của chúng ta làm việc chưa đủ hiệu quả, mà chúng ta vẫn chưa có bất kỳ hệ thống nào để ngăn chặn chúng.
Thực tế có nhiều yếu tố quan trọng còn thiếu. Chúng ta đáng lẽ phải có sẵn đội ngũ dịch tễ học được cử đến vùng dịch, tìm hiểu và theo dõi mức độ lây lan của chúng. Nhưng thay vào đó chúng ta chỉ được đọc các báo trên giấy tờ. Phải mất rất lâu thông tin mới được công bố trực tuyến, nhưng lại cực kỳ thiếu chính xác.
Chúng ta không có một đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng, không có phương thức chuẩn bị nhân lực. Dù Tổ chức Bác sĩ Không biên giới đã điều phối tình nguyện viên rất tốt, nhưng đáng lẽ ta phải khẩn trương hơn trong việc đưa hàng nghìn nhân viên y tế tới những nước có dịch.
Con người đã đầu tư quá nhiều tiền của để ngăn ngừa thảm họa hạt nhân, nhưng lại đầu tư rất ít vào việc ngăn ngừa dịch bệnh. Vì thế, nhân loại vẫn chưa thể sẵn sàng cho những dịch bệnh sắp xảy đến - Bill Gates cảnh báo cách đây 5 năm.
Trong một đại dịch lớn, chúng ta sẽ phải cần hàng trăm ngàn người hoạt động. Nhưng đại dịch Ebola lại chẳng có ai xem xét phương án điều trị, nghiên cứu triệu chứng, hay tìm hiểu xem nên sử dụng công cụ nào. Ví dụ, đáng lẽ chúng ta có thể lấy máu người sống, xử lý mẫu, truyền huyết tương thành phẩm để bảo vệ cơ thể, nhưng chẳng ai làm những việc đó cả.
Đó thực sự là sự thất bại mang tính toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được lập ra để giám sát các dịch bệnh, chứ không phải làm những gì tôi vừa nói.
Trong phim ảnh thì khác, sẽ có một nhóm những nhà dịch tễ học đẹp trai lên đường, vào vùng dịch, giải cứu thế giới. Nhưng điều đó chỉ có tại Hollywood thôi.”
Theo tỷ phú Bill Gates, thất bại trong việc phòng chống có thể khiến cho dịch bệnh sắp tới có sức hủy hoại mãnh liệt hơn cả Ebola, dịch bệnh đã cướp đi mạng sống của khoảng 10.000 người tại 3 nước Đông Phi:
“Có 3 lý do vì sao dịch Ebola không thể lan rộng thêm:
Đầu tiên, có nhiều nhân viên y tế làm những công việc dũng cảm. Họ tìm kiếm người bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm.
Thứ 2, về bản chất, virus Ebola không lây nhiễm qua đường không khí, và hầu như những người bị nhiễm bệnh đều nằm liệt giường.
Thứ 3, Ebola không lây lan trong nhiều đô thị. Đó cũng là điều may mắn vì nếu dịch lây lan trong những khu vực này, số lượng các ca nhiễm chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều.
“Nhưng ở lần tới, chúng ta có thể sẽ không gặp may như vậy. Chúng ta có thể bị lây nhiễm virus mà vẫn còn đủ sức khỏe để lên máy bay, hay đi chợ. Nguồn virus có thế xuất phát từ tự nhiên như khuẩn Ebola, hoặc từ một vụ khủng bố sinh học nào đó.
Vậy nên, có những thứ sẽ làm mọi việc trở nên tồi tệ gấp ngàn lần. Lấy ví dụ từ dịch cúm tại Tây Ban Nha vào năm 1918. Ở thời điểm xảy ra, virus cúm đã lan truyền ra thế giới với tốc độ cực kỳ nhanh, rất nhanh. Bạn có thể thấy hơn 30 triệu người chết do đại dịch đó. Vậy nên đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta cần phải quan tâm."
Bill Gates dự đoán sẽ có loại virus mà khi bị nhiễm, chúng ta vẫn còn đủ sức khỏe để lên máy bay, hay đi chợ, và do đó dễ lây cho người khác.
Không chỉ đưa ra dự báo về một thảm hoạ dịch bệnh toàn cầu, Bill Gates còn có những chỉ dẫn chi tiết về cách phòng tránh và phương pháp ứng phó với thảm hoạ đó.
“Trên thực tế, chúng ta có thể xây dựng hệ thống phản ứng chất lượng. Chúng ta được hưởng lợi từ khoa học và công nghệ. Chúng ta có điện thoại di động, để thu thập thông tin từ cộng đồng và đưa thông tin tới họ.
Chúng ta có bản đồ vệ tinh để xem mọi người đang ở đâu, đi đến chỗ nào. Chúng ta có nhiều tiến bộ về sinh học, có thể xoay vòng đáng kể thời gian để nghiên cứu mầm bệnh, để kịp thời điều chế thuốc, vắc xin phù hợp với mầm bệnh đó. Chúng ta có nhiều công cụ nhưng những công cụ này cần được đặt vào hệ thống y tế toàn cầu.
Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng. Theo tôi, bài học tốt nhất về cách chuẩn bị một lần nữa, là những gì chúng ta từng làm thời chiến tranh. Chúng ta có những người lính chính quy sẵn sàng lên đường, cùng một lực lượng dự bị hùng hậu. Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cần có những đơn vị lưu động có thể triển khai nhanh chóng cho những trường hợp này
Đó là những việc chúng ta cần làm để đối phó với dịch bệnh. Nhưng yếu tốt cốt lõi là gì?
Thứ nhất, chúng ta cần có hệ thống y tế mạnh ở các nước nghèo. Ở đó, các bà mẹ có thể sinh nở an toàn, trẻ em được tiêm vắc xin đầy đủ. Nhưng cũng tại những nơi đó, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát từ rất sớm. Chúng ta cần những đội y tế dự phòng, gồm nhiều người đã được đào tạo và có nền tảng, có kỹ năng chuyên môn và sẵn sàng lên đường.
Tiếp đến, chúng ta cần điều quân đội tháp tùng các đoàn y tế, tận dụng năng lực của quân đội để di chuyển nhanh, làm hậu cần, và bảo vệ các khu vực. Chúng ta cần dựng mô hình mô phỏng, tập huấn về vi sinh vật, để xem còn những lỗ hổng nào cần khắc phục. Lần tập huấn mô phỏng vi sinh vật gần nhất ở Mỹ đã diễn ra từ năm 2001, và tình hình không được tốt lắm. Đến nay kết quả vẫn đang là: vi khuẩn: 1 – con người: 0.
Cuối cùng ta cần thực hiện nhiều nghiên cứu và phát triển tiên tiến trong lĩnh vực vắc xin và chuẩn đoán. Đã có nhiều đột phá lớn như virus liên hợp adeno có thể đem lại tác dụng rất nhanh chóng. Tôi không biết sẽ tốn bao nhiêu tiền của nhưng tôi chắc chắn đó là một con số rất khiêm tốn so với những thiệt hại tiềm tàng.
Theo Bill Gates, lần tập huấn mô phỏng vi sinh vật gần nhất ở Mỹ đã diễn ra từ năm 2001, và tình hình không được tốt lắm. Đến nay kết quả vẫn đang là: vi khuẩn: 1 – con người: 0
Ngân hàng thế giới ước tính nêu đại dịch cúm xảy ra, toàn thế giới sẽ bị thiệt hại hơn 3 nghìn tỷ USD và hàng triệu người sẽ tử vong. Những sự đầu tư này mang lại lợi ích lớn lao, vượt xa việc chuẩn bị đương đầu với một bệnh dịch.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu, nghiên cứu phát triển, những hoạt động này sẽ làm giảm sự bất bình đẳng về điều trị y tế toàn cầu, và khiến thế giới công bằng cũng như an toàn hơn. Vì thế tôi cho rằng điều này hoàn toàn phải được ưu tiên. Nhưng chúng ta cũng không vì thế mả trở nên hoảng sợ, tích trữ đồ hộp hay trốn xuống tầng hầm.
Nhưng cần bắt tay hành động ngay vì thời gian không chờ đợi chúng ta. Thực ra nếu có điều tốt lành duy nhất từ đại dịch Ebola, có thể xem đó như lời cảnh báo sớm, hồi chuông cảnh tỉnh, nhắc nhở con người hãy sẵn sàng. Nếu hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể sẵn sàng cho đại dịch sắp tới."