Nhiều tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo của giáo dục đại học

GD&TĐ - Tại Công văn số 283/BDN ngày 06/7/2018 của Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ GD&ĐT, cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Việc đánh giá tiêu chuẩn các ĐH vùng không nên chỉ dựa vào quy mô khi thành lập mà cần dựa vào chất lượng nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo của các trường ĐH để có sự đánh giá và phân loại chính xác.

Nghiên cứu khoa học là yêu cầu mấu chốt trong đánh giá chất lượng GD đại học
Nghiên cứu khoa học là yêu cầu mấu chốt trong đánh giá chất lượng GD đại học

Bộ GD&ĐT trả lời:

Không chỉ riêng đối với ĐH vùng, việc đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở GD ĐH nói chung không chỉ dựa vào tiêu chí về quy mô đào tạo mà còn dựa vào nhiều tiêu chí khác nữa.

Việc đánh giá các trường ĐH hiện nay dựa trên công tác kiểm định chất lượng GD cơ sở đào tạo và chương trình đào tạo. Bộ tiêu chuẩn đánh giá hiện hành được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở GD của Mạng lưới các trường ĐH ASEAN, gồm 25 tiêu chuẩn với 111 tiêu chí. Theo đó, các tiêu chuẩn về đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo; nghiên cứu khoa học được xây dựng mang tính hệ thống cao (đánh giá từ chiến lược, chính sách tới các hoạt động cụ thể của cơ sở đào tạo). Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo trong đó có cả các trường thành viên của các ĐH vùng tích cực đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo và đặc biệt là kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với các tổ chức kiểm định có uy tín của khu vực và thế giới. Tính đến 7/2018, có 106 chương trình đào tạo được các tổ chức quốc tế kiểm định, trong đó có 5 chương trình đào tạo của các ĐH vùng.

Như vậy, có thể khẳng định, việc đánh giá cơ sở GD ĐH (trong đó có ĐH vùng) không thể bỏ qua chất lượng nghiên cứu khoa học và chất lượng đào tạo.

Trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các ĐH vùng triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế cho thấy, các ĐH vùng ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của các vùng kinh tế.

Tại Văn bản số 307/BDN ngày 19/7/2018 của Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ GD&ĐT, cử tri tỉnh Sóc Trăng đề nghị đưa Luật Nghĩa vụ quân sự vào chương trình GD cấp THPT nhằm nâng cao ý thức về trách nhiệm của người công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, giúp các em HS nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật (Câu 08).

Bộ GD&ĐT trả lời:

Quyết định số 79/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24/12/2007 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) cấp THPT đã đưa bài Luật Nghĩa vụ quân sự vào trong chương trình giảng dạy và được bố trí thành bài giảng riêng 4 tiết ở lớp 11.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK GDPT, theo đó tại Thông tư số 02/2017/BGDĐT ngày 13/01/2017 của Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình GDQP-AN trong trường THPT và dự thảo chương trình môn học GDQP-AN trong Chương trình GDPT mới, Luật Nghĩa vụ quân sự không bố trí thành bài riêng mà được tích hợp trong bài “Giới thiệu một số luật về quốc phòng và an ninh Việt Nam” trong chương trình lớp 10 với thời lượng 2 tiết.

(còn nữa)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ