GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) cho biết, Hội đồng trường đã thông qua Nghị quyết thành lập 3 trường gồm: Trường Kinh doanh, Trường Công nghệ, Trường Kinh tế và Quản lý công. Đây là bước đầu tiên để nhà trường tái cấu trúc và dự kiến trở thành Đại học Kinh tế Quốc dân trong năm 2024.
Theo GS.TS Phạm Hồng Chương, Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện mô hình tổ chức 3 cấp, dưới Đại học có 3 trường thành viên, trong trường có các khoa. Một số bộ môn truyền thống sẽ không còn, bên cạnh đó dự kiến sẽ có những ngành học hoàn toàn mới. Sinh viên 3 trường thành viên khi tốt nghiệp, chỉ có một cơ sở duy nhất cấp bằng là Đại học Kinh tế Quốc dân.
Với mong muốn đồng nhất và hội nhập hệ thống các đại học tiên tiến trong nước và trên thế giới, Trường ĐH Ngoại thương đặt mục tiêu trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, dẫn đầu cả nước về đào tạo kinh tế, kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp.
Sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. |
Theo PGS.TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, việc đào tạo đa dạng các ngành và lĩnh vực sẽ cung cấp cơ hội cho sinh viên học nhiều lĩnh vực, phát triển nhiều kỹ năng khác nhau, tạo ra nguồn nhân lực đa màu, đa năng, linh hoạt, và có khả năng thích ứng tốt với sự biến động của thị trường lao động.
Năm 2022, Trường ĐH Hà Nội đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Hội đồng trường phê duyệt. Theo Chiến lược phát triển trên, nhà trường phấn đấu trở thành đại học đa ngành định hướng ứng dụng, nằm trong tốp đầu của Việt Nam, có danh tiếng ở khu vực châu Á.
Hoạt động tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội. Ảnh: NTCC. |
TS Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho hay, chiến lược phát triển được chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau nhằm từng bước thực hiện 3 mục tiêu chính.
Về tổ chức bộ máy, Trường ĐH Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành chuyển đổi từ trường đại học thành đại học có mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, gồm 3 cấp: cấp đại học; các trường thành viên/viện nghiên cứu/đơn vị đào tạo và quản lý thuộc đại học và cấp các đơn vị thuộc trường thành viên.
Đến năm 2025, hoàn thành việc thành lập 2 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh, Trường Ngôn ngữ và Văn hóa. Đến năm 2030, hoàn thành việc thành lập 2 trường thành viên: Trường Công nghệ - Truyền thông, Trường Quốc tế (đào tạo các chương trình liên kết với nước ngoài).
Dự kiến thành lập thêm 2 trường thành viên đáp ứng các nhu cầu của thị trường lao động; thành lập từ 1 - 2 trung tâm nghiên cứu về các lĩnh vực có thế mạnh của trường; thành lập 1 trường phổ thông có nhiều cấp học trực thuộc Đại học Hà Nội; phấn đấu thành lập 1 phân hiệu ở trong nước và 1 văn phòng đại diện của Đại học Hà Nội tại nước ngoài.
TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho hay, theo lộ trình, đến năm 2025, trường phấn đấu đạt đủ các điều kiện để chuyển thành Đại học theo quy định của Chính phủ.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. |
Kế hoạch chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực, ngành đào tạo đã được Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thực hiện trong thời gian qua. Tháng 12/2021, Hội đồng trường đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch.
Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Tháng 8/2023, Trường Cơ khí - Ô tô được thành lập trên cơ sở sáp nhập và phát triển Khoa Cơ khí và Khoa Công nghệ ô tô.
Dự kiến từ 2024 - 2025, sẽ có thêm 3 trường (Lĩnh vực Điện - Điện tử; Kinh tế quản lý và Công nghệ thông tin truyền thông) được thành lập.
Phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2023-2024 (Ngày 26/9/2023), GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho hay, chủ trương của nhà trường là thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội.
Mục tiêu lớn nhất năm học này là hoàn thành đề án chuyển Trường ĐH Cần Thơ thành Đại học Cần Thơ, GS.TS Hà Thanh Toàn - nguyên Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh khi phát biểu tại lễ khai giảng năm học 2023-2024 (16/89/2023).
GS.TS Hà Thanh Toàn (Ngoài cùng bên trái trao bằng tiến sĩ cho học viên (ngày 24/6/2023). |
Trước đó, Trường ĐH Cần Thơ đã công bố thành lập 4 trường, 1 khoa và 1 viện mới trên cơ sở các đơn vị hiện có, gồm: Trường Nông nghiệp, Trường Kinh tế, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Trường Bách khoa, Khoa Giáo dục Thể chất, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm. Tiếp sau, trường đã thành lập 2 phân hiệu tại tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng.
Cả nước có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (không bao gồm khối an ninh quốc phòng). Có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.