Trong tháng 7, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 1,7%. Tính chung 7 tháng, tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu ước đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7%...
Xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh
Tăng trưởng mạnh từ đầu năm đến nay, nông - lâm - thủy sản vẫn tiếp tục là “điểm sáng” trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản cả nước ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó riêng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Các mặt hàng như: Thủy sản, rau, quả, gỗ... tăng trưởng với tốc độ cao trong 7 tháng qua.
Đáng chú ý, sau Bản ghi nhớ về thương mại gạo được Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Lương thực Bangladesh thay mặt hai Chính phủ ký gia hạn vào cuối tháng 5 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu gạo liên tục tăng trưởng, chấm dứt đà giảm sâu diễn ra trong thời gian dài.
Theo đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 ước đạt 465.000 tấn với giá trị 201 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, giá trị 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đây cũng là mức tăng trưởng hai con số đầu tiên mặt hàng này đạt được kể từ đầu năm đến nay.
Đặc biệt, việc nước ta trúng nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, gần đây nhất là 175.000 tấn sang Philippines, đã giúp giá lúa gạo trong nước tiếp tục nhích nhẹ ở khu vực phía Nam, nhất là gạo nguyên liệu xuất khẩu chất lượng cao, dù nguồn cung từ vụ hè thu tiếp tục tăng.
Ngoài nông - lâm - thủy sản, các nhóm hàng xuất khẩu khác bao gồm: Nhiên liệu, khoáng sản, công nghiệp chế biến với những sản phẩm chủ lực như than đá, dầu thô, xăng dầu thành phẩm, dệt may, da giày, máy tính, điện thoại… tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá, từ 18,1 đến 39,4%...
Xét về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 7 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 21,5 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 42,6%; ASEAN đạt 12,3 tỷ USD, tăng 27,1%; Nhật Bản đạt 9,6 tỷ USD, tăng 20,6%; Hàn Quốc đạt 7,6 tỷ USD, tăng 26,4%...
Nhập siêu giảm nhẹ
Về kim ngạch nhập khẩu, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu cả nước ước đạt 17,8 tỷ USD trong tháng 7, giảm 1,6%. Tính chung 7 tháng, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24%. Việc nhập khẩu tăng cao từ các quốc gia có trình độ công nghệ cao như Hoa Kỳ (22,7%) và tăng thấp hơn ở một số thị trường có trình độ công nghệ thấp như Trung Quốc (15,8%) được coi là tín hiệu tốt.
Cán cân thương mại trong tháng 7 ước tính thâm hụt 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu 3,1 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,7 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,6 tỷ USD. Như vậy, mức nhập siêu đang dần giảm nếu so sánh với tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm (2,8%).
Xu hướng giảm này đã được đại diện Bộ Công Thương dự báo tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm vì hầu hết các thiết bị đã nhập khẩu nhiều từ những tháng đầu năm do việc giải ngân của hàng loạt dự án.
Bên cạnh đó, trong các tháng cuối năm, Bộ Công Thương tăng cường quản lý xuất - nhập khẩu bằng việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với những mặt hàng nhập khẩu nhiều theo quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, góp phần giảm áp lực nhập siêu.