Mới đây, báo chí đưa tin đang chơi trong nhà, thấy ngọn lửa bùng phát mạnh, bé gái 5 tuổi kịp chạy sang nhà cố nội gào khóc, báo tin. Lập tức cụ cố chạy sang kịp bế cháu bé 4 tháng tuổi ra khỏi đám cháy. Đó không chỉ là tin vui hiếm hoi, bởi trên thế giới, thỉnh thoảng vẫn có những trường hợp trẻ em biết ứng phó trước những tình huống rủi ro một cách ngoạn mục.
Tôi nghĩ, số lượng trẻ chưa được dạy dỗ các kỹ năng ứng phó trước rủi ro, mà đã xử lý thông minh, nhanh nhạy như thế, sẽ không nhiều. Trong khi đó, phụ huynh chỉ cần một phút lơ đễnh, chủ quan tưởng con đang an toàn với mớ đồ chơi trong nhà, rồi bỏ con một mình, chạy vội ra ngoài có tý việc, là đang để trẻ đối mặt với những nguy hiểm không lường trước.
Trang bị cho trẻ cách ứng phó, biết tự cứu mình khi gặp nguy hiểm, là một bài học giáo dục bổ ích cha mẹ dành cho con. |
Trẻ em vốn hiếu kỳ, cùng những tình huống rủi ro bất ngờ xảy đến, lúc đó, trẻ chỉ biết gào khóc, thì thật đáng tiếc. Vậy nên, trang bị cho trẻ cách ứng phó, biết tự cứu mình khi gặp nguy hiểm, là một bài học giáo dục bổ ích cha mẹ dành cho con.
Đứng trước nguy cơ rủi ro, thay vì gào khóc, thì dạy trẻ kêu cứu. Chẳng hạn, nếu gặp hỏa hoạn, trẻ sẽ chạy ra ngoài la lớn, khi ấy, trẻ vừa được thoát thân, vừa nhờ được sự trợ giúp của người lớn. Trường hợp trẻ yếu ớt, không thể chống cự với những kẻ xâm hại, trẻ sẽ dùng lời hô hoán để kêu cứu.
Trẻ bị dụ dỗ, cũng là một trong những nguy cơ rủi ro cao. Dạy trẻ cảnh giác khi người lạ tỏ ra ân cần, gọi đúng tên trẻ, xin trẻ mở cửa vào nhà đi nhờ vệ sinh, xin uống nước, hay chuyển lời bố mẹ bảo trẻ phải làm thế này thế kia.
Phụ huynh luôn dạy con cẩn thận với người lạ. Thế nhưng, một con số thống kê về lạm dụng tình dục đáng giật mình khi người lạ chỉ chiếm có 2%.
Trẻ bị dụ dỗ, cũng là một trong những nguy cơ rủi ro cao. |
Gửi con cho người quen, không quản lý giờ giấc sinh hoạt của con; cho phép con ăn mặc gợi cảm; cho con gái ngủ với ba, với anh trai; con gái thường xuyên tiếp xúc một mình với cha dượng, với bà con họ hàng là nam giới, tiếp xúc với đàn ông say rượu, hay đi một mình trong đêm vắng... là phụ huynh đang đẩy con vào vùng nguy hiểm.
Dạy trẻ hiểu rằng, dù người lạ cũng nguy cơ, người quen cũng nguy cơ, nhưng chung quanh con vẫn có nhiều người tốt. Chẳng hạn, khi con bị lạc bố mẹ, trong cơn hoảng loạn, có thể con gào khóc, thì nhất định sẽ có người đến động viên, giúp đỡ, con có thể đọc số điện thoại bố mẹ, bố mẹ lập tức tìm con.
Tôi nhớ có lần con gái tôi than phiền rằng con không thích bác T. Với gia đình tôi, bác T. là người lớn, đối xử với chúng tôi rất tốt. Khi con nói vậy, tôi nghĩ bác T. đang mang lại rắc rối cho con, nên tôi gợi chuyện, lắng nghe con tâm sự.
Nếu tôi hồ đồ cho rằng con đang “nói xấu” bác T., thì tôi đã mất cơ hội nghe con chia sẻ. Con gái tôi tuổi 12, tướng phổng phao, bác T. hay đùa không chỉ bằng lời nói, mà dùng hành động, như bẹo má, đánh vào mông con.
Bác T. hay “bẹo má” con. |
Nghe con kể, tôi hiểu được cảm giác của con, và thấy bác T. “có vấn đề”. Tôi bảo con phải cảnh giác với bác T., không cho bác T. có cơ hội gần gũi. Tôi cũng nói với bác T. là không đùa giỡn quá trớn với đứa con gái đang tuổi ăn tuổi lớn của chúng tôi.
Sợ đứa con trai 7 tuổi của tôi quên những lời dặn dò, nên thỉnh thoảng tôi hay đưa ra một số tình huống, bắt con tự giải quyết. Tôi nghĩ đó là bài học thực tế, dễ nhớ, đồng thời cũng là cách kiểm tra khả năng phản ứng của con, xem con mình xử lý tới đâu, mà còn hướng dẫn thêm, để con không lúng túng khi đối mặt trước những nguy cơ.