Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, cần trang bị cho trẻ những kiến thức phòng vệ để trẻ biết cách tự bảo vệ mình khi có hiện tượng xấu xảy ra.
Hồi chuông cảnh bảo
Qua các vụ việc xâm hại trẻ em được gia đình nạn nhân lên tiếng, báo chí vào cuộc dần dần đã hé lộ ra nhiều sự việc trẻ đã từng bị xâm hại khiến mọi người phẫn nộ, bất bình.
Chị Nguyễn Thị Huyền ở Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ:
Tôi xin kể lại Trường hợp một cháu gái tên H, 15 tuổi ở gần nhà tôi. Cháu bị mắc chứng tự kỷ từ nhỏ nhưng bề ngoài cháu như một thiếu nữ phổng phao. Nhận thức của cháu mới như đứa trẻ lên 4, lên 5 tuổi. Hàng ngày cháu thường tha thân chơi khắp xóm, nhà nào mở cửa là cháu cũng ghé vào. Mọi người đều thương cháu nên có gì cũng hay đem cho cháu ăn. Thỉnh thoảng cháu có ghé nhà gã tên T chơi. Hắn này có tiếng không đứng đắn, hay lợi dụng chi em nhẹ dạ. Thấy cháu H hay tha thẩn chơi quanh xóm, thỉnh thoảng cháu H cũng ghé nhà hắn chơi nên hắn nảy sinh ý định xấu.
Đã nhiều lần hắn dụ dỗ cháu H bằng cách sang nhà hắn cho kẹo. Với đứa trẻ tự kỷ, đầu óc mới như đứa trẻ lên 4, lên 5, cháu H thường xuyên sang nhà T những lúc mọi người trong nhà đi vắng chỉ còn mình hắn với cháu H. Hắn cho cháu H ăn kẹo xong rồi lợi dụng cháu không biết gì và làm chuyện đồi bại.
Hàng xóm đã để ý và nhìn thấy cháu H bị T gọi vào nhà chơi cho kẹo và đã mách mẹ cháu. Mẹ cháu H đã cảnh giác, không cho con ra ngoài chơi nữa. Thế nhưng, ở nhà nhiều cháu không chịu nên đã trốn ra ngoài chơi. Ban ngày, T thường ở nhà một mình, vợ con hắn đi là, đi học hết. Thấy cháu H lang thang ngoài ngõ, T lại dụ dỗ cháu vào nhà cho kẹo...
Câu chuyện chỉ dần vỡ lở ra khi mẹ cháu H kể: Chị giặt quần áo cho con nhiều lần để ý thấy ở quần lót ướt và nhiều chất nhầy. Lúc đầu chị cứ nghĩ là chắc con đến tuổi dậy thì nên vậy rồi bỏ qua. Nhưng nhiều lần quá rồi chị cũng sinh nghi. Một lần nọ đích thân chị giả vờ đi làm và để cháu tự do ra ngoài chơi. Nửa buổi chị về nhà thấy T đang dụ dỗ con gái chị. Bức xúc quá chị đã làm ầm lên. T được phen xấu hổ chẳng dám thò cổ ra khỏi nhà. Vợ T chạy sang gia đình chị xin lỗi và nhận đền bù tổn thất.
Gia đình cháu H vô cùng đau khổ nhưng vì nể tình hàng xóm láng giềng nên sự việc lại nguôi ngoai dần. Và…con “yêu râu xanh” kia vẫn sống nhởn nhơ như không có chuyện gì khiến hàng xóm bất bình và càng lo lắng cho con cái của họ. Nếu không may con, cháu họ cũng bị con “yêu râu xanh” hãm hại thì nhậu quả sẽ ra sao?
Cần dạy cho trẻ biết tự bảo vệ mình
Theo bà Nguyễn Vân Anh - Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cha mẹ cần dạy cho trẻ nhận thức được tính chất nguy hại của sự việc xâm hại. Bắt đầu từ khi trẻ 2 đến 3 tuổi đã phải dạy cho trẻ biết, không cho ai đụng chạm vào vùng kín của trẻ; Nói cho trẻ biết được thân thể của trẻ là vô cùng quý giá không ai được động chạm vào; Tuyệt đối không đi theo người lạ, không nhận kẹo hay bất cứ vật gì người lạ đưa cho; Không được đi đâu một mình nhất là buổi tối; Không đi vào những khu vực đường quá vắng không có ai; Khi phát hiện một người nào đó có hành động đụng chạm vào thân thể và vào vùng kín thì phải mách ngay cho bố mẹ và tuyệt đối tránh xa người đó không được đến gần một lần nào nữa.
Về phía các cơ quan quản lý, cần xây dựng những bộ tài liệu, sách, báo, ảnh về giáo dục giới tính và chống xâm hại tình dục cho các em, cho phụ huynh để cho trẻ và các bậc phụ huynh tham khảo. Hàng tháng, hàng quý nên tổ chức các buổi tọa đàm trong các khu tập thể, dân cư về những kiến thức về việc phòng chống xâm hại trẻ em; mở các lớp tập huấn những người trực tiếp phục trách trẻ em: cán bộ phụ trách đội, giáo viên Mầm non, tiểu học, THCS, THPT.
Để làm được điều này, chúng ta cần tăng cường thông tin hướng dẫn các biện pháp bảo vệ trẻ để người chăm sóc, bảo vệ trẻ chủ động phòng ngừa. Đồng thời hướng dẫn trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bằng việc đưa nội dung về quyền nhân thân, sự bất khả xâm phạm… vào chương trình giáo dục phổ thông.