Nhiều thách thức với giáo dục vùng khó

GD&TĐ - Vân Hồ - huyện vùng cao khó khăn tỉnh Sơn La với 33 đơn vị trường học, nhưng mới có 3 trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở hạ tầng, chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo còn hạn chế… Vì vậy, thách thức với ngành GD-ĐT khi thực hiện Chương trình GDPT mới không hề nhỏ. Ông Phạm Thanh Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La đã trao đổi với Báo GD&TĐ xung quanh vấn đề trên. 

Nhiều điểm trường tại huyện Vân Hồ còn khó khăn về cơ sở vật chất. Ảnh: T.G
Nhiều điểm trường tại huyện Vân Hồ còn khó khăn về cơ sở vật chất. Ảnh: T.G

* Ông có thể cho biết, những thách thức chủ yếu mà ngành GD-ĐT Vân Hồ sẽ đối điện trước thềm thực hiện Chương trình GDPT mới?

- Trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ các năm học, ngành GD-ĐT huyện Vân Hồ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đa số trường học đóng trên địa bàn các xã vùng III đặc biệt khó khăn (10/14 xã đặc biệt khó khăn); khoảng cách của nhiều điểm trường phụ đến điểm trường trung tâm còn xa (từ 15 đến 20 km), địa hình cách trở, giao thông đi lại rất khó khăn.

Hàng năm, vào mùa mưa lũ, hệ thống đường giao thông bị sạt lở ảnh hưởng đến công tác giảng dạy của các thầy cô giáo và học tập của học sinh; nhiều địa phương trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hủ tục (tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bắt vợ, cúng ma...) nên đã ảnh hưởng đến công tác duy trì sĩ số học sinh (đặc biệt ở cấp THCS và THPT).

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của các đơn vị trường học tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học (toàn ngành có 865 phòng học, trong đó có 528 phòng học kiên cố, 224 phòng học bán kiên cố, 97 phòng học tạm và 16 phòng học nhờ), đa số các nhà trường còn thiếu các phòng thí nghiệm, thiết bị và thư viện; Đội ngũ GV còn thiếu (đặc biệt là GV mầm non) nên đã ảnh hưởng đến công tác huy động trẻ ra lớp...

* Năm học tới ngành GD-ĐT huyện Vân Hồ sẽ chính thức thực hiện Chương trình GDPT mới ở bậc TH. Vậy sự chuẩn bị đã được tiến hành ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hải  - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Hồ.  Ảnh: T.G

- Chuẩn bị Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT Vân Hồ xác định rõ những khó khăn cơ bản chính là cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đáp ứng, số lượng, chất lượng đội ngũ CBQL, GV trong ngành còn hạn chế.

Trong năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT Vân Hồ tích cực phối hợp với các phòng, ban liên quan, tham mưu cho UBND huyện sau khi thực hiện sáp nhập các đơn vị trường học, rà soát cơ sở vật chất (đặc biệt là phòng học và các phòng chức năng) đề nghị đầu tư xây dựng.

Phối hợp với Phòng Nội vụ huyện trong công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên (mở các lớp bồi dưỡng về hạng chức danh nghề nghiệp, tin học, tiếng dân tộc...). Thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyên môn (sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, từng trường...), tổ chức các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ quản lý, giáo viên.

Qua các hoạt động nêu trên từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thầy, cô giáo đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới sắp tới.

* Ngành GD-ĐT Vân Hồ đã xây dựng Đề án và tham mưu với UBND huyện thế nào để hỗ trợ kinh phí, tăng cường các nguồn lực, huy động XHH GD… đầu tư thêm phòng học cũng như tăng thêm GV (GV Tiếng Anh và Tin học) nhằm phát triển hệ thống trường, lớp học 2 buổi/ngày?

- Phải khẳng định việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục cho các cấp học, bậc học nói chung và bậc TH nói riêng. Năm học 2018 - 2019, Phòng GD&ĐT Vân Hồ triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có giải pháp tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Hiện tại có 4/14 trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, 10/14 trường tổ chức dạy học chương trình T30 (phụ đạo cho học sinh thêm 2 buổi chiều/tuần).

Trong công tác XHH GD, riêng 2 năm học vừa qua các đơn vị trường học của huyện xây dựng được thêm 10 phòng học, 2 phòng chờ cho GV, 1 nhà vệ sinh và một số công trình phụ trợ khác từ nguồn vốn XHH GD.

Ngành GD-ĐT huyện luôn ủng hộ các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân thực hiện công tác hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng sinh hoạt cho HS bán trú...

Về đội ngũ GV dạy môn Tiếng Anh và Tin học bậc TH của huyện đang hạn chế về số lượng (cả ngành mới có 7 GV Tiếng Anh và 3 GV Tin học). Để đáp ứng số lượng GV, đặc biệt là GV Tiếng Anh và Tin học cho Chương trình GDPT mới, ngành GD-ĐT huyện đang tích cực tham mưu với huyện, tỉnh sớm bổ sung biên chế trong thời gian tới.

* Đa số các trường học huyện Vân Hồ đóng trên địa bàn các xã vùng III đặc biệt khó khăn; khoảng cách giữa các điểm trường khá xa, địa hình cách trở... Vậy, việc dồn dịch các điểm trường để bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện dạy học… nâng cao chất lượng giáo dục khi triển khai Chương trình GDPT mới gặp khó khăn gì và triển khai ra sao?

- Vấn đề dồn dịch các điểm trường để bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện dạy học là một trong các giải pháp tích cực khi thực hiện Chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, khi triển khai nội dung này chúng tôi gặp hai khó khăn cơ bản:

Trước hết, cơ sở vật chất của các trường bậc TH ở điểm trường trung tâm chưa đáp ứng được việc dồn dịch HS, đặc biệt thiếu khu bán trú cho HS. Mặt khác, đội ngũ CB, GV, NV quá mỏng chỉ đáp ứng công tác dạy học, còn công tác quản lý HS bán trú là cả một vấn đề lớn.

Trong các năm học vừa qua, khi tổ chức xây dựng Kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm, chúng tôi đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo dồn ghép các điểm trường ở mức tối đa có thể. Tuy nhiên công tác này có thể nói chưa thực sự hiệu quả và cần thêm thời gian cũng như các nguồn lực tập trung cho các năm học sau.

* Xin cảm ơn ông!

Còn nhiều khó khăn song ngành GD-ĐT Vân Hồ đã duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục TH, THCS và xóa mù chữ. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đi học hàng năm cao hơn. Chất lượng giáo dục đại trà các cấp học, bậc học toàn huyện được nâng lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Năm học 2018 - 2019, lần đầu tiên huyện Vân Hồ - Sơn La có HS đoạt giải Nhất cấp tỉnh trong Cuộc thi KHKT dành cho HS THCS (đã được tham dự cuộc thi cấp quốc gia)...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ