Nhiều vụ cháy quán karaoke phần lớn do không tuân thủ nghiêm quy định pháp luật

GD&TĐ - Theo quan điểm luật sư, nhiều vụ cháy quán karaoke phần lớn do cơ sở kinh doanh không chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn PCCC...

Hiện trường vụ cháy quán karaoke tối 6/9 tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN.
Hiện trường vụ cháy quán karaoke tối 6/9 tại Bình Dương. Ảnh: TTXVN.

Vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương làm 33 người thiệt mạng, con số khiến bất cứ ai cũng cảm thấy kinh hoàng.

Trao đổi với phóng viên về các quy định phòng cháy chữa cháy trong kinh doanh karaoke, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, một số nguyên nhân dễ xảy ra cháy nổ ở quán karaoke như theo Luật Đầu tư 2020 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ thì cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép kinh doanh karaoke.

Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM.

Luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành, thuộc Đoàn Luật sư TPHCM.

Theo luật sư Thường, về điều kiện kiểm tra an toàn PCCC theo Thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke mới được cơ quan chức năng cấp phép kinh doanh karaoke.

Đồng thời theo quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở kinh doanh loại hình karaoke phải đảm bảo điều đáp ứng đầy đủ các quy định về thiết kế phòng hát, cầu thang, lối thoát hiểm, có phương án chữa cháy mới được cấp phép kinh doanh (Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).

Luật sư Thường nhận định rằng: "Do đó, chúng ta nhận thấy qua nhiều vụ cháy nổ ở các quán karaoke thì phần lớn do các nguyên nhân như cơ sở kinh doanh không tuân thủ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn PCCC do cơ quan hữu quan ban hành.

Thiết kế hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh tại các cơ sở karaoke thường có công suất lớn không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện.

Cơ sở karaoke thiết kế các phòng hát karaoke với không gian kín, cách âm, dây điện nhiều, vật liệu dễ bắt lửa, khi hỏa hoạn thì tốc độ cháy lan nhanh, mức độ thiệt hại về người và của rất khủng khiếp gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Quán karaoke ở Bình Dương sở hữu rất ít cửa sổ, một số cửa sổ bị bịt kín bằng tường gạch xây phía trong. Ảnh: Zing.
Quán karaoke ở Bình Dương sở hữu rất ít cửa sổ, một số cửa sổ bị bịt kín bằng tường gạch xây phía trong. Ảnh: Zing.

Cơ sở karaoke thiết kế cầu thang bộ, không có lối thoát hiểm hoặc có chỉ mang tính đối phó, hành lang đi lại giữa các phòng rất chật hẹp, ít đèn rất tối tăm nên khi xảy hỏa hoạn thì mọi người không có lối thoát, không kịp chạy ra ngoài quán.

Thiếu sự thanh tra, kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC của các cơ quan hữu quan của địa phương đối với các cơ sở kinh doanh karaoke để xử lý kịp thời những cơ sở không cập nhật, sửa chữa về điều kiện đảm bảo an toàn cháy nổ, thiết kế và nghiệm thu về chữa cháy…” - Luật sư Thường phân tích.

Trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, với diện tích xây dựng lên tới hơn 1.500 m2 nhưng quán karaoke này sở hữu rất ít cửa sổ. Đặc trưng, một số cửa sổ bị bịt kín bằng tường gạch xây phía trong. Ngay cả phía bên ngoài biển hiệu và tấm chắn che kín hết mặt trước của quán cũng có kiểu thiết kế bịt kín mặt trước, xung quanh không có cửa sổ.

Đây cũng là kiểu thiết kế khiến cho các vụ cháy quán karaoke luôn có hậu quả thảm họa và cũng tồn tại ở nhiều các quán karaoke.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với một cơ sở kinh doanh như quán karaoke, lối thoát nạn, điều kiện thông gió... phải trở thành những quy định bắt buộc để hạn chế hậu quả của các vụ cháy karaoke.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Thường cho hay: “Theo ý kiến của tôi thì bước đầu là vận động các cơ sở mở lối thoát hiểm, nhưng đối với các cơ sở mới bắt đầu xin giấy phép thì nên là điều kiện bắt buộc để cấp phép. Và trách nhiệm của các cơ quan chức năng của địa phương phải giám sát, kiểm tra thanh tra thường xuyên, nếu cơ sở nào chỉ thực hiện mang tính đối phó thì xử phạt và sau đó tái phạm thì bị rút giấy phép kinh doanh.”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ