Lễ cưới tập thể cho 40 cặp đôi khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn diễn ra hôm 17/10 tại TPHCM. Là cặp vợ chồng được chọn tham gia, Nguyễn Duy Phát (28 tuổi, quê Kiên Giang) và Tăng Thị Bé Ngọc, 23 tuổi, cô sinh viên ngành bác sĩ đa khoa năm thứ tư, Đại học Cần Thơ rất vui.
Phát cho biết, hai vợ chồng sống với nhau đã hơn ba năm tại thành phố Cần Thơ, nhưng chưa làm được đám cưới vì kinh tế khó khăn. Từ sáng sớm, họ cùng con trai 14 tháng tuổi và bố mẹ Phát lên Sài Gòn dự ngày trọng đại.
Trong lúc con trai, con dâu bận chuẩn bị cho buổi lễ, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Ngân thay phiên chăm cháu nội. Ông Ngân bị lùn bẩm sinh, cao chỉ 1m, trong khi vợ ông cao hơn chồng 50cm. Phát là người duy nhất lùn giống bố trong bốn người con của họ.
Ba năm trước, Phát lên Cần Thơ làm nghề phân phối bánh kẹo cho các đại lý. “Lúc đó tôi bị bạn gái chia tay nên buồn”, Phát kể. Cũng thời gian đó Ngọc đang học năm nhất đại học. Thất tình, cô lang thang trên mạng, đọc được những dòng chia sẻ buồn của Phát nên kết bạn làm quen. Nói chuyện qua lại tròn tháng, họ hẹn gặp nhau ngoài đời.
Hạnh phúc sau hơn 3 năm chung sống của Phát và Ngọc là cậu con trai 14 tháng tuổi và một đám cưới diễn ra. |
“Mới đầu, nhìn anh ấy lùn có một khúc, tôi sốc, nghĩ chỉ quen cho vui”, cô sinh viên quê Bạc Liêu nhớ lại. Còn Phát thấy cô gái da ngăm đen, dáng người thô, ăn mặc như con trai đã nghĩ, "chắc cô này không phải con gái".
"Không ấn tượng về nhau trong lần gặp đầu, nhưng chúng tôi có nhiều điểm chung về ăn uống, gu thời trang và nói chuyện hợp. Sau hơn bốn tháng quen, tôi chấp nhận làm bạn gái anh ấy", Ngọc kể.
Biết con gái quen chàng trai thấp bé, học chỉ hết lớp 9, công việc bấp bênh, bố mẹ Ngọc phản đối ra mặt. “Bố mẹ cấm ghê lắm. Mấy đứa bạn chơi chung nhóm cũng khuyên nên chỉ là bạn, vì còn đi học. Hai đứa đi bên nhau, anh ấy cao chưa đến vai tôi, ai cũng chỉ trỏ rồi bàn tán, nhưng anh ấy rất thật thà, chịu khó, biết cố gắng cho tương lai”, cô sinh viên cao 1,6m nói.
Ngọc thấy biết ơn "hậu phương lớn" là chồng và bố mẹ chồng. Cô cho biết hôn nhân của họ vẫn bị nhà ngoại phản đối, nhưng bớt gay gắt,ông bà đã chịu đi lại thăm cháu. |
Giữa năm 2016, cô quyết định dọn đến ở trọ cùng bạn trai. Một năm sau, họ đón con trai đầu lòng, rồi đưa nhau đi đăng ký kết hôn. Để chuyện gia đình không ảnh hưởng đến việc học của vợ, Phát vừa lo kinh tế, vừa phụ vợ trông con những lúc Ngọc bận ôn bài thi, đi học thêm và đi thực tế.
“Gần ba năm sống chung nhà, kinh tế chỉ một mình anh ấy lo, có lúc thiếu trước hụt sau, nhưng chúng tôi ít khi giận nhau. Cứ tôi nóng là anh im lặng. Tôi bận tắm rửa cho con, anh lau nhà, phụ vợ rửa chén bát”, Ngọc kể. Cô cho biết, hiện có mẹ chồng lên phụ trông con, vì thế, cô vừa đi học, vừa bán hàng online để thêm tiền chợ với chồng.
Lần đầu nhìn vợ mặc áo cô dâu, trang điểm và uốn tóc, Phát ghẹo: "Không ngờ vợ tôi cũng có ngày giống phụ nữ". Anh chụp lại tất cả các khoảnh khắc trong ngày trọng đại đăng lên trang cá nhân khoe với bạn bè.
“Cô ấy sống giản dị, biết hy sinh cho gia đình. Có hôm, cả ngày bận đi học, về nhà con nhỏ quấn, nhưng cô ấy vẫn lo cơm nước”, Phát tự hào khoe.
Hơn một năm nay, mẹ Phát lên Cần Thơ ở cùng để trông cháu nội cho con dâu yên tâm đi học. |
Nhìn các con tay trong tay bước vào sân khấu làm lễ, ông Ngân không giấu được niềm vui. “Trong đời tôi được chứng kiến hai người phụ nữ tốt rồi, đó là vợ tôi và con dâu tôi. Cha con tôi thật may mắn”, ông tâm sự.
Lãnh đạo khoa Y khoa, Trường Đại học y dược Cần Thơ cho biết, Ngọc là sinh viên của khoa, có gia đình từ năm 2. Tuy thế, cô vẫn hoàn thành các môn học, cũng như các đợt đi thực tế, thực hành do lớp và khoa đề ra.
Chị Phan Bích Ngân, công tác tại Hội người khuyết tật thành phố Cần Thơ, nơi Phát là thành viên hơn ba năm nay, đánh giá: "Dù ngoại hình thấp bé, nhưng Phát rất tích cực tham gia các hoạt động của hội, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đám cưới của họ là do hội giới thiệu", chị Ngân nói.