Nền kinh tế nửa năm nhìn lại: Chuyển động chưa như kỳ vọng

GD&TĐ - Do tác động từ kinh tế thế giới, đặc biệt từ những thị trường lớn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (khoảng nửa đầu năm 2017 vừa qua) dù đã có một số chuyển động đáng ghi nhận, song theo đánh giá mới nhất của Bộ Công Thương, rất nhiều chỉ số được kỳ vọng đã không đạt yêu cầu đặt ra, trong đó đáng kể nhất là tăng trưởng sản xuất công nghiệp và vấn đề nhập siêu.  

Nền kinh tế nửa năm nhìn lại:  Chuyển động  chưa như kỳ vọng

Tiêu thụ thấp giữ chân tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng sản xuất công nghiệp thực tế cũng không quá thấp trong thời gian qua. Một số lĩnh vực vẫn giữ được mức tăng đáng khích lệ. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 7,8% (trong đó khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11%, khai thác than tăng 1,3%); ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; sản xuất và phân phối điện tăng 13,8%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 8,2%. Đó là những chỉ số khả thi trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như thị trường thế giới có nhiều biến động hiện nay.

Tuy vậy, nhìn về tổng thể thì các kết quả lại không như dự tính trước đó, khi mà: Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành (IIP) 5 tháng đầu năm 2017 tăng 5,7%, đây là mức tăng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2016 (5 tháng 2016 tăng 7,4% - một mức tăng đã được đáng giá là không vượt quá được kỳ vọng đặt ra ở thời điểm ấy). Điều này đã che khuất những chỉ số tích cực của một số ngành sản xuất cụ thể. Nguyên nhân tăng trưởng sản xuất công nghiệp không được như kỳ vọng, theo cơ quan chủ quan, xuất phát từ sự thiếu khả quan của tình hình tiêu thụ, kể cả trong nước lẫn nước ngoài. Theo đó, chỉ số tiêu thụ của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng 2017 chỉ tăng 8,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 9,3% của cùng kỳ năm trước.

Riêng ở tình hình tiêu thụ sản phẩm, cũng có những điều đáng suy nghĩ. Không phải ngành nào cũng có chỉ số sụt giảm, thậm chí một số ngành vẫn giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, song đó lại là hầu hết những ngành liên doanh liên kết với nước ngoài, Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ gia công hoặc sử dụng công nghệ, nguyên vật liệu từ nước ngoài. Đó là các ngành như sản xuất đồ uống (tăng 9%); kim loại (tăng 12,1%); sản xuất xe có động cơ (tăng 13,2%) và sản xuất phương tiện vận tải khác (tăng 16,4%)… Còn những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước đều là các lĩnh vực sản xuất thuần Việt, hoặc vốn là những lĩnh vực sản xuất có thế mạnh của Việt Nam như thủ công mỹ nghệ (trong đó chủ yếu là ngành chế biến gỗ với các sản phẩm chế tác là giường, tủ, bàn ghế… có chỉ số giảm 2,8%) và kể cả dệt may (chỉ tăng 0,6%, thấp xa so với kỳ vọng đặt ra cũng như so với mức tăng hàng năm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng tựu chung theo Bộ Công Thương, thị trường hàng hóa thời gian qua chịu nhiều tác động của một số nhân tố bất ổn như: những thay đổi trong chính sách điều hành kinh tế của Mỹ - đặc biệt là kế hoạch cắt giảm thuế; tiến trình đàm phán Brexit của Anh và EU; thâm hụt ngân sách của Eurozone; căng thẳng chính trị tại Triều Tiên và khu vực Trung Đông… Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước xuống thấp do tăng trưởng kinh tế thực tế vẫn chưa thể hiện rõ trong đời sống người dân, dẫn tới sản phẩm sản xuất ra không có thị trường tiêu thụ hoặc mức tiêu thụ không như kỳ vọng, lượng hàng hóa tồn kho nhiều.

Lại nỗi lo nhập siêu

Bên cạnh chỉ số tăng trưởng sản xuất công nghiệp, những chỉ số về nhập khẩu cũng là vấn đề lớn của nền kinh tế trong thời gian qua.

Đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư): Dù xuất khẩu 5 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2016 (kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ) nhưng kim ngạch nhập khẩu cùng thời gian lại ước chừng tới 82 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016. Có nghĩa là, nhập siêu thêm một lần nữa lại trở thành nỗi lo của nền kinh tế.

Giải thích thêm về vấn đề này, theo phân tích của Bộ Công Thương, mặc dù nhập khẩu tăng nhưng tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng cần nhập khẩu. Cụ thể, nhóm chủ đạo là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (đạt khoảng 14,9 tỷ USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm 2016); nhóm cũng phố biến nhưng ở mức thấp hơn (dù không đáng kể) là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 13,34 tỷ USD, tăng 27,5% và nhóm điện thoại các loại và linh kiện - trừ điện thoại di động - đạt 4,77 tỷ USD, tăng 31,5%...

Thừa nhận tình trạng nhập siêu trong 5 tháng đầu năm, nhưng cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do sự gia tăng của nhu cầu nhập khẩu phục vụ các dự án đầu tư, thay vì nguyên nhân tiêu dùng. Cơ quan này cũng cho rằng không chỉ về nguyên nhân không đáng lo ngại của tình trạng nhập siêu, mà thời điểm cũng chưa đến mức phải điều chỉnh các chỉ tiêu xuất nhập khẩu. Cụ thể Bộ Công Thương chỉ rõ, theo chu kỳ thì xuất khẩu nông, thủy sản sẽ tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa tháng 7, tháng 8.

Chính việc các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm cũng là tiền đề để dự báo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng tiếp theo. Căn cứ các diễn biến, Bộ Công Thương dự báo nhập siêu cả năm sẽ được kiểm soát, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ở mức khoảng dưới 3,5%, phù hợp với mục tiêu đã đề ra cho năm 2017.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao hơn nhiều, tăng tới 23,9% so với mức tăng 17,4% của xuất khẩu. Tính chung 5 tháng đầu năm 2017, cả nước nhập siêu khoảng 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% kim ngạch xuất khẩu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ