Nhiều ý kiến về phân luồng học sinh sau THCS

Nhiều ý kiến về phân luồng học sinh sau THCS

(GD&TĐ) - Xung quanh vấn đề phân luồng học sinh sau THCS, đã có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Dưới đây là một vài ý kiến của những người trực tiếp làm công tác quản lý giáo dục ở cơ sở gửi về Báo Giáo dục & Thời đại.

Ông Hoàng Hữu Niềm Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD&ĐT Hà Nội: Không có biên chế cho GV làm công tác hướng nghiệp:

Tính trung bình mỗi năm Hà Nội có khoảng 80.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Số chỉ tiêu giao cho các trường THPT tuyển vào lớp 10 cũng khoảng tầm đấy. Thậm chí nhiều năm số chỉ tiêu giao cho các trường THPT cả công lập và ngoài công lập còn nhiều hơn cả số học sinh tốt nghiệp THCS. Mặt khác, tâm lý của cha mẹ cũng như học sinh đa số muốn cho con mình sau khi tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp lên THPT hoặc tiếp tục học bổ túc THPT; chính sách khuyến khích đối với học sinh THCS học nghề, khuyến khích các trường nghề tuyển hệ tốt nghiệp THCS còn thiếu... Kết hợp cùng nhiều lý do khác mà công tác  phân luồng sau THCS hiện nay khá khó khăn. 

Ông Hoàng Hữu Niềm
Ông Hoàng Hữu Niềm

Nếu thực hiện không tốt việc phân luồng học sinh sau THCS cũng có nghĩa chúng ta vô tình đẩy một bộ phận đông đảo học sinh sau THCS có học lực yếu và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề qua đào tạo. Phân luồng học sinh sau THCS cũng không phải là ép buộc những học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của họ.

Thực hiện phân luồng học sinh sau THCS nếu làm đúng hướng thì mặt bằng chất lượng giáo dục phổ thông được nâng lên, cơ cấu nhân lực được cải thiện, tránh được lãng phí xã hội trong GD. Phân luồng HS sau THCS không hề triệt tiêu cơ hội học lên của HS mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học. Nếu HS có nhu cầu nguyện vọng và năng lực thì việc học lên có nhiều cơ hội - như học liên thông, liên kết, từ xa, vừa học vừa làm…

Phân luồng sau THCS vô cùng cần thiết là vậy. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò hướng nghiệp cho học sinh sau THCS của GV gần như mờ nhạt và thả nổi. Các trường đang thiếu một ngũ cán bộ GV am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như nhu cầu lao động các ngành nghề… gây trở ngại cho việc phân luồng. Nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp, thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp… Vì sao thiếu vắng GV làm công tác hướng nghiệp chuyên trách trong các trường THCS? Bởi biên chế dành cho GV bậc THCS không có chỗ cho người làm công tác hướng nghiệp.

Sự thiếu hiểu biết trong định hướng nghề nghiệp, cùng suy nghĩ “ĐH mới là con đường duy nhất để vào đời” đã và đang đè nặng lên tâm lý, hành động của nhiều bậc cha mẹ trong việc chọn nghề hướng nghiệp cho con.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Phúc Yên: Phụ huynh là cầu nối quan trọng 

Nhiều ý kiến về phân luồng học sinh sau THCS ảnh 2
Ông Nguyễn Tiến Tùng

Thời gian qua Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương chính sách quan trọng để đẩy mạnh công tác phân luồng cho học sinh THCS và THPT, đặc biệt là Nghị quyết 37 /2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt Đề án Dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2011-2020, trong đó mục tiêu cụ thể phân luồng HS tốt nghiệp THCS sang bổ túc văn hóa có học nghề từ 25 đến 30%, HS tốt nghiệp THPT đi học nghề từ 35 đến 50%... Nghị quyết cũng quy định rất cụ thể các mức hỗ trợ cho HS học nghề, hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ GV… Bám sát chính sách, các đơn vị và nhà trường triển khai công tác tư vấn tuyên truyền cho người dân. Tổ chức tư vấn đến từng phụ huynh học sinh, chọn trường thế nào cho phù hợp với khả năng của các em, tránh mất thời gian, công sức, tiền của và sớm đạt kết quả, không phải ai cũng có thể học lên ĐH, vậy rất cần tư vấn cho người dân ý thức học nghề, học những nghề phù hợp với điều kiện, nhu cầu phát triển của địa phương. Cái khó của tuyên truyền, tư vấn phân luồng là ở chỗ đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS tuổi còn nhỏ, chưa thể tự quyết định được tương lai của mình, chính vì vậy tư vấn đến phụ huynh để họ có sự lựa chọn địa chỉ học cho con em mình trong địa bàn vừa phải, không quá xa, nghề phù hợp để có thể thường xuyên theo dõi, giáo dục và hỗ trợ kịp thời.

Về phía trường nghề, cần có sự phối hợp với các Sở GD&ĐT, Sở LĐTB&XH để nắm bắt thực tế, qua đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp. Xác định rõ việc đào tạo nghề cho đối tượng này là vừa đào tạo nghề vừa giáo dục nhân cách cho các em. Các trường phải cải thiện điều kiện ăn ở, ký túc xá, sinh hoạt, các điều kiện học tập và dịch vụ đào tạo cho HS.

Ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu, Đà Nẵng: “Giúp học sinh hiểu rõ điều kiện và khả năng của mình khi lựa chọn hướng đi” 

Nhiều ý kiến về phân luồng học sinh sau THCS ảnh 3
Ông Lê Văn Nghĩa

Phân luồng học sinh sau trung học là một chủ trương đúng đắn. Để thực hiện công tác phân luồng học sinh có hiệu quả thì cần có những giải pháp đồng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Việc phân luồng học sinh sau trung học hiện nay là vấn đề cấp thiết cần phải giải quyết, nhưng không phải trong một thời gian ngắn chúng ta có thể làm được và đây không phải là nhiệm vụ riêng của ngành GD&ĐT, mà cần có sự phối hợp của tất cả các ngành có liên quan.

Đứng ở góc độ ở ngành GD địa phương và các cơ sở giáo dục thì chúng ta phải có kế hoạch tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, tổ chức cho học sinh tham gia vào các hội nghị, hội thảo về tư vấn, giới thiệu nghề nghiệp ngay từ khi các em mới vào THCS. Đồng thời, kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm Giáo dục thường xuyên – Hướng nghiệp (GDTX-HN) để phân luồng học sinh đi theo nhiều hướng khác nhau, trên cơ sở tạo điều kiện để học sinh tiếp tục được phát triển toàn diện. Nhằm giúp học sinh hiểu rõ về khả năng và điều kiện của bản thân trong việc lựa chon hướng đi sau khi tốt nghiệp. Công tác phân luồng vừa có nhiệm vụ giúp học sinh thấy được mối quan hệ giữa nhận thức, ước mơ và với kết quả học tập của bản thân; vừa giúp học sinh có nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, từ đó học sinh sẽ xác định được chọn hướng đi của mình sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT.

Ông Trần Ngọc Bản- Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Hướng nghiệp quận Sơn Trà, Đà Nẵng:  Ngành Giáo dục đang đơn độc 

Nhiều ý kiến về phân luồng học sinh sau THCS ảnh 4
Ông Trần Ngọc Bản

Hiện nay công tác phân luồng HS sau trung học chỉ khép kín trong phạm vi ngành GD&ĐT và ngành đang đơn độc trong việc phân luồng HS, chính quyền các cấp địa phương và xã hội chưa thật sự hiểu về công tác này. Vì vậy, phân luồng sau trung học gặp phải rất nhiều khó khăn, rào cản và chưa được sự đồng thuận ủng hộ của xã hội.

Trách nhiệm của ngành GD&ĐT là  phải làm mọi cách nhằm nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của phụ huynh, HS và toàn xã hội về công tác này; mặt khác cần huy động sự vào cuộc và chung tay của Đảng bộ cùng lãnh đạo chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, phải đa dạng các ngành nghề phù hợp với từng địa phương và tăng cường hoạt động của các TTGDTX-HN, trường TC nghề ở các huyện huyện, thị xã, thành phố để phân luồng học sinh đi theo nhiều hướng khác nhau một cách hiệu quả. Phối hợp với các trường THCS, THPT tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về hướng nghiệp. Đồng thời, các TTGDTX-HN, trường TC phải thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu và tổ chức liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị trong việc tiếp nhận nguồn nhân lực đã được đào tạo.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ