Nhiều vụ việc xâm hai trẻ em còn để kéo dài, xử lý chưa nghiêm minh

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi khi được chất vấn về vấn đề liên quan đến xâm hại trẻ em, trong đó có xâm hại tình dục.

Đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Đại biểu Quốc hội giơ biển tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

6 giải pháp căn bản

Không phải là Bộ không lên tiếng nhưng cách lên tiếng thì tùy từng vụ việc. Có việc thì lên báo chí nói, có việc thì báo cáo cấp cao, có việc thì trực tiếp trao đổi với địa phương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Theo Bộ trưởng, hiện nay tỉ lệ 59,9% số người vi phạm xâm hại trẻ em là những người thân, người quen. Đây chính là một trong những đối tượng phải quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thứ nhất, phải tăng cường quản lý nhà nước, đặc biệt trong luật quy định rất rõ là trách nhiệm của các bộ, ngành, Bộ Công an, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về vấn đề này, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thứ hai, tăng cường giáo dục truyền thông trong gia đình, quản lý gia đình. Theo chúng tôi thời gian tới cần phải có sự thay đổi và tăng cường trách nhiệm của ông bố, bà mẹ, những người anh, chị trong gia đình cùng với nhà trường và xã hội.

Thứ ba là phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật, bảo vệ các em thực hiện quyền của các em trong quá trình tố tụng.

Thứ tư là tập trung xử lý, giải quyết những vụ việc xảy ra một cách nghiêm minh và nhanh chóng nhất. Thời gian vừa qua, điều này còn những tồn tại nhất định.

Thứ năm tăng cường các dịch vụ công bảo vệ trẻ em.

Thứ sáu là tập trung giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho chính các em. Vấn đề này chúng ta làm nhưng chưa tốt.

Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn
 Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Nhiều vụ việc khi có ý kiến của lãnh đạo cấp cao mới tiến hành

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận: "Từ sáng đến giờ để ý thấy rất nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó đặc biệt là xâm hại tình dục.

Có một việc tôi theo đuổi nhiều, đó là việc xâm hại tình dục một cháu ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và đã có rất nhiều ý kiến về vấn đề này.

Các cụ có câu: "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ", điều rất đau đớn là đại biểu Lê Thị Nga cũng có nói rằng ở Cà Mau, cháu nói thì không nghe nhưng khi cháu tự tử thì lúc đó ta mới khởi tố vụ án.

Lúc đó thực sự chúng ta mới thấy là chúng ta đã sai lầm. Tôi nghĩ rằng không nên để những câu chuyện như thế tiếp tục xảy ra. Báo chí có nêu, chúng ta có 17 cơ quan phụ trách chứ không chỉ riêng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhưng dường như các gia đình mà tôi gặp họ rất đơn độc. Tôi rất mong muốn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có một thái độ kiên quyết hơn nữa để cùng các cơ quan khác vào cuộc.

Hôm nay, trước Quốc hội và quốc dân đồng bào, tôi chính thức mong muốn các cơ quan tố tụng phải kiên quyết để trả lời cho câu hỏi là cháu ở Thủ Đức bị xâm hại, tôi cho rằng đây là vụ việc có rất nhiều dấu hiệu mờ ám mà chính bản thân tôi đã gặp cử tri và nghiên cứu rất kỹ vụ này".

Tán thành với ý kiến của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, nếu nói về đảm bảo quyền lợi của các em về cơ bản hệ thống pháp luật của chúng ta là đồng bộ.

Tuy nhiên, có một số vụ việc chúng ta còn để kéo dài, thậm chí còn xử lý chưa nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước mới tiến hành.

Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị các cấp, các ngành và các cơ quan có chức năng cần xem và đánh giá lại thực chất hoạt động của mình thế nào về vấn đề này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, Bộ đều chủ động, có ý kiến. Nhiều vụ việc Bộ trưởng đã trực tiếp báo cáo với đồng chí Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến trực tiếp. Có những vụ việc cá nhân Bộ trưởng trực tiếp trao đổi.

"Ví dụ vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, ngay buổi chiều ngày kết thúc phiên tòa, tôi báo cáo với Quốc hội, tôi cũng đã xin gặp trực tiếp và điện trực tiếp, trao đổi trực tiếp với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tôi nói rõ quan điểm của cá nhân tôi cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước không đồng tình với kết quả xét xử như vậy. Chúng tôi đề nghị hai cơ quan xem xét lại để xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Hai đồng chí lãnh đạo hai cơ quan tư pháp cũng chấp nhận ý kiến của tôi. Sau đó cũng đã thực thi các công việc theo kiến nghị chung" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.